Đồng Tháp dành sự quyết tâm cao nhất, nỗ lực lớn nhất triển khai Quy hoạch tỉnh, bảo đảm tính thống nhất, đồng bộ, hiệu quả; đưa tầm nhìn, định hướng Quy hoạch và khát vọng phát triển của tỉnh trở thành hiện thực.
Thành phố Cao Lãnh (tỉnh Đồng Tháp) Ảnh: Hoàng Trọng |
Định hình không gian phát triển
Để định hướng, sắp xếp không gian phát triển, đảm bảo tính kết nối đồng bộ, khai thác tối đa tiềm năng, lợi thế của tỉnh, khắc phục các điểm nghẽn, khơi thông nguồn lực phát triển hài hòa, hiệu quả và bền vững, Quy hoạch tỉnh Đồng Tháp thời kỳ 2021 – 2030, tầm nhìn đến năm 2050 (được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 39/QĐ-TTg, ngày 11/1/2024) lựa chọn phát triển hài hòa 3 trụ cột: kinh tế – xã hội – môi trường, đặt mục tiêu đến năm 2030 phấn đấu trở thành tỉnh có trình độ phát triển khá, nằm trong nhóm đầu về chuyển đổi số, một trong những trung tâm sản xuất nông nghiệp và chế biến nông sản của vùng Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL); có hệ thống kết cấu hạ tầng đồng bộ, đô thị hiện đại, nông thôn giàu bản sắc, du lịch thân thiện và hấp dẫn; phát triển toàn diện các lĩnh vực văn hóa, xã hội, con người; duy trì vị trí nhóm đầu cả nước về các chỉ số: cải cách hành chính, hiệu quả quản trị và hành chính công, năng lực cạnh tranh cấp tỉnh. Quốc phòng, an ninh và trật tự an toàn xã hội được bảo đảm; hợp tác, hội nhập quốc tế được tăng cường. Người dân có cuộc sống ấm no, văn minh, hạnh phúc.
– Ông Lê Quốc Phong, Bí thư Tỉnh ủy Đồng Tháp
Trên cơ sở phân tích thực trạng, nhận diện các thế mạnh, điểm yếu của từng lĩnh vực, Quy hoạch tỉnh đã định hình không gian phát triển thông qua cấu trúc: 4 vùng kinh tế – xã hội, 3 hành lang kinh tế, 4 đô thị trung tâm.
Cụ thể, 4 vùng kinh tế – xã hội gồm:
Một là, vùng kinh tế – xã hội trung tâm: TP. Cao Lãnh và TP. Sa Đéc. Theo đó, phía Tây huyện Tam Nông; phía Nam huyện Cao Lãnh; phía Bắc các huyện: Lấp Vò, Lai Vung, Châu Thành (dọc sông Tiền) là vùng động lực phát triển của tỉnh. Tập trung phát triển kinh tế đô thị, công nghiệp chế biến, thương mại, du lịch. Trong đó, TP. Cao Lãnh là trung tâm chính trị, hành chính, kinh tế, văn hóa, xã hội của tỉnh, kết nối với TP. Sa Đéc trở thành hai cực tăng trưởng của vùng trung tâm.
Hai là, vùng kinh tế biên giới (vùng phía Bắc), gồm TP. Hồng Ngự, huyện Hồng Ngự, phần lớn huyện Tân Hồng. Tập trung phát triển Khu kinh tế cửa khẩu tỉnh Đồng Tháp, cửa ngõ giao thương quốc tế của vùng ĐBSCL với Campuchia; trở thành vùng kinh tế động lực, điểm khởi đầu của ba hành lang kinh tế (hành lang kinh tế ven sông Hậu, hành lang kinh tế ven sông Tiền và hành lang kinh tế Đồng Tháp Mười). TP. Hồng Ngự đóng vai trò là cực tăng trưởng của vùng phía Bắc.
Ba là, vùng kinh tế ven sông Hậu (vùng phía Tây Nam), gồm các huyện Lấp Vò, Lai Vung, Châu Thành. Tập trung phát triển hạ tầng, dịch vụ kết nối vùng ĐBSCL với thị trấn Lấp Vò là cực tăng trưởng phía Tây Nam của tỉnh.
Bốn là, vùng phía Đông Bắc, gồm huyện Tháp Mười, khu vực phía Đông các huyện Tân Hồng, Tam Nông, Thanh Bình; khu vực phía Bắc huyện Cao Lãnh. Tập trung phát triển nông nghiệp sinh thái, công nghệ cao tập trung, quy mô lớn gắn với các khu, cụm công nghiệp chế biến nông, thủy sản với thị trấn Mỹ An là cực tăng trưởng vùng Đông Bắc của tỉnh.
