Xây dựng thương hiệu, tạo chỗ đứng trên thị trường
Câu chuyện về xây dựng thương hiệu, nâng tầm giá trị thương hiệu cũng như chuyển đổi mô hình sản xuất, quy trình phù hợp, hướng đến sản xuất xanh ngày càng được các DN, cơ sở sản xuất, kinh doanh trên địa bàn tỉnh quan tâm, chú trọng, nhất là trong bối cảnh nền kinh tế có độ mở rất lớn và hội nhập quốc tế sâu, rộng.
Trong môi trường cạnh tranh ngày càng khốc liệt hiện nay, nếu DN chỉ nỗ lực cải tiến chất lượng sản phẩm hoặc cạnh tranh bằng giá cả thì chưa đủ. Để tạo ra lợi thế cạnh tranh bền vững, ngoài những yếu tố như chất lượng sản phẩm, giá cả, kênh phân phối và truyền thông thì DN phải chú trọng xây dựng thương hiệu hướng đến sản xuất xanh, linh hoạt trong sản xuất, phù hợp với đòi hỏi cao của thị trường để phát triển bền vững. Có thương hiệu, sản phẩm của DN mới được khách hàng nhớ đến, tin dùng.
Theo Phó Giám đốc Sở Công Thương – Châu Thị Lệ, DN mạnh phải là DN sở hữu những thương hiệu mạnh. Hay nói cách khác, ngoài cơ cấu sản xuất phù hợp thì DN phải tạo ra thương hiệu riêng. Xây dựng thương hiệu không thể chỉ thực hiện trong một vài năm mà phải một thời gian dài.
Để có thương hiệu mạnh, DN cần nhận thức rõ tầm quan trọng của thương hiệu. Việc xây dựng thương hiệu cần được thực hiện một cách bài bản, đúng quy trình, phương pháp, nhất quán và linh hoạt. Từ đó, thương hiệu mới mang lại những kết quả, có giá trị và chỗ đứng bền vững trên thị trường.
Hoạt động tại địa bàn huyện Đức Hòa từ năm 2008, Công ty (Cty) Cổ phần Cơ khí công nghệ cao Đại Dũng II từng bước khẳng định thương hiệu và tìm được chỗ đứng khá vững chắc trên thị trường. Ngành nghề hoạt động chính của Cty là sản xuất, cung cấp và lắp dựng khung nhà thép tiền chế, kết cấu thép.
Thương hiệu của Cty đã vươn ra khỏi Việt Nam, đến nhiều nước trên thế giới như Mỹ, Úc, Nhật, Đài Loan, khu vực Trung Đông,… Bình quân mỗi năm, Cty xuất khẩu khoảng 16.000 tấn, riêng 9 tháng năm 2024, xuất khẩu 10.000 tấn; giải quyết việc làm cho khoảng 1.000 lao động.
Để có những kết quả kinh doanh, ngoài tiếp cận, tìm kiếm thị trường, Cty còn chú trọng chuyển đổi quy trình sản xuất, áp dụng các công nghệ tiên tiến, thân thiện với môi trường trong quá trình hoạt động, tạo ra những dòng phẩm mang thương hiệu riêng, chất lượng và giảm tác động đến môi trường.
Thương hiệu của Công ty Cổ phần Cơ khí công nghệ cao Đại Dũng II (huyện Đức Hòa) đã vươn ra khỏi Việt Nam và đến nhiều nước trên thế giới như Mỹ, Úc, Nhật Bản, Đài Loan, khu vực Trung Đông,…
Phó Chủ tịch Hội đồng Quản trị Cty Cổ phần Cơ khí công nghệ cao Đại Dũng II – Trịnh Minh Hùng cho biết: “Các dòng sản phẩm của Cty khi hoàn thành, đưa ra thị trường đủ sức cạnh tranh về mẫu mã, chất lượng cũng như các yếu tố liên quan đến sản xuất xanh, sạch, thân thiện môi trường, đáp ứng tiêu chuẩn của các nước xuất khẩu sở tại.
Cty từng bước xây dựng được thương hiệu, uy tín cho dòng sản phẩm và được nhiều thị trường tiếp nhận. Trong giai đoạn hiện nay cũng như sắp tới, tình hình thế giới tác động lớn cũng như xu thế về sản phẩm xanh, sạch đòi hỏi Cty phải điều chỉnh chiến lược phù hợp.
