Hội nghị có sự tham dự của các lãnh đạo Bộ Công Thương, UBND tỉnh, đại diện Tổng lãnh sự quán Trung Quốc tại TP.HCM, gần 100 doanh nghiệp nước ngoài đến tham quan, tìm hiểu, kết nối với gần 100 doanh nghiệp sản xuất, xuất khẩu tiêu biểu tại Long An.
Vào tốp đầu kim ngạch thương mại nhờ đầu tư hạ tầng kết nối
Tại hội nghị, các tham tán thương mại Việt Nam tại Singapore, Nhật Bản, Ấn Độ, Hàn Quốc, Trung Quốc… đã trình bày tham luận về tiềm năng và lưu ý đối với xuất khẩu tại các quốc gia này. Tập đoàn Central Retail (Thái Lan), Aeon (Nhật Bản) và các doanh nghiệp xuất khẩu tại Long An, cảng quốc tế Long An cũng đã giới thiệu các hoạt động, tiêu chuẩn và định hướng kết nối của doanh nghiệp để cùng kết nối đầu tư.
Bà Phan Thị Thắng – thứ trưởng Bộ Công Thương – cho biết trong năm 2024, tình hình thế giới tiếp tục phải đối mặt với nhiều diễn biến phức tạp, tiềm ẩn nhiều rủi ro đe dọa sự ổn định, phát triển của thương mại toàn cầu.
Tuy nhiên tình hình xuất nhập khẩu của Việt Nam vẫn đạt được nhiều kết quả rất tích cực. Trong 10 tháng năm 2024, tổng kim ngạch xuất nhập khẩu của Việt Nam ước đạt gần 646 tỉ USD, tăng 15,5% so với cùng kỳ năm 2023. Trong đó kim ngạch xuất khẩu ước đạt 335 tỉ USD, tăng 15%. Kim ngạch nhập khẩu ước đạt 310 tỉ USD, tăng 16%.
“Với vị trí địa lý giúp kết nối TP.HCM với các tỉnh vùng ĐBSCL, Long An là cửa ngõ quan trọng để thông thương giữa các địa phương Nam Bộ, đầu mối quan trọng trong chuỗi cung ứng hàng hóa xuất nhập khẩu của cả nước.
Đây là địa phương đứng đầu ĐBSCL về xuất khẩu, đứng trong tốp đầu các tỉnh, thành phố về kim ngạch thương mại. Các sản phẩm xuất khẩu thế mạnh, chủ lực của tỉnh bao gồm: nông sản, thực phẩm chế biến, đồ gỗ, dệt may và các sản phẩm công nghiệp phụ trợ”, bà Thắng phát biểu.
Theo bà Thắng, thành quả này có được nhờ Long An đã tập trung đầu tư hạ tầng giao thông – vận tải kết nối giữa các khu, cụm công nghiệp, trung tâm logistics, cảng quốc tế Long An. Từ đó tạo ra một hệ thống giao thông thông suốt, huyết mạch, kết nối liên vùng, liên tỉnh, góp phần nâng cao năng lực vận chuyển hàng hóa, giảm chi phí logistics cho doanh nghiệp.
Ngoài ra, tỉnh còn tổ chức nhiều hoạt động xúc tiến thương mại thiết thực, đa dạng như tuyên truyền, quảng bá sản phẩm, các hoạt động kết nối tiêu thụ trực tuyến và trực tiếp…
Cải thiện môi trường đầu tư thực chất hơn nữa
Ông Nguyễn Minh Lâm – phó chủ tịch UBND tỉnh Long An – cho biết trong 10 tháng năm 2024, tỉnh thu hút được 95 dự án FDI với vốn đăng ký trên 640 triệu USD. Nâng tổng số dự án FDI lên 1.366 dự án với tổng vốn đăng ký trên 12,5 tỉ USD, đứng trong top 10 cả nước về thu hút FDI.
Kim ngạch xuất nhập khẩu trong 10 tháng năm 2024 đạt khoảng 10,7 tỉ USD. Trong đó xuất khẩu đạt 6,5 tỉ USD, tăng 15,7% so với cùng kỳ. Nhập khẩu đạt 4,2 tỉ USD, tăng 16,9% so với cùng kỳ. Cả năm 2024 ước xuất khẩu đạt 7,5 tỉ USD, nhập khẩu 5,4 tỉ USD.
“Với tinh thần “đồng hành – phát triển – hội nhập, thành công của doanh nghiệp là thành công của tỉnh”, thời gian tới tỉnh cam kết sẽ tiếp tục cải thiện mạnh mẽ và thực chất hơn nữa về môi trường đầu tư, tạo mọi điều kiện thuận lợi nhất để cùng các doanh nghiệp trong và ngoài nước xúc tiến giao thương, mở rộng hợp tác, phát triển hoạt động sản xuất kinh doanh ngày càng thuận lợi và gặt hái được nhiều thành công hơn nữa”, ông Lâm khẳng định.
Tại hội nghị, Sở Công Thương Long An và Tập đoàn Zennith (Hàn Quốc) đã ký kết ghi nhớ cùng nhau đẩy mạnh kết nối chuỗi cung ứng hàng hóa xuất nhập khẩu.
Hiệp hội Doanh nghiệp tỉnh Long An ký kết ghi nhớ cùng Hiệp hội Doanh nhân ngành thịt của Singapore về xuất nhập khẩu thịt gia cầm và sản phẩm thịt gia cầm.
Sài Gòn Tel ký kết ghi nhớ với P&G Tech Co., LTD về phát triển dự án trung tâm dữ liệu tại Khu công nghiệp xanh Long An.
Thắng Lợi Group ký kết ghi nhớ với Dolphin Logistics về thành lập liên doanh phát triển dịch vụ logistics, kho vận hậu cần cho xuất nhập khẩu.