Ngày 20-12, Ủy ban MTTQ TP HCM tổ chức hội nghị phản biện xã hội 5 dự án BOT đầu tư xây dựng, nâng cấp, mở rộng, hiện đại hóa công trình đường bộ hiện hữu theo Nghị quyết 98/2023 của Quốc hội.
Kỳ vọng mốc cuối năm 2025
Năm dự án BOT gồm nâng cấp, mở rộng Quốc lộ 13 từ cầu Bình Triệu đến ranh tỉnh Bình Dương; nâng cấp, mở rộng Quốc lộ 1 từ đường Kinh Dương Vương đến ranh tỉnh Long An; cải tạo, nâng cấp Quốc lộ 22 từ nút giao An Sương đến đường Vành đai 3; nâng cấp đường trục Bắc – Nam từ đường Nguyễn Văn Linh đến cao tốc Bến Lức – Long Thành; xây dựng cầu đường Bình Tiên từ đường Phạm Văn Chí đến đường Nguyễn Văn Linh.
Tại hội nghị, nhấn mạnh TP HCM là cửa ngõ quan trọng kết nối khu vực với thế giới nên việc chuẩn bị tốt hạ tầng là nhiệm vụ hàng đầu, bà Nguyễn Thị Kim Thúy, Phó Chủ tịch Ủy ban MTTQ TP HCM, cho biết từ Nghị quyết 98 của Quốc hội, HĐND TP HCM thông qua danh mục thực hiện các dự án BOT trên đường hiện hữu. Việc thông qua dựa trên tiêu chí quy hoạch đường trên cao được kết nối đồng bộ, phù hợp định hướng phát triển không gian đô thị, kết nối những cửa ngõ giao thông quan trọng. Theo bà Nguyễn Thị Kim Thúy, hội nghị nhằm tiếp thu đa dạng ý kiến từ địa phương, luật sư, chuyên gia, người dân… để có sự chuẩn bị tốt nhất.
Ông Trần Quang Lâm, Giám đốc Sở Giao thông Vận tải (GTVT), thông tin hiện chỉ có TP HCM xin cơ chế thí điểm thực hiện BOT trên tuyến đường hiện hữu. Sở GTVT cơ bản đã hoàn thành báo cáo nghiên cứu tiền khả thi 5 dự án và trình Hội đồng Thẩm định thành phố. Nếu thuận lợi, quý I/2025 HĐND thành phố sẽ thông qua chủ trương đầu tư và thời điểm khởi công dự kiến cuối năm 2025 hoặc đầu năm 2026.
Ông Lâm cho hay 5 tuyến đường cửa ngõ chiến lược này phần lớn được đề xuất xây dựng đi trên cao để mang lại hiệu quả tối ưu. Vì thế, giải pháp thi công ra sao, áp dụng công nghệ gì để hạn chế tác động cũng như cách thức thu phí sẽ được nghiên cứu kỹ nhằm hạn chế tác động đến người dân. “Trước mắt, giai đoạn 1, TP HCM sẽ xin thí điểm BOT đối với 5 dự án, sau đó Sở GTVT sẽ rà soát các tuyến đường khác để trình thêm những dự án BOT khác” – Giám đốc Sở GTVT TP HCM nói.
Quan tâm quyền lợi người dân
Đại diện đơn vị tư vấn cho biết tổng mức đầu tư 5 dự án BOT khoảng 61.000 tỉ đồng, trong đó nguồn vốn ngân sách chiếm 37.000 tỉ đồng, vốn huy động 23.800 tỉ đồng, thời gian hoàn vốn khoảng 20 – 30 năm.
Có 3 dự án được đề xuất làm đường trên cao, 2 dự án làm đường dưới thấp. Mức thu phí sẽ trên nguyên tắc hài hòa lợi ích của người dân và nhà đầu tư, hạn chế người dân chi trả quá nhiều. Ngoài ra, theo vị đại diện này, sẽ nghiên cứu thu phí theo chặng chứ không theo lượt nhằm bảo đảm công bằng cho người dân.
