Anh Đỗ Cao Chí (ấp 3, xã Tân Thành, huyện Thủ Thừa) có 8 sản phẩm đạt chuẩn OCOP 3 sao và 4 sao
Chọn lối đi riêng để thành công
Từng thành công với trang trại nuôi bò nhưng sau đại dịch Covid-19, mô hình chăn nuôi này không còn mang lại hiệu quả kinh tế, anh Đỗ Cao Chí (SN 1982, ngụ ấp 3, xã Tân Thành, huyện Thủ Thừa, tỉnh Long An) nỗ lực tìm lối đi mới.
Với lợi thế có kinh nghiệm, kỹ thuật về chăn nuôi cũng như phát triển các sản phẩm từ sữa và thấy được triển vọng của sữa dê tại thị trường Việt Nam, anh Chí mạnh dạn chuyển sang mô hình chăn nuôi dê lấy sữa và thành lập Công ty TNHH Thái Ý Phương đầu tư máy móc, trang thiết bị sản xuất các sản phẩm từ sữa dê cũng như sản phẩm nông nghiệp khác.
Với thương hiệu Sữa dê Sala, hiện anh Chí có gần 20 sản phẩm, trong đó có 8 sản phẩm đạt chuẩn OCOP với 6 sản phẩm sữa chua sấy các vị đạt chuẩn OCOP 4 sao và 2 sản phẩm gồm sữa dê thanh trùng và sữa chua dê đạt chuẩn OCOP 3 sao. Anh Chí đang đăng ký sở hữu trí tuệ thương hiệu Sữa dê Sala.
Anh Chí chia sẻ: “Ở Việt Nam, sữa dê còn khá xa lạ, tuy nhiên, ở nhiều nước phát triển trên thế giới rất được ưa chuộng. Theo nhiều chuyên gia đánh giá, sữa dê có nhiều lợi ích cho sức khỏe, giúp dễ tiêu hóa, tăng cường hệ miễn dịch, cung cấp dưỡng chất quan trọng, bởi có nguồn dưỡng chất giàu protein, vitamin và khoáng chất,…”.
Công đoạn xử lý sữa dê tại nhà máy của anh Đỗ Cao Chi
Dám nghĩ, dám làm, sau đại dịch Covid-19, năm 2022, anh Chí bắt tay ngay vào đầu tư phát triển trang trại nuôi dê và sản xuất các sản phẩm từ sữa dê. Với mỗi bước đi, anh đều tính toán kỹ lưỡng và có kế hoạch rõ ràng để đầu tư đồng loạt, mang lại hiệu quả cao, bền vững. Anh cải tạo trang trại nuôi bò trước đây thành trang trại nuôi dê lấy sữa với thiết kế nhà sàn cao ráo, thoáng mát. Sau đó, anh mua 40 con dê giống về nuôi và tiếp tục phối giống để phát triển trang trại, tạo nguồn sữa ổn định, đủ cung cấp cho hoạt động sản xuất các sản phẩm từ sữa dê.
“Với lợi thế đa dạng các sản phẩm từ sữa dê nên khách hàng có thể thoải mái lựa chọn sản phẩm ưa thích. Theo đơn đặt hàng, tôi sẽ tập trung sản xuất các sản phẩm được lựa chọn. Trong đó, hiện sản phẩm được ưa chuộng nhất là sữa dê thanh trùng và bột sữa dê” – anh Chí cho biết. Ngoài ra, anh còn sản xuất sản phẩm trái cây sấy thăng hoa, trong đó ưu tiên các nông sản đặc trưng của địa phương như dứa, thanh long, mít, sầu riêng, chuối,…
Với xu hướng dần thay đổi về nhu cầu sử dụng sữa và các sản phẩm từ sữa, sữa dê mang đến một tiềm năng lớn và ngày càng khẳng định lợi thế trên thị trường. Đón đầu xu hướng đó, anh Chí đã và đang tiếp tục nỗ lực phát triển hơn nữa các sản phẩm của mình để khẳng định thương hiệu và nâng tầm sản phẩm của địa phương.
Mạnh dạn khởi nghiệp
Từ thời còn là sinh viên, anh Võ Hồng Hòa (SN 1997, ngụ ấp Gò Dồ, xã Bình Hòa Tây, huyện Mộc Hóa) có đam mê nghiên cứu nuôi trồng các loại nấm. Anh cũng từng thử sức để khởi nghiệp với quy mô nhỏ để có thêm thu nhập phụ giúp gia đình lo các khoản chi phí cho việc học đại học.
Vẫn nung nấu ước mơ khởi nghiệp nhưng anh xác định cần có thêm kinh nghiệm cũng như thời gian tích lũy vốn, anh Hòa đi làm tại doanh nghiệp theo đúng chuyên ngành và lĩnh vực mình yêu thích là nuôi trồng nấm.
Anh Võ Hồng Hòa (ấp Gò Dồ, xã Bình Hòa Tây, huyện Mộc Hóa) tự hào về các sản phẩm từ nấm đông trùng hạ thảo
Nhận thấy thị trường nấm đông trùng hạ thảo đang phát triển tốt, chưa có ở địa phương, anh mạnh dạn khởi nghiệp và bắt đầu từ quy mô nhỏ, song song đó vẫn đi làm trong thời gian đầu khởi nghiệp để có thêm nguồn thu nhập ổn định, đầu tư vốn cho quy trình nuôi trồng và chế biến nấm đông trùng hạ thảo.
Anh Hòa chia sẻ: “Thời gian đầu khởi nghiệp, tôi gặp rất nhiều khó khăn, nhất là thiếu vốn, kinh nghiệm thực tiễn. Tuy nhiên, tôi có quyết tâm rất lớn, kiên trì, không bỏ cuộc và được sự giúp đỡ, hỗ trợ của gia đình, đồng nghiệp trong ngành cũng như chính sách hỗ trợ vay vốn,… Tôi dần tháo gỡ khó khăn bước đầu, tập trung phát triển các sản phẩm từ nấm đông trùng hạ thảo”.
Hiện anh Hòa nuôi trồng nấm đông trùng hạ thảo với diện tích 50m2 và sản xuất 3 sản phẩm gồm nấm đông trùng hạ thảo tươi, sấy thăng hoa và bột. Trong đó, sản phẩm nấm đông trùng hạ thảo sấy thăng hoa đạt chuẩn OCOP 3 sao.
“Khi đạt chuẩn OCOP 3 sao, sản phẩm được khẳng định về chất lượng cũng như thương hiệu. Đó cũng là động lực giúp tôi luôn cố gắng phát triển hơn nữa các sản phẩm” – anh Hòa chia sẻ.
Phát triển các sản phẩm OCOP giúp nâng tầm giá trị sản phẩm của địa phương, tạo dấu ấn riêng trên thị trường. Sự thành công của các sản phẩm này không chỉ giúp phát triển kinh tế gia đình của người dân mà còn đóng góp thêm sản phẩm uy tín cho địa phương để chung tay xây dựng nông thôn mới./.
An Nhiên
Nguồn: https://baolongan.vn/nang-tam-san-pham-cua-dia-phuong-a185667.html