Tập trung khắc phục thiệt hại
Trong đêm 21/10/2024 và sáng ngày 22/10/2024, trên địa bàn tỉnh xuất hiện mưa lớn, kéo dài trên diện rộng cùng với mực nước đỉnh lũ trên các sông, kênh, rạch làm cho khoảng 15.000ha lúa, cây ăn trái và rau màu của người dân bị thiệt hại và có nguy cơ bị ngập úng. Theo đó, có khoảng 350ha lúa, cây ăn trái, hoa màu tại huyện Mộc Hóa, thị xã Kiến Tường và huyện Thạnh Hóa bị thiệt hại mất trắng (thiệt hại hơn 70%).
Thông tin từ UBND huyện Mộc Hóa, khi nhận được tin báo tình hình mưa lớn, lũ kết hợp với triều cường dâng cao gây thiệt hại nghiêm trọng về tài sản của nhân dân, UBND huyện nhanh chóng triển khai nhiều biện pháp cấp bách nhằm cứu lúa, hoa màu và cây ăn trái.
UBND huyện huy động lực lượng đoàn viên, thanh niên, dân quân phối hợp nông dân và các phương tiện cơ giới gia cố lại đê bao dọc tuyến biên giới. Tuy nhiên, diện tích thiệt hại toàn huyện là 193,7ha (lúa, rau màu và cây lâu năm), thiệt hại khoảng 4,463 tỉ đồng.
Nhiều diện tích cây ăn trái ở huyện Mộc Hóa được bảo vệ tốt nhờ chủ động các giải pháp ngăn lũ và thoát nước mưa
Phó Trưởng phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Mộc Hóa – Lê Hùng Nhớ cho biết, toàn huyện có 159ha lúa bị thiệt hại. Trong đó, thiệt hại hoàn toàn (hơn 70%) là 52ha; thiệt hại rất nặng từ 50-70% là 28ha và thiệt hại nặng từ 30-50% là 79ha. Cùng với đó, huyện có khoảng 26,5ha rau màu và 8,7ha cây lâu năm cũng bị thiệt hại.
Theo thống kê, toàn bộ 159ha lúa bị thiệt hại được nông dân gieo sạ ngoài khung lịch thời vụ khuyến cáo của địa phương. Điều này cho thấy sự chủ quan của nông dân công tác phòng, chống thiên tai, bảo vệ sản xuất. Qua đó, gây ra thiệt hại gần 1,5 tỉ đồng.
Còn tại thị xã Kiến Tường, địa phương có diện tích lúa bị thiệt hại lớn nhất theo thống kê ngày 24/10/2024 của Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn. Tuy nhiên, tình hình khắc phục thiên tai, khôi phục sản xuất được địa phương thực hiện khá hiệu quả.
Phó Trưởng phòng Kinh tế thị xã Kiến Tường – Võ Thanh Tòng thông tin: Theo báo cáo tại thời điểm xảy ra thiên tai, toàn thị xã có 602ha lúa bị thiệt hại mất trắng và 590ha lúa đang bị ngập úng đang chờ xử lý. Nhưng qua công tác rà soát thống kê và khắc phục, giảm thiệt hại cho người dân còn khoảng 160ha lúa bị thiệt hại, hàng trăm hécta lúa tại các xã: Thạnh Trị, Bình Hiệp và Bình Tân đã được phục hồi, nông dân đang tập trung chăm sóc.
Toàn tỉnh có gần 1.000ha lúa được phục hồi sau ảnh hưởng của mưa lũ và triều cường dâng cao
Thông tin từ Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, có gần 1.000ha lúa bị ảnh hưởng do mưa, lũ kết hợp với triều cường dâng cao ở các huyện vùng Đồng Tháp Mười của tỉnh đã được phục hồi thành công.Trong đó, thị xã Kiến Tường ghi nhận diện tích lúa phục hồi lớn nhất với hơn 820ha.
Hiện toàn tỉnh gieo sạ 79.959,1ha lúa Thu Đông 2024, đạt 143,8% kế hoạch, 111% so cùng kỳ, đã thu hoạch 39.000ha, năng suất ước đạt 54 tạ/ha, sản lượng 210.600 tấn. Toàn tỉnh gieo sạ 63.279ha lúa Đông Xuân 2024-2025, đạt 28,2% kế hoạch, 97,8% so cùng kỳ.
Chủ động ứng phó thiên tai, giảm thiểu thiệt hại
Để chủ động triển khai, thực hiện các biện pháp khắc phục thiệt hại do mưa lớn kết hợp lũ ở các huyện vùng Đồng Tháp Mười, các loại hình thiên tai khác (dông, lốc, sét, ngập úng, triều cường và sạt lở đất,…) và sự cố có thể xảy ra do ảnh hưởng tác động của thiên tai; đồng thời, bảo vệ an toàn tính mạng, tài sản của nhân dân, hạn chế đến mức thấp nhất thiệt hại do thiên tai trên địa bàn tỉnh, UBND tỉnh ban hành văn bản đề nghị UBND các huyện, thị xã, thành phố tập trung chỉ đạo các cơ quan chức năng triển khai các giải pháp chủ động phòng, chống, ứng phó kịp thời đối với các loại hình thiên tai có thể xảy ra tại địa phương; xác định các khu vực trọng điểm xung yếu có thể xảy ra ngập tràn, vỡ đê do ảnh hưởng của mưa, lũ, triều cường; chủ động thực hiện kịch bản bố trí lực lượng, phương tiện sẵn sàng ứng phó, cứu hộ cứu nạn và khắc phục thiệt hại kịp thời theo phương châm “4 tại chỗ” khi có tình huống xảy ra.
