Trong những năm gần đây, du lịch Long An – cửa ngõ Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) – đã được đánh thức. Nhiều vùng đất hơn chục năm trước chỉ là đồng bưng lau sậy hoang vu nay đã trở thành những điểm đến khó quên. Và việc liên kết chặt chẽ với TP.HCM và vùng đất “chín rồng” đang là hướng đi của ngành du lịch Long An.
Hơn một năm qua, Vườn thú Mỹ Quỳnh (xã Tân Mỹ, huyện Đức Hòa, Long An) hay quen gọi là Safari Mỹ Quỳnh đã không còn là điểm đến xa lạ với người dân ở TP.HCM lẫn Long An. Một phần nhờ vị trí nằm giáp kênh Thầy Cai, chỉ cách trung tâm huyện Củ Chi 8km. Một phần vì vườn thú 50ha này từ khi đưa vào hoạt động đã trở thành một trong những sở thú lớn nhất Việt Nam, bao gồm nhiều khu tham quan động vật hoang dã, bán hoang dã, và cả công viên nước, khu nghỉ dưỡng… rất thích hợp để các gia đình có trẻ em từ sông Bé đến sông Tiền tìm đến nghỉ ngơi, vui chơi, tham quan học hỏi thiên nhiên.
Những con thú ở đây đều được ông Ngô Trí Dũng – chủ Vườn thú Mỹ Quỳnh – âu yếm gọi tên Quỳnh. Ông Dũng chỉ cần gọi “Quỳnh ơi”, những đàn nai, bồ câu đã sà xuống vây quanh ông đòi ăn.
“Mỹ Quỳnh là tên con gái tôi. Tôi cưng lắm. Nhưng nhà ở phố, con cứ đi học về là cắm mặt chơi game suốt ngày. Một lần đi Nam Phi, thấy mô hình nuôi thú hoang dã của họ, tôi đã nghĩ ngay phải làm một vườn thú để con mình có chỗ chơi với thiên nhiên thì con mới dứt game ra được”, ông Dũng tâm sự.
Điểm đặc biệt và nổi trội nhất của khu du lịch này là khách sẽ được tự tay cho các loài động vật hoang dã ăn ngay trong chính môi trường sống của chúng. Nếu như việc cho các loài hiền như nai ăn cám ngay trên bàn tay, hay đút chuối cho tê giác qua một vách rào… để cảm nhận mối liên kết của con người với thiên nhiên thì việc trực tiếp ngồi trong các xe lồng, vào khu vực hổ sống tự nhiên rồi gắp đùi gà để các “chúa sơn lâm” gầm gừ tranh nhau tới thưởng thức ngay trước mặt quả là một trải nghiệm khó quên.
Giờ đây, khi đã thấy những trẻ em đến với vườn thú vui vẻ chìa thức ăn cho đàn nai đến ăn ngay trên tay, nhìn công viên nước rộng cho cả ngàn người, khu nhà nghỉ dưới những bóng cây xanh mát, chính ông Dũng cũng… rùng mình khi nghĩ lại những năm tháng cải tạo đồng bưng vừa qua.
“Hơn 800 tỉ đồng đổ vào rồi đó, giờ mà cho làm cũng không làm lại nổi”, ông Dũng kể.
Khu vực dành cho hổ, cá sấu, và những loài động vật hoang dã thì khá dễ, vì chỉ cần xây dựng khung rào, đắp đường giao thông. Nhưng trồng cây tạo bóng mát ở khu vực đệm cho khách nghỉ ngơi, tham quan thì lại không đơn giản. Nơi đây trên nắng rát, dưới đầy phèn. “Mười ngàn cây sanh lớn đem về trồng lấy bóng mát, qua một năm chết sạch, cho người dân chung quanh tới đem về làm củi. Nước phèn mà đất cũng phèn, không cây gì sống nổi ngoài năn với lác. Phải đổ thêm đất, mua phân bò về đắp thành những lớp dày mới để trồng lại thì mới có những hàng cây hôm nay”, ông Dũng nhớ lại.