Chúng tôi đầu tư máy móc, thiết bị hiện đại, tiên tiến vào sản xuất; đồng thời, phối hợp các đơn vị tuyển dụng lao động tay nghề kỹ thuật đáp ứng yêu cầu, tính chất công việc.
Tuy nhiên, phía Cty kiến nghị địa phương hỗ trợ vấn đề về lao động hoặc có cơ chế phối hợp đào tạo nguồn nhân lực đáp ứng yêu cầu vì hiện nay việc tuyển dụng lao động có tay nghề tương đối khó khăn”.
Doanh nghiệp chuyển đổi phù hợp, hướng đến sản xuất xanh, tạo ra các dòng sản phẩm c× thương hiệu khi đến với thị trường(Trong ảnh: Công ty Cổ phần Dược phẩm Việt (huyện Thủ Thừa) đầu tư máy móc, ứng dụng khoa học – kỹ thuật vào sản xuất)
Cty Cổ phẩn Dược phẩm Việt (huyện Thủ Thừa) chủ động, linh hoạt trong sản xuất kinh doanh, hướng đến sản xuất xanh, sạch để phù hợp với giai đoạn hiện nay cũng như thời gian tới. Quá trình sản xuất tuân thủ nghiêm ngặt các quy định, tiêu chuẩn trong lĩnh vực sản xuất dược phẩm, thuốc và khép kín từ vùng nguyên liệu, sản xuất đến khi sản phẩm xuất bán ra thị trường.
Theo đại diện Cty Cổ phần Dược phẩm Việt – Phạm Quốc Khánh, hiện nay, Cty ký kết bao tiêu với nông dân thực hiện vùng nguyên liệu tại xã Mỹ An, huyện Thủ Thừa với diện tích 4ha theo tiêu chuẩn đề ra. Trong quá trình sản xuất, Cty chuyển đổi phù hợp, đầu tư các máy móc, thiết bị tiên tiến và từng bước xây dựng thương hiệu để khẳng định chỗ đứng trên thị trường.
Mỗi năm, Cty cung cấp khoảng 2,5-3 triệu sản phẩm ra thị trường. Cty đẩy mạnh chuyển đổi số trong hoạt động, sử dụng năng lượng tái tạo, năng lượng sạch để sản xuất, đáp ứng các tiêu chuẩn của thị trường. Thời gian tới, Cty dự định mở rộng quy mô, khảo sát xây dựng vùng nguyên liệu sạch tại thị xã Kiến Tường (10ha) và đẩy mạnh tìm kiếm thị trường xuất khẩu.
Hỗ trợ nâng tầm thương hiệu bằng nhiều hoạt động
Để đáp ứng nhu cầu ngày càng cao và khẳng định vị thế trên thị trường, các chủ cơ sở sản xuất, DN không chỉ đổi mới, nâng cao chất lượng, mẫu mã, hình ảnh, cách phục vụ,… mà cần có chiến lược xây dựng, phát triển thương hiệu cho sản phẩm của đơn vị. Tỉnh triển khai nhiều chính sách hỗ trợ DN theo từng ngành, địa phương để góp phần nâng cao giá trị cạnh tranh, giá trị thương hiệu cho các DN. Nhiều chương trình thực hiện thời gian qua được DN quan tâm và đánh giá tích cực như hỗ trợ DN đổi mới máy móc, áp dụng khoa học và công nghệ, Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), hỗ trợ DN đăng ký sở hữu trí tuệ, nhãn hiệu hàng hóa, kết nối, hỗ trợ đưa sản phẩm lên các sàn thương mại điện tử (TMĐT),… góp phần hỗ trợ DN nâng cao chất lượng, năng lực cạnh tranh nói chung và xây dựng, phát triển thương hiệu nói riêng. Long An có nhiều sản phẩm hàng hóa chinh phục được người tiêu dùng, trong đó nhiều sản phẩm, thương hiệu lớn của tỉnh được ưa chuộng.