Ba hành lang kinh tế gồm:
Thứ nhất, hành lang kinh tế Tây Bắc – Đông Nam (bố trí theo tuyến Quốc lộ 30 kết nối Quốc lộ 1, cao tốc Bắc – Nam phía Tây, cao tốc Bắc – Nam phía Đông, Quốc lộ N1) là hành lang phát triển chủ lực của tỉnh. Tập trung phát triển đô thị, công nghiệp chế biến, trung tâm dịch vụ hậu cần.
Thứ hai, hành lang kinh tế Nam Sông Tiền (bố trí theo tuyến Quốc lộ 80, Quốc lộ 80B, Đường tỉnh 848 và đường Nam Sông Tiền, kết nối với cao tốc Bắc – Nam phía Tây và Quốc lộ 1) phát triển đô thị, du lịch, công nghiệp, nông nghiệp công nghệ cao.
Thứ ba, hành lang kinh tế Đông Bắc – Tây Nam (bố trí theo tuyến cao tốc Bắc – Nam phía Tây) là tuyến kết nối kinh tế – xã hội các tỉnh thuộc Tứ giác Long Xuyên với vùng Đồng Tháp Mười và Vùng kinh tế trọng điểm phía Nam. Tổ chức các hoạt động kinh tế công nghệ chế biến, dịch vụ nông nghiệp và du lịch sinh thái.
Trong 4 đô thị trung tâm, TP. Cao Lãnh mở rộng (đô thị loại I) là trung tâm chính trị, hành chính, kinh tế, văn hóa, giáo dục, y tế, khoa học kỹ thuật của tỉnh; đầu mối giao thương vùng ĐBSCL.
TP. Sa Đéc là trung tâm nông nghiệp công nghệ cao, công nghiệp, văn hóa, thương mại, khoa học – kỹ thuật, du lịch văn hóa – lịch sử, du lịch sinh thái, sông nước, miệt vườn của tỉnh; là một trong những trung tâm hoa kiểng của vùng ĐBSCL.
TP. Hồng Ngự là trung tâm kinh tế biên giới phía Bắc của tỉnh; cửa ngõ kết nối, giao thương kinh tế của vùng ĐBSCL với Campuchia.
Huyện Tháp Mười phấn đấu đạt tiêu chí đô thị loại III (thị xã vào năm 2030), tập trung phát triển mạnh đô thị trở thành đô thị cửa ngõ phía Đông của tỉnh, kết nối với trục đô thị Long An, Tiền Giang, Cần Thơ và kết nối với TP.HCM.
Định hình không gian phát triển nêu trên được xem là cấu trúc phát triển cân bằng, liên kết và hỗ trợ lẫn nhau giữa khu vực trung tâm và biên giới, giữa đô thị và nông thôn. Bên cạnh đó, sẽ nâng cao được vai trò, tầm quan trọng của sự hiệp đồng, hỗ trợ, bổ sung lẫn nhau giữa các ngành kinh tế, giữa nông nghiệp, công nghiệp và dịch vụ trong cơ cấu nền kinh tế; lấy kinh tế nông nghiệp làm động lực để tạo nền tảng phát triển mạnh mẽ.
Triển khai Quy hoạch hiệu quả
Ngay sau khi Quy hoạch tỉnh Đồng Tháp thời kỳ 2021 – 2030, tầm nhìn đến năm 2030 được phê duyệt, ngày 5/2/2024, Chủ tịch UBND tỉnh Đồng Tháp Phạm Thiện Nghĩa ký Công văn chỉ đạo các sở, ngành, UBND huyện, thành phố trong tỉnh về việc tổ chức triển khai thực hiện Quy hoạch tỉnh, cụ thể là xây dựng dự thảo kế hoạch thực hiện Quy hoạch tỉnh do đơn vị phụ trách. Trong đó, xây dựng lộ trình tổ chức triển khai thực hiện các chương trình, dự án nhằm thực hiện tốt các mục tiêu, nhiệm vụ và giải pháp của Quy hoạch tỉnh đã đề ra; xác định nội dung trọng tâm, tiến độ và nguồn lực thực hiện các chương trình, dự án; xây dựng các chính sách, giải pháp nhằm thu hút các nguồn lực thực hiện Quy hoạch…
Phát biểu tại Hội nghị công bố Quy hoạch tỉnh Đồng Tháp thời kỳ 2021 – 2030, tầm nhìn đến năm 2050 vào đầu năm nay, Bí thư Tỉnh ủy Đồng Tháp, ông Lê Quốc Phong nhấn mạnh, để thực hiện tốt nội dung Quy hoạch, đưa tầm nhìn, định hướng Quy hoạch và khát vọng phát triển của tỉnh Đồng Tháp trở thành hiện thực, tỉnh sẽ tập trung triển khai thực hiện một số nhiệm vụ trọng tâm.
