Những báo động “đỏ”
Cũng như nhiều quốc gia trên thế giới, tình trạng rối loạn tâm thần ở Việt Nam có xu hướng tăng, nhất là sau đại dịch Covid-19. Theo thống kê, tính đến tháng 10/2023, cả nước có gần 15 triệu người mắc các chứng rối loạn tâm thần, chiếm 14,9% dân số.
Trong đó, tỷ lệ người bị tâm thần phân liệt chiếm 0,47% dân số; trầm cảm, lo âu chiếm 5-6% dân số; những trường hợp còn lại thiên về rối loạn cảm xúc lưỡng cực, rối loạn tâm thần liên quan đến sử dụng bia, rượu, ma túy và các chất gây nghiện khác. Các đối tượng thường gặp rào cản tâm lý, chứng rối loạn tâm thần tập trung nhiều ở trẻ em, người trẻ.
Trước những con số đáng “báo động”, Trưởng khoa Vật lý trị liệu – Phục hồi chức năng, Bệnh viện Tâm thần Long An – Trần Văn Phương cho biết: “Suy giảm sức khỏe tinh thần, mắc các chứng rối loạn tâm lý, trầm cảm,… là những bệnh lý thường gặp ở giới trẻ trong bối cảnh hiện đại. Những áp lực về học hành, công việc, bạo lực ngôn từ,… khiến các bạn ngày càng thu mình, ngại tiếp xúc xã hội. Tệ hơn, có những trường hợp đáng tiếc đã xảy ra, nhiều bạn chọn kết thúc cuộc đời khi chỉ vừa mười tám, đôi mươi”.
Thuộc thế hệ Gen Z, Huỳnh Nguyễn Thảo Uyên (thị trấn Bến Lức, huyện Bến Lức, tỉnh Long An) cũng từng gặp chướng ngại tâm lý khi phải sinh sống, học tập xa nhà. “Trong những năm học THPT, tôi vừa phải thích ứng môi trường mới, vừa gặp vấn đề sức khỏe, cộng với áp lực “trường chuyên, lớp chọn”. Khi đó, mọi thứ đổ dồn khiến tôi mất phương hướng, không biết tâm sự cùng ai, lâu dần gây ra những bất ổn về tâm lý nên dễ cáu giận, suy nghĩ tiêu cực,…” – Thảo Uyên chia sẻ.
Em Huỳnh Nguyễn Thảo Uyên (thị trấn Bến Lức, huyện Bến Lức) thường đi xem concert (buổi biểu diễn ca nhạc) của những nghệ sĩ trong và ngoài nước
Không áp lực khi làm quen môi trường học tập mới nhưng chị Nguyễn Lê Trúc Linh (phường 2, TP.Tân An) lại tự ti, thu mình vì bạo lực ngôn từ. Chị tâm sự, bản thân từng nghe nhiều lời chê bai về ngoại hình từ những người thân quen. Điều đó ảnh hưởng nhiều đến tinh thần khiến chị tự ti, suy nghĩ tiêu cực và ám ảnh bởi những tiếng quát mắng, miệt thị. Dần dần, chị hình thành tâm lý ngại bày tỏ chính kiến.
Nhiều phương pháp “chữa lành”
Đứng trước những áp lực vô hình, ảnh hưởng trực tiếp đến sức khỏe tinh thần, nhiều bạn trẻ lựa chọn “tháo gỡ” bằng cách tìm đến những biện pháp “chữa lành”.
Để vượt qua giai đoạn khủng hoảng, Thảo Uyên thường dành thời gian đi dạo, xem phim và tâm sự cùng bạn bè. Vào đại học, Uyên bắt đầu có những chuyến đi phượt bằng xe máy cùng các bạn ở nhiều địa điểm như Đà Lạt, Vũng Tàu,… “Với tôi, du lịch là liệu pháp “chữa lành” hiệu quả. Ngoài ra, tôi còn có sở thích đi xem concert (buổi biểu diễn ca nhạc). Được trực tiếp xem nghệ sĩ mình yêu thích biểu diễn và hòa giọng vào đám đông giúp tôi xua tan mọi lo lắng, căng thẳng” – Thảo Uyên nói.
Bên cạnh sở thích đi du lịch như Thảo Uyên, chị Trúc Linh còn duy trì thói quen đọc sách để giảm căng thẳng. Theo chị, khi đọc sách, não bộ sẽ tập trung phân tích nội dung, gạt bỏ những suy nghĩ không tốt, hạn chế tình trạng lo âu và cung cấp lượng kiến thức bổ ích.
Ngoài ra, chị còn duy trì thói quen viết nhật ký để cân bằng cảm xúc: “Tôi sử dụng máy tính và sổ tay để viết ra những điều mình nghĩ rồi đọc lại xem điều gì mình có thể kiểm soát được, điều gì không. Cuối mỗi trang nhật ký, tôi đều viết những câu động viên bản thân, biết ơn những điều mình có. Tôi áp dụng cách này và thấy rất hiệu quả” – chị Trúc Linh trải lòng.
Chị Trúc Linh cũng chú trọng phát triển kỹ năng mềm như học cách bình tĩnh khi đối diện với vấn đề xảy ra; học cách bày tỏ quan điểm với thái độ cầu thị. Chị còn khám phá tính cách bản thân qua những bài test tính cách trên mạng, từ đó rèn luyện khả năng giao tiếp, thuyết phục người khác.
Chị Nguyễn Lê Trúc Linh (phường 2, TP.Tân An) thường cùng bạn bè đi phượt để giải tỏa căng thẳng
Ngoài đọc sách, trau dồi kiến thức để nâng cao sức khỏe tinh thần, chị Nguyễn Phạm Thanh Trúc (xã Nhựt Ninh, huyện Tân Trụ) còn dành thời gian đi spa thư giãn sau một tuần làm việc mệt mỏi. Chị cũng giữ thói quen ngủ sớm, ăn uống đủ chất và duy trì tập yoga 1 giờ/ngày. Là cô giáo trẻ, chị Thanh Trúc thường xuyên chia sẻ với học sinh để thấu hiểu tâm tư, tình cảm, giúp các em vượt qua chướng ngại tâm lý.
Chị Nguyễn Phạm Thanh Trúc (xã Nhựt Ninh, huyện Tân Trụ) trong chuyến du lịch nhiều ngày ở Hà Nội, Ninh Bình
Trước những “gánh nặng” tâm lý mà các bạn trẻ đang đối mặt, bác sĩ Trần Văn Phương khuyến khích: “Việc tìm kiếm những phương pháp “chữa lành” cho thấy sự chủ động và ý thức về bản thân của các bạn trẻ. Để vấn đề này được giải quyết toàn diện, cần có sự chung tay của gia đình, nhà trường, cộng đồng. Đồng thời, các bạn trẻ cũng nên mở lòng nhiều hơn và xây dựng lối sống lành mạnh, tránh xa những tệ nạn xã hội”./.
Ngọc Hân
Nguồn: https://baolongan.vn/nhung-lieu-thuoc-cho-suc-khoe-tinh-than-a183442.html