Sau đại dịch COVID-19, nhiều điểm du lịch tại Long An đã chính thức khai trương đón khách, khởi động lại ngành kinh tế được xác định là mũi nhọn này, trong đó có điểm dừng chân Chavi Garden (xã Thạnh Lợi, huyện Bến Lức) trên quốc lộ N2, trục đường quan trọng kết nối từ TP.HCM qua Đồng Tháp Mười tại Long An đi đến các tỉnh Đồng Tháp, An Giang…
Việc ngọt hóa vùng đất phèn, thay những đồng bưng thành đất nông nghiệp là một trong những quá trình chuyển đổi sâu sắc của ĐBSCL trong gần 4 thập niên qua, và đến nay vẫn còn tiếp tục. Năm 2010, cùng với quá trình cải tạo vùng đất nhiễm phèn phía nam Đồng Tháp Mười để trồng chanh, ổi của người dân các huyện Đức Huệ, Bến Lức, anh Nguyễn Văn Hiển đã quyết định chuyển hướng từ ngành xây dựng sang đầu tư 150ha tại xã Thạnh Lợi, huyện Bến Lức để trồng chanh. Chỉ 1 năm sau, trang trại chanh không hạt trồng hữu cơ đã xanh mướt.
Không chỉ dừng lại với việc “thu hoạch bán thô”, anh Hiển đã tiếp tục đầu tư các nhà máy sản xuất sản phẩm từ chanh như nước giải khát, bột chanh. Đến năm 2016, thương hiệu Chavi đã có sản phẩm xuất khẩu được sang các thị trường châu Âu, Nhật Bản, Hàn Quốc… Các sản phẩm CHAVI đã phủ khắp toàn quốc qua hệ thống nhà phân phối, đại lý, các chuỗi siêu thị lớn, trên các sàn thương mại điện tử.
“Tôi vẫn rất mê làm du lịch. Việc có nhiều khách khi đi về các tỉnh Đồng Tháp, An Giang hay ghé qua tham quan trang trại chanh qua nhiều năm đã dần dần đốc thúc tôi mở một điểm du lịch dừng chân bài bản hơn, thế là Chavi Garden được xây dựng từ năm 2017 với 45ha”, anh Hiển kể.
Và đến khi đi vào hoạt động từ đầu năm đến nay, Chavi Garden không chỉ là điểm dừng chân đơn thuần để khách xem và tìm hiểu về vườn chanh lớn nhất đồng bằng, tham quan hoạt động chế biến sản phẩm từ nông nghiệp, mà còn có thể nghỉ ngơi thư giãn giữa những vườn hoa rộng lớn, các cảnh quan sông nước, đồng thời còn có thể hòa mình vào những hoạt động, trò chơi dân dã của nếp sống miền Tây Nam Bộ được cách điệu như chèo thuyền, đạp xe, đi xe ngựa…
Bên cạnh đó, điểm du lịch này cũng phát triển mạnh thêm các loại hình giáo dục trải nghiệm để đón riêng các đoàn khách trẻ em, học sinh với hàng loạt các trò chơi trận địa, Sasuke, trượt cỏ, đua xuồng, đu dây, đạp xe trên nước, tắm mưa… hay tiếp cận các kỹ năng về phòng chống tai nạn, phòng cháy chữa cháy, trồng rau, trồng lúa, bắt cá, nội trợ…
Anh Hiển cũng được bầu làm chủ tịch Hiệp hội Du lịch tỉnh Long An mới được thành lập từ cuối năm 2022, để cùng với những người làm du lịch trên khắp tỉnh cửa ngõ Tây Nam Bộ này tiếp tục mời gọi khách đến.
Những điểm du lịch mới kể trên, cùng với những khu sinh thái đã được cải tạo, giữ gìn nét thiên thiên hoang sơ từ trước như Làng nổi Tân Lập, Trung tâm nghiên cứu bảo tồn dược liệu Đồng Tháp Mười… ngành du lịch Long An đang ngày càng tạo ra nhiều tuyến du lịch thuận lợi cho người dân từ TP.HCM và các tỉnh lân cận.