Thứ nhất, đẩy mạnh tuyên truyền, phổ biến sâu rộng các nội dung của Quy hoạch tỉnh tới các cấp, các ngành, cộng đồng doanh nghiệp, người dân, nhằm tạo sự thống nhất về nhận thức để đi đến hành động và đạt hiệu quả cao trong thực hiện quy hoạch.
Các cấp, các ngành, các địa phương cần nhanh chóng, chủ động phối hợp xây dựng Kế hoạch triển khai thực hiện Quy hoạch, bảo đảm tính thống nhất, đồng bộ, hiệu quả. Người đứng đầu cấp ủy, chính quyền, các cơ quan, đơn vị, địa phương cần xác định rõ các nhiệm vụ trọng tâm, chủ yếu của địa phương, đơn vị mình để tập trung chỉ đạo xây dựng các chương trình, kế hoạch thực hiện Quy hoạch tỉnh với các mục tiêu, nhiệm vụ cụ thể, xác định rõ thời gian hoàn thành, phân công trách nhiệm cho từng tổ chức, cá nhân, làm cơ sở để lãnh đạo, chỉ đạo, tổ chức thực hiện.
Thứ hai, Đồng Tháp sẽ khẩn trương rà soát, điều chỉnh các quy hoạch chuyên ngành. Chủ động nghiên cứu, sửa đổi các cơ chế, chính sách; xây dựng, ban hành các cơ chế, chính sách mới phát triển kinh tế – xã hội cho từng thời kỳ, tạo động lực mới cho sự phát triển của tỉnh. Tiếp tục tập trung nguồn lực triển khai 5 đột phá chiến lược giai đoạn 2023 – 2025 và những năm tiếp theo; rà soát, điều chỉnh mục tiêu, nội dung các đột phá chiến lược phù hợp với quy hoạch tỉnh vừa được phê duyệt, vừa bảo đảm hoàn thành vượt mức theo tinh thần Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XI, vừa chuẩn bị các mục tiêu, giải pháp cho giai đoạn 2025 – 2030, nhiệm kỳ XII Đại hội Đảng bộ tỉnh.
Sử dụng tiết kiệm, hiệu quả nguồn vốn ngân sách nhà nước cho đầu tư phát triển; đầu tư có trọng tâm, trọng điểm vào các ngành, lĩnh vực then chốt, các công trình kết cấu hạ tầng trọng điểm, có tính đột phá và sức lan tỏa lớn, như các trục giao thông chính tại các đô thị, trục giao thông kết nối với các vùng kinh tế động lực, các dự án hạ tầng thích ứng với biến đổi khí hậu. Đầu tư xây dựng, phát triển nguồn nhân lực đủ về số lượng và đạt yêu cầu về chất lượng, chú trọng hình thành nguồn nhân lực chất lượng cao.
Đẩy mạnh thu hút đầu tư các ngành công nghiệp, đô thị, thương mại – dịch vụ, du lịch, bảo vệ môi trường, các ngành kinh tế xanh, kinh tế số, kinh tế tuần hoàn để nâng cao hiệu quả sử dụng tài nguyên khoáng sản…
Thứ ba, để thực hiện hiệu quả Quy hoạch tỉnh, bên cạnh nội lực, sự nỗ lực, đoàn kết, đồng lòng của cả hệ thống chính trị và toàn thể người dân Đồng Tháp, tỉnh sẽ tranh thủ, tận dụng tối đa, hiệu quả mọi nguồn lực bên ngoài dành cho Đồng Tháp. Trong đó, chú trọng thúc đẩy các chương trình hợp tác, liên kết với các tỉnh, thành phố trong vùng ĐBSCL; cải tiến, cải cách thủ tục hành chính nhanh hơn, tốt hơn, tạo không gian, điều kiện thuận lợi cho các doanh nghiệp trong và ngoài nước đến đầu tư trên địa bàn tỉnh…
Nguồn: https://baodautu.vn/dong-thap-quyet-tam-trien-khai-hieu-qua-quy-hoach-tinh-d235844.html