TS Trần Du Lịch, Chủ tịch Hội đồng Tư vấn triển khai thực hiện Nghị quyết 98, cho rằng các dự án nên hạn chế thấp nhất vấn đề giải tỏa, chỉ giải tỏa đủ quy mô cần thiết để giảm chi phí và thời gian. Dự án nào làm đường trên cao thì dân trả tiền, còn đường dưới thấp hiện hữu thì không thu tiền. Ngoài ra, theo ông, nên nghiên cứu kỹ dự án nào làm BOT, dự án nào có thể triển khai bằng ngân sách nhà nước và 5 dự án phải thực hiện nhanh trước khi sơ kết Nghị quyết 98.
Luật sư Nguyễn Văn Hậu, Phó Chủ nhiệm Đoàn Luật sư TP HCM, nhận xét căn cứ tổng quan 5 dự án và theo phản ánh của người dân, khi lưu thông trên cao sẽ giúp chống ùn tắc cho khu vực, thoáng lối lên và xuống nhưng khi ra khỏi đường trên cao thì vẫn tắc. Chưa kể, đường trên cao sẽ tốn chi phí nhiều hơn, chi phí bảo trì cao hơn. Vì thế, các vấn đề trên cần được đánh giá thấu đáo.
Liên quan phương án bồi thường giải phóng mặt bằng, luật sư Hậu cho rằng TP HCM đang trong giai đoạn gấp rút cập nhật bảng giá đất nhằm đưa giá đất về sát giá thị trường và giải quyết các vấn đề về đầu cơ đất đai. Dù vậy, hiện nay, báo cáo nghiên cứu tiền khả thi của dự án nâng cấp, mở rộng Quốc lộ 1 từ đường Kinh Dương Vương đến ranh tỉnh Long An ghi nhận nội dung kiến nghị chưa áp dụng đơn giá đất mới theo quy định tại Quyết định 79/2024 của UBND thành phố. Việc không áp dụng đơn giá mới để làm cơ sở tính tiền bồi thường giải phóng mặt bằng mà không đưa ra bất kỳ cơ sở pháp lý rõ ràng, hợp lý nào sẽ gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến quyền và lợi ích hợp pháp của người dân.
Về cơ chế thu hút đầu tư, theo luật sư Nguyễn Văn Hậu, nên sớm nghiên cứu hình thức huy động vốn để dự án thông suốt ngay từ đầu.
Đáp ứng nhu cầu an cư lạc nghiệp
Đa số các địa phương có dự án đi qua như quận 7, huyện Bình Chánh và Hóc Môn đều nhận định dự án sẽ giải tỏa ùn tắc giao thông quanh khu vực cũng như giúp phát triển kinh tế – xã hội cho địa phương. Tuy nhiên, dự án cần sớm triển khai, xác định ranh… để thông tin rộng rãi cho người dân an tâm sinh sống.
Là người dân sống tại xã Bình Chánh, huyện Bình Chánh, ông Tô Hồng Giang đề nghị thành phố áp dụng chính sách bồi thường, hỗ trợ tái định cư hợp lý. Bên cạnh đó, quá trình thi công hạn chế ảnh hưởng đến sinh hoạt, đi lại của người dân trong khu vực.
Bà Trần Thị Hương (quận 8) bày tỏ mong muốn UBND TP HCM chỉ đạo các cơ quan chuyên môn sớm thúc đẩy dự án cầu đường Bình Tiên vì dự án này “treo” khá lâu, người dân sống trong khu vực không được xây dựng, sửa chữa nhà, ảnh hưởng chất lượng cuộc sống. Khi triển khai cần quan tâm chính sách bồi thường, tái định cư để người dân an cư lạc nghiệp.
Nguồn: https://nld.com.vn/lam-tot-5-du-an-bot-de-lan-toa-196241220214319738.htm