Quyết sách đúng đắn, chính sách hợp lý, môi trường đầu tư kinh doanh thông thoáng, hiệu quả, Long An trở thành điểm đến hấp dẫn của các nhà đầu tư, nhất là đầu tư nước ngoài (FDI), góp phần thúc đẩy KT-XH địa phương phát triển.
Long An Đứng thứ 5 cả nước về thu hút FDI
Bên cạnh vị trí địa lý thuận lợi, chiến lược đối với các doanh nghiệp (DN) về đầu tư, hoạt động, tỉnh chủ động thực hiện đúng đắn các quyết sách, chính sách hợp lý trong thu hút đầu tư. Nhờ đó, tỉnh là điểm đến tin cậy của nhiều nhà đầu tư, nhất là đầu tư FDI.
Năm 2022 và 6 tháng đầu năm 2023, tỉnh tổ chức thành công nhiều hội nghị gặp gỡ các cơ quan ngoại giao, hội nghị kết nối DN, tổ chức đoàn công tác xúc tiến đầu tư và kết nối giao thương, tạo nhiều thiện cảm với các nhà đầu tư. Chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI) năm 2022 đứng thứ 10/63 tỉnh, thành phố trong cả nước.
Lãnh đạo tỉnh thường xuyên gặp gỡ doanh nghiệp để lắng nghe, kịp thời tháo gỡ vướng mắc để doanh nghiệp yên tâm hoạt động (Trong ảnh: Chủ tịch UBND tỉnh – Nguyễn Văn Út cùng đại diện sở, ngành thăm, làm việc với Công ty Cổ phần Songwol Vina (huyện Đức Hòa))
Theo Tổng Giám đốc Công ty (Cty) Cổ phần Songwol Vina (đóng trên địa bàn huyện Đức Hòa) – Park Sun Whoan, trong quá trình hoạt động, Cty luôn nhận được sự quan tâm, hỗ trợ của địa phương, kịp thời tháo gỡ những vướng mắc để Cty hoạt động. Cty có tổng vốn đầu tư gần 45 triệu USD, ngành nghề chính là sản xuất các loại khăn bông, sợi với quy mô 7.000 tấn/năm. Sản phẩm chủ yếu dùng để xuất khẩu (92% – năm 2022).
Hiện nay, Cty giải quyết việc làm cho trên 700 lao động, đóng góp cho ngân sách năm 2022 là 36 tỉ đồng. Dự tính năm 2023, doanh thu tăng 10% so với năm 2022 và đóng góp ngân sách khoảng 40 tỉ đồng.
Giám đốc Tài vụ Cty TNHH Nguyên Khôi Toàn Lộc – SuJhiHan cho biết: “Cty về huyện Bến Lức đầu tư từ năm 2016 với 100% vốn Đài Loan. Chúng tôi nhận thấy đây là điểm đến đầu tư an toàn, đáng tin cậy và hiệu quả. Các chính sách đãi ngộ rất tốt. Hiện Cty đầu tư 2 dự án (DA) với vốn khoảng 20 triệu USD, ngành nghề chính là sản xuất đế giày với trên 800 công nhân”.
Công ty TNHH Nguyên Khôi Toàn Lộc (huyện Bến Lức) giải quyết việc làm cho hơn 800 công nhân
Theo báo cáo của Tổng cục Thống kê, thu hút đầu tư FDI của tỉnh đến năm 2022 đứng trong tốp 10 các tỉnh, thành phố và đứng đầu khu vực Đồng bằng sông Cửu Long; đến hết tháng 6 năm 2023, thu hút đầu tư FDI của tỉnh vượt lên đứng thứ 5/63 tỉnh, thành phố và tiếp tục đứng đầu khu vực Đồng bằng sông Cửu Long (sau Bắc Giang, Nghệ An, Bình Phước, Bắc Ninh). Đến nay, tỉnh có khoảng 40 quốc gia, vùng lãnh thổ có DA đầu tư trực tiếp vào địa bàn.