Các huyện, thị xã, thành phố trong tỉnh theo dõi, giám sát chặt chẽ tình hình thời tiết thiên tai và thiệt hại do thiên tai xảy ra trên địa bàn quản lý, không chủ quan trong công tác phòng, chống thiên tai (đặc biệt chú ý thời gian cuối năm bão, áp thấp nhiệt đới thường có xu hướng đi vào khu vực Nam Bộ); rà soát, thống kê, đánh giá thiệt hại về tính mạng, tài sản của nhân dân và thiệt hại về sản xuất nông nghiệp; chủ động, tích cực huy động tối đa các nguồn lực của địa phương (ngân sách địa phương, Quỹ Phòng, chống thiên tai và các nguồn lực hợp pháp khác) để thực hiện chính sách hỗ trợ kịp thời đối với các đối tượng bị thiệt hại theo đúng quy định của pháp luật.
Phó Chủ tịch UBND tỉnh – Nguyễn Minh Lâm (bìa phải) chỉ đạo địa phương mở đê để thoát nước, bảo vệ lúa của nông dân xã Thạnh Trị, thị xã Kiến Tường
Phó Chủ tịch UBND tỉnh – Nguyễn Minh Lâm yêu cầu Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tập trung chỉ đạo, tổ chức sản xuất nông, lâm, thủy sản theo định hướng, quy hoạch đã được duyệt; hướng dẫn, hỗ trợ người dân triển khai kịp thời các giải pháp phục hồi sản xuất, nhất là trồng trọt, thủy sản, chăn nuôi; đặc biệt là việc cung ứng các loại giống cây trồng, vật nuôi tại những vùng bị ảnh hưởng, thiệt hại do thiên tai để thúc đẩy sản xuất, kinh doanh; bảo đảm ổn định đời sống cho người dân trong những tháng cuối năm 2024, đặc biệt là dịp Tết Nguyên đán Ất Tỵ năm 2025.
Ngoài ra, Sở tổ chức theo dõi, giám sát, nắm chắc tình hình thúc đẩy sản xuất, kinh doanh ngành Nông nghiệp, nhất là việc cung, cầu các mặt hàng nông sản thiết yếu, giá cả vật tư đầu vào cho sản xuất nông nghiệp trên địa bàn để chủ động có giải pháp bảo đảm nguồn cung; kiểm soát giá cả, không để xảy ra tình trạng đầu cơ trục lợi bất chính, thao túng tăng giá đột biến, bất hợp lý, ảnh hưởng đến đời sống của người dân./.
Các ngành, địa phương căn cứ chỉ tiêu, quan điểm, định hướng chỉ đạo của Tỉnh ủy, UBND tỉnh tiếp tục thực hiện tốt các giải pháp khắc phục thiệt hại do mưa lũ. Đồng thời, các ngành, địa phương trong tỉnh chủ động rà soát tiến độ sản xuất vụ Thu Đông, xây dựng kế hoạch cụ thể cho vụ Đông Xuân 2024-2025, tăng cường các biện pháp điều tiết nước hợp lý phục vụ sản xuất; duy trì hoạt động cung ứng vật tư nông nghiệp thiết yếu cho sản xuất nông nghiệp; đẩy mạnh kết nối, tiêu thụ sản phẩm, nhất là các sản phẩm chủ lực của tỉnh”.
Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn – Nguyễn Thanh Truyền
Vụ Thu Đông năm nay, gia đình tôi gieo sạ 4ha lúa giống OM18. Lúa được hơn 10 ngày tuổi thì bị ngập sâu do mưa lũ, lúa bị thiệt hại từ 30-50% với giá trị thiệt hại ước tính là 24 triệu đồng. Gia đình tôi đã tập trung giặm vá lúa sau khi thoát được nước ra khỏi ruộng, đến nay, lúa sinh trưởng và phát triển tốt”.
Ông Trần Văn Tiến – (xã Bình Thạnh, huyện Mộc Hóa)
Vườn ổi đang trong giai đoạn thu hoạch của gia đình tôi bị mưa lũ làm ngập sâu, thiệt hại trên 70% diện tích, ước tính giá trị thiệt hại khoảng 100 triệu đồng. Chính quyền địa phương đã đến thống kê thiệt hại, gia đình tôi mong muốn sớm nhận được hỗ trợ để khôi phục sản xuất”.
Bà Nguyễn Thị Tuyết – (thị trấn Bình Phong Thạnh, huyện Mộc Hóa)
|
Phó Chủ tịch UBND tỉnh Long An – Nguyễn Minh Lâm, Chủ tịch UBND huyện Châu Thành – Nguyễn Văn Khải kiểm tra tình hình khắc phục hậu quả thiên tai do cơn lốc xoáy làm tốc mái nhà vào chiều ngày 08/9.
|
Bùi Tùng
Nguồn: https://baolongan.vn/khac-phuc-hau-qua-thien-tai-giup-nong-dan-on-dinh-san-xuat-a186183.html