Tỉnh thường xuyên hỗ trợ doanh nghiệp kết nối tìm kiếm thị trường cũng như nâng tầm giá trị thương hiệu sản phẩm
UBND tỉnh triển khai các chính sách của Chính phủ, Bộ Công Thương liên quan đến lĩnh vực, ngành để thúc đẩy giao thương, tiêu thụ hàng hóa của tỉnh qua các chương trình khuyến công, xúc tiến thương mại, TMĐT; phối hợp đón các đoàn DN nước ngoài đến khảo sát, phát triển thương mại. Công tác xúc tiến thương mại tập trung các hoạt động phát triển thị trường trong nước và hoạt động ngoại thương.
Tỉnh kết nối tiêu thụ hàng hóa vào các kênh phân phối của các tỉnh, thành phố trong nước, nhất là TP.HCM qua chương trình kết nối cung – cầu, bình ổn thị trường, xúc tiến thương mại,… trong đó, duy trì phân phối thường xuyên vào hệ thống Co.op Mart, Go, San Hà, siêu thị Tứ Sơn, chợ đầu mối, các bếp ăn tập thể,… Tỉnh tổ chức, tạo điều kiện cho DN tổ chức các hội chợ thương mại nhằm quảng bá, xúc tiến tiêu thụ sản phẩm nông sản của tỉnh; thường xuyên hỗ trợ DN tham gia các hoạt động xúc tiến thương mại, kết nối giao thương phát triển thị trường.
Hiện nay, các sản phẩm, mặt hàng chủ lực của tỉnh tập trung vào nhóm mặt hàng nông sản (gạo, thanh long, chanh, chuối, mít,…), nông sản chế biến, dệt may, da giày, cơ khí, sắt thép đã có mặt tại 110 quốc gia, vùng, lãnh thổ trên thị trường thế giới với sự tham gia của khoảng 900 DN xuất, nhập khẩu trên địa bàn tỉnh.
Bà Châu Thị Lệ thông tin: “Thời gian tới, Sở tiếp tục duy trì các hoạt động, giải pháp đã thực hiện; đồng thời, đổi mới, kết hợp nhiều hình thức, đẩy mạnh các hoạt động, phối hợp hỗ trợ tổ chức xây dựng, phát triển thương hiệu cho DN; xúc tiến thương mại, đẩy mạnh hình thức TMĐT, kết nối trực tuyến; phát huy tối đa group Zalo giao thương các tỉnh, Zalo Hiệp hội Doanh nghiệp tỉnh, Zalo đồng hương Long An,… để quảng bá, kết nối tiêu thụ; giới thiệu sản phẩm nông sản lên sàn Postmart, Voso, Lazada, Tiki, Sendo,… góp phần nâng tầm sản phẩm, quảng bá thương hiệu.
Bên cạnh đó, các DN ở địa phương cần chủ động chuẩn bị trong quá trình chuyển đổi số, đưa hàng hóa lên sàn TMĐT trong và ngoài nước, nếu không sẽ bỏ lỡ nhiều cơ hội phát triển thị trường. Khi muốn đưa hàng hóa lên sàn TMĐT lớn, DN cần trau dồi, tìm hiểu kỹ những kiến thức liên quan, tuân thủ yêu cầu, tiêu chuẩn khắt khe; tạo ra hàng hóa bảo đảm tiêu chuẩn, nâng cao giá trị thương hiệu sản phẩm để phát triển bền vững”./.
Các DN ở địa phương cần chủ động chuẩn bị trong quá trình chuyển đổi số, đưa hàng hóa lên sàn TMĐT trong và ngoài nước, nếu không sẽ bỏ lỡ nhiều cơ hội phát triển thị trường. Khi muốn đưa hàng hóa lên sàn TMĐT lớn, DN cần trau dồi, tìm hiểu kỹ những kiến thức liên quan, tuân thủ yêu cầu, tiêu chuẩn khắt khe; tạo ra hàng hóa bảo đảm tiêu chuẩn, nâng cao giá trị thương hiệu sản phẩm để phát triển bền vững”.
Phó Giám đốc Sở Công Thương – Châu Thị Lệ
|
Tại Long An, các hoạt động hưởng ứng Tuần lễ thương hiệu Quốc gia chào mừng “Ngày Thương hiệu Việt Nam 20/4” đang được tập trung.
|
Châu Sơn
Nguồn: https://baolongan.vn/san-xuat-xanh-nang-ta-m-thuong-hieu-a185541.html