Theo số liệu từ UBND tỉnh, lũy kế từ đầu năm đến tháng 6/2023, tỉnh cấp giấy chứng nhận đầu tư cho 39 DA (tăng 15 DA), vốn đầu tư cấp mới trên 400 triệu USD (tăng 162 triệu USD); điều chỉnh vốn cho 35 DA với vốn đầu tư tăng trên 64 triệu USD. Đến nay, trên địa bàn tỉnh có gần 1.200 DA FDI, vốn trên 10 tỉ USD, trong đó, có gần 600 DA đi vào hoạt động, tổng vốn đầu tư trên 3,6 tỉ USD.
Thúc đẩy KT-XH phát triển
Theo Quyền Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư – Trương Văn Liếp, các DA FDI góp phần tạo nền tảng quan trọng cho tăng trưởng trong dài hạn; tác động đến chuyển dịch cơ cấu kinh tế của tỉnh; nâng cao giá trị hàng hóa nông sản; thúc đẩy quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa, chuyển giao kỹ thuật – công nghệ, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực; hình thành một số ngành công nghiệp chủ lực trên địa bàn tỉnh; phát triển nhiều ngành dịch vụ chất lượng cao; tạo ra phương thức mới trong phân phối hàng hóa, tiêu dùng, kích thích hoạt động thương mại nội địa; chuyển đổi không gian phát triển; thúc đẩy và mở rộng thị trường xuất khẩu. Từ đó, đầu tư FDI góp phần tăng thu ngân sách nhà nước, cải thiện kết cấu hạ tầng, tạo việc làm cho người dân, ổn định an sinh xã hội.
Dòng vốn FDI góp phần thúc đẩy KT-XH phát triển (Trong ảnh: Công ty Cổ phần Songwol Vina đóng góp ngân sách 36 tỉ đồng năm 2022 và giải quyết việc làm cho khoảng 700 lao động)
“Để nâng cao hiệu quả của công tác đối ngoại, làm tốt hơn nữa vai trò tiên phong trong thu hút đầu tư nói riêng, phục vụ phát triển KT-XH nói chung, góp phần thực hiện thắng lợi các nhiệm vụ chính trị, tỉnh đồng bộ các giải pháp để thu hút dòng vốn FDI.
Tỉnh tiếp tục triển khai các giải pháp đồng hành, hỗ trợ giúp DN sớm phục hồi sản xuất, kinh doanh; tranh thủ tối đa sự hỗ trợ của các bộ, ngành Trung ương, các cơ quan ngoại giao của Việt Nam ở nước ngoài và của nước ngoài tại Việt Nam đẩy mạnh công tác xúc tiến, thu hút đầu tư, kết nối với các thị trường chiến lược.
Tỉnh nhanh chóng triển khai Quy hoạch tỉnh thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 để thu hút đầu tư; tiếp tục tập trung cải thiện kết cấu hạ tầng, nhất là giao thông kết nối tỉnh Long An với TP.HCM và các tỉnh, thành phố Vùng Đông – Tây Nam bộ, phát huy tối đa vai trò liên kết vùng.
Các sở, ngành tỉnh và các địa phương trên địa bàn tỉnh cần quán triệt, tuyên truyền để nâng cao nhận thức về vai trò của công tác hỗ trợ DN trong thu hút các nguồn lực đầu tư và phát triển KT-XH của địa phương; cùng phối hợp chặt chẽ hơn nữa để giải quyết hiệu quả các “điểm nghẽn” nhằm cải thiện môi trường đầu tư;…” – ông Trương Văn Liếp thông tin./.
Thông tin từ UBND tỉnh, lũy kế từ đầu năm đến tháng 6/2023, tỉnh cấp giấy chứng nhận đầu tư cho 39 dự án (tăng 15 dự án), vốn đầu tư cấp mới trên 400 triệu USD (tăng 162 triệu USD); điều chỉnh vốn cho 35 dự án với vốn đầu tư tăng trên 64 triệu USD. Đến nay, trên địa bàn tỉnh có 1.191 dự án FDI, vốn trên 10 tỉ USD, trong đó, có 588 dự án đi vào hoạt động, tổng vốn đầu tư trên 3,6 tỉ USD. |
Thanh Mỹ