Ông Nguyễn Thành Thanh – giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch – cho biết việc kết nối du lịch vẫn là một trong những giải pháp hàng đầu để thúc đẩy ngành du lịch tỉnh nhà.
“Du lịch Long An không thể tách rời mối liên kết, hợp tác với TP.HCM và các tỉnh, thành ĐBSCL. Trong kết nối vùng, xác định tuyến đặc trưng, tuyến điểm với 2 dòng sản phẩm chính. Một là du lịch sinh thái gắn với Khu du lịch Làng nổi Tân Lập, Trung tâm dược liệu Đồng Tháp Mười, đây đều là tạo sự khác biệt cả với các địa phương có tài nguyên tương đồng như Tiền Giang, Đồng Tháp, hay một số tỉnh miền Tây khác. Hai là các sản phẩm du lịch vui chơi, giải trí gắn với các điểm như Vườn thú Mỹ Quỳnh, Làng cổ Phước Lộc Thọ, Chavi Garden, Happyland…”, ông Thanh nói.
Để liên kết khai thác du lịch, Long An trong những năm qua đã phối hợp cùng TP.HCM tổ chức nhiều hội nghị liên kết phục hồi sau COVID-19, tổ chức lớp bồi dưỡng, nâng cao chuyên môn trong công tác quản lý, hoạt động du lịch, tiếp đón nhiều doanh nghiệp, tour lữ hành, công ty du lịch đến khảo sát…
Trong thời gian tới, ông Thanh cho biết Long An sẽ tiếp tục mở rộng tăng cường hợp tác phát triển du lịch với các địa phương trên cả nước nói chung, các tỉnh ĐBSCL trong phát triển du lịch tiểu vùng sông Mekong mở rộng, với TP.HCM và các địa phương trong vùng kinh tế trọng điểm phía Nam để phát triển du lịch trên tuyến xuyên Á qua TP.HCM.
Đồng thời thúc đẩy việc tổ chức xây dựng và thực hiện quy hoạch, phát triển sản phẩm, kết nối tour tuyến du lịch, xây dựng nên các tuyến thương hiệu du lịch như liên kết Khu bảo tồn Đất ngập nước Láng Sen với Vườn quốc gia Tràm Chim của Đồng Tháp, liên kết du lịch địa bàn Tân An và phụ cận với TP.HCM, địa bàn Tân Lập – cửa khẩu Bình Hiệp với tỉnh Svây Rieng của Campuchia, địa bàn Đức Hòa – phụ cận với núi Bà Đen, Tây Ninh và TP.HCM, địa bàn Cần Đước – Gò Công của Tiền Giang, địa bàn Cần Giuộc – Cần Giờ, TP.HCM.
Riêng với TP.HCM, Long An cũng sẽ mở rộng hợp tác đặc biệt với bến Bạch Đằng và các đơn vị tàu biển vận chuyển hành khách hay các công ty du thuyền đang khai thác các tuyến từ TP.HCM – vùng ĐBSCL, để mở các tuyến tàu khách, du thuyền tới Long An, phát triển sản phẩm du lịch theo tuyến đường sông Vàm Cỏ Đông và Vàm Cỏ Tây.
Còn phía Đồng Tháp sẽ tiếp tục hợp tác để phát triển vùng trũng Đồng Tháp Mười đối với mô hình trải nghiệm cảnh quan và cuộc sống người dân trong mùa nước nổi…
“Chúng tôi cũng sẽ tập trung khai thác lợi thế của Long An là một tỉnh biên giới có cửa khẩu quốc tế, đẩy mạnh liên kết với Campuchia để tạo ra các chương trình du lịch mang tính khu vực trong khuôn khổ hợp tác phát triển du lịch tiểu vùng sông Mekong mở rộng, xây dựng một số chương trình du lịch xuyên biên giới, kết nối các điểm đến nổi tiếng của Long An với các điểm đến trên lãnh thổ vùng biên Campuchia”, ông Thanh nói thêm.