Chuyến công tác tại xã Lộc Giang (huyện Đức Hòa, tỉnh Long An) hoàn thành sớm hơn dự kiến, ghé quán bánh xèo, chúng tôi vừa thưởng thức đặc sản địa phương, vừa nghe cô chủ “quảng cáo” nghề chằm nón lá xứ mình.
Cô nói hay tới mức chúng tôi phải tìm cách liên hệ với Chủ tịch Hội Liên hiệp Phụ nữ xã Lộc Giang – Hà Mỹ Luân mà không báo trước. Vậy mà chỉ 1 giờ đồng hồ, chị đã tập họp đủ 10 thành viên trong Tổ liên kết chằm nón lá ấp Lộc Hưng. Chị kể, nghe tin có phóng viên đến quay phim, phỏng vấn, ai cũng háo hức bởi họ biết đây là cơ hội để nghề truyền thống địa phương được nhiều người biết đến.
Các thành viên của Tổ liên kết chằm nón lá ấp Lộc Hưng
Tổ liên kết chằm nón lá này là 1 trong 3 tổ của ấp Lộc Hưng. Toàn xã Lộc Giang vẫn còn 5 tổ nữa, tổng cộng 80 thành viên.
Trong tổ này có người làm công nhân, có người nội trợ, có người làm công tác xã hội. Họ nói từ hồi nhỏ xíu đã thấy người lớn chằm nón rồi. Như một cái duyên, ai cũng học nghề nhanh, ai làm cũng khéo.
Bà Nguyễn Thị Huyền năm nay 90 tuổi. Bà kể, từ năm 15 tuổi đã biết làm nón bán. Nghề này không giàu nhưng cũng đắp đổi qua ngày, kiếm thêm thu nhập lúc nông nhàn.
Trong tổ, bà giữ vai trò “cố vấn”, động viên tinh thần là chính bởi giờ mắt bà kém rồi. Bà nói: “Thấy tụi nhỏ xôm tụ đông đủ, tui vui lắm! Mắt tui mà hổng kém thì cũng làm được lắm à nghen”.
Bà Nguyễn Thị Huyền năm nay 90 tuổi, có 75 năm kinh nghiệm chằm nón lá
Để làm ra một cái nón lá, thật cũng lắm công phu! Nguyên liệu chính gồm lá mật cật, cọng vành và sợi cước. Lá mật cật mua về phải vạch ra rồi đem phơi sương cho dẻo.
Để chiếc lá thẳng thớm, bóng, láng, người thợ dùng lửa đốt miếng gang (nếu dùng sắt thì lá dễ cháy) cho nóng rồi lấy cục vải dày ủi như ủi quần áo. Sau đó, thợ lựa lá, đo ni rồi cắt đúng kích thước, phần lá xấu cho bên trong, lá đẹp để bên ngoài.
Cọng vành được chuốt láng, uốn tròn, cột chặt rồi lắp vào khung gỗ, gọi là bắt vành. Tổng cộng có 16 vành và 2 cọng niềng nhỏ ở chóp nón.
Lá mật cật mua về phải vạch ra rồi đem phơi sương cho dẻo (Trong ảnh: Bà Nguyễn Thị Huyền hướng dẫn lớp trẻ cách vạch lá)
Để chiếc lá thẳng thớm, bóng, láng, người thợ dùng lửa đốt miếng gang (nếu dùng sắt thì lá dễ cháy) cho nóng rồi lấy cục vải dày ủi như ủi quần áo
Công đoạn xoay và chằm nón là quan trọng và tốn thời gian nhất. Người thợ ráp lá lên khung, dùng vành chặn cố định lá rồi chằm. Bà Huyền nói: ““Ăn tiền” hay không là khúc này!”.
Thợ chằm phải bảo đảm đường kim sợi cước đều tăm tắp, giấu đi những sợi cước thừa. Sau đó, phần lá dư bị cắt bỏ và tiến hành khâu cuối cùng là nức vành. Người thợ dùng một cọng vành cặp vào vành thứ 16 và may lại. Công đoạn này giúp nón chắc chắn, thẩm mỹ và lá không bị bung ra.
Công đoạn xoay và chằm nón là quan trọng và tốn thời gian nhất. Người thợ ráp lá lên khung, dùng vành chặn cố định lá rồi chằm
Hiện tại, giá nón chưa làm đai 150.000 đồng/chục, người thợ giỏi mỗi ngày làm được 10 cái, trừ hết chi phí lời khoảng 50.000 đồng. Như vậy, nghề chằm nón lá không thể là nghề cơm gạo hay nguồn thu nhập chính của gia đình. Thế nhưng, các cô, các chị ai cũng vui vẻ, tuần nào cũng họp tổ.
Chị Hà Mỹ Luân cho biết thêm, Tổ liên kết chằm nón lá của xã do cố GS.TS Phan Hoàng Đồng giúp đỡ, hỗ trợ. Các cô, các chị rất nhiệt huyết, thiết tha bảo tồn văn hóa địa phương.
Hôm ấy, chúng tôi đến Lộc Giang rất sớm. Con đường từ UBND xã đến giáp ranh tỉnh Tây Ninh nườm nượp xe, người qua lại đông đúc, nhộn nhịp. Công nghiệp hóa đã và đang in dấu đậm nét tại đây.
Thế nhưng, có ở Lộc Giang lâu, có tiếp xúc người Lộc Giang nhiều mới thấy họ quý yêu văn hóa xứ mình đến độ nào, mới thấy sự phát triển của địa phương tương đối đồng bộ.
Đất Lộc Giang đang phát triển bên ngoài lẫn bên trong, điều kiện sống nâng lên tới đâu thì tình người đậm sâu tới đó. Những tổ chằm nón lá không thể giúp chị em phụ nữ làm giàu nhưng lại mang sứ mệnh giữ gìn hồn cốt văn hóa địa phương.
Châu Thanh – Thái Bạch
Nguồn: https://baolongan.vn/loc-giang-giu-nghe-cham-non-la-cua-que-huong-a181511.html