CMC kích hoạt AI-X; Viettel Post mở công ty con tại Lào; GSM và Mai Linh lập chuỗi sửa xe
MIC tạm ứng chi trả bồi thường hơn 900 vụ tổn thất do bão Yagi; Đồng Tâm Group kéo CS Wind của Hàn Quốc đến Long An làm thiết bị điện gió; Dat Bike nhận khoản vay 4 triệu USD; Chiến lược chuyển đổi AI của CMC…
MIC tạm ứng chi trả bồi thường hơn 900 vụ tổn thất do bão Yagi
Trước những thiệt hại nặng nề do siêu bão Yagi gây ra, Tổng CTCP Bảo hiểm Quân đội (MIC) đang khẩn trương tạm ứng chi trả bồi thường cho khách hàng với con số ước tính sơ bộ hơn 230 tỷ đồng.
Thống kê sơ bộ đến ngày 11/9, MIC ghi nhận hơn 900 vụ tổn thất bao gồm nghiệp vụ tài sản, xe cơ giới và hàng hải, ước tính tổng bồi thường 230 tỷ đồng. Hiện, số liệu vẫn đang tiếp tục được cập nhật.
MIC ghi nhận hơn 900 vụ tổn thất do bão Yagi. |
Theo nhận định của MIC, số lượng tổn thất do bão số 3 Yagi gây ra là tổn thất rất lớn do thiên tai của ngành bảo hiểm Việt Nam nói chung và MIC nói riêng, MIC cam kết chung tay cùng khách hàng khắc phục các tổn thất, dự phòng bồi thường đầy đủ và sẽ đảm bảo quyền lợi tối đa cho khách hàng với thời gian nhanh nhất.
Tại các địa phương chịu ảnh hưởng trực tiếp do bão lũ, đội ngũ cán bộ nhân viên MIC luôn trực 24/7 để tiếp nhận và hướng dẫn khách hàng xử lý các tổn thất.
Đội ngũ giám định viên của MIC đang tăng cường số lượng tối đa tại các địa phương có khách hàng bị ảnh hưởng do Bão số 3 gây ra và nỗ lực trực 24/24 cùng khách hàng trong công tác khắc phục tổn thất sau bão. Công tác thống kê, giám định và xử lý bồi thường cho khách hàng đang được chỉ đạo khẩn trương để nhanh chóng hỗ trợ, bồi thường cho khách hàng để giảm tải bớt khó khăn, nhanh chóng ổn định sản xuất, kinh doanh, sinh hoạt là ưu tiên hàng đầu.
Trước tình hình bão lũ vẫn còn diễn biến phức tạp, MIC cũng lưu ý với khách hàng ngay sau khi xảy ra sự cố, thông báo cho MIC qua điện thoại hotline, email, hoặc các kênh liên lạc chính thức của Công ty cung cấp các thông tin như: Địa điểm xảy ra sự cố, ảnh chụp hiện trường thiệt hại ban đầu (nếu có) và mô tả ngắn gọn về thiệt hại. Giám định viên của Bảo hiểm Quân đội sẽ tiếp cận hiện trường để trao đổi chia sẻ thông tin, kiểm tra đánh giá tổn thất đồng thời kết hợp hướng dẫn khách hàng cung cấp hồ sơ để nhanh chóng tạm ứng, bồi thường theo đúng quy định
Viettel Post mở công ty con tại Lào
HĐQT Tổng CTCP Bưu chính Viettel (Viettel Post) đã thông qua việc thành lập công ty con tại Lào.
Công ty con có tên là Công ty TNHH Viettel Post Lào, sẽ hoạt động trong lĩnh vực chuyển phát, dịch vụ kho vận, vận tải hàng hóa nội địa và quốc tế, thương mại hàng hóa và dịch vụ, thương mại điện tử, xuất nhập khẩu, dịch vụ giao nhận vận tải tại Lào.
Viettel Post sẽ đầu tư hơn 136 tỷ đồng, tương đương 5,34 triệu USD, chiếm 100% vốn điều lệ của Viettel Post Lào.
Viettel Post sẽ đầu tư hơn 136 tỷ đồng, tương đương 5,34 triệu USD, chiếm 100% vốn điều lệ của Viettel Post Lào. |
Vào đầu năm 2024, lãnh đạo Viettel Post tiết lộ kế hoạch mở rộng thị trường sang Lào và mở thêm văn phòng đại diện tại Thái Lan. Đến tháng 3/2024, Viettel Post đã ký kết thỏa thuận hợp tác với chính quyền TP. Bằng Tường và TP Nam Ninh (tỉnh Quảng Tây, Trung Quốc) để thành lập văn phòng đại diện và xây dựng Trung tâm giao dịch nông sản Trung Quốc – ASEAN.
Viettel Post kỳ vọng kết nối được hàng hóa nông sản, thủy hải sản… của Việt Nam và các nước trong khu vực ASEAN (Lào, Myanmar, Campuchia) thông qua mạng lưới đường sắt, đường bộ và đường thủy nhằm phân phối sang thị trường Trung Quốc.
6 tháng đầu năm 2024, Viettel Post ghi nhận hơn 9,6 ngàn tỷ đồng doanh thu thuần, đi ngang so với cùng kỳ năm trước. Lãi ròng đạt gần 152 tỷ đồng, giảm 12%. Đây cũng là mức lãi bán niên thấp nhất 6 năm qua của doanh nghiệp kể từ 2019.
GSM và Mai Linh hợp tác lập chuỗi sửa xe
CTCP Di chuyển Xanh và Thông minh GSM và CTCP Thương mại Mê Kông Xanh (công ty con thuộc hệ sinh thái Mai Linh Group) ký kết biên bản ghi nhớ hợp tác về việc thành lập chuỗi xưởng dịch vụ sửa chữa, bảo dưỡng xe ô tô quy mô lớn hàng đầu Việt Nam.
Theo thoả thuận, hai bên sẽ hợp tác thành lập liên doanh mới với thương hiệu “MeKong Xanh SM” để xây dựng và vận hành chuỗi xưởng dịch vụ sửa chữa, bảo dưỡng xe ô tô trên phạm vi toàn quốc.
CTCP Di chuyển Xanh và Thông minh GSM và CTCP Thương mại Mê Kông Xanh sẽ thành lập liên doanh “MeKong Xanh SM”. |
Các xưởng sẽ sửa chữa, bảo dưỡng cho cả xe xăng và xe điện của Xanh SM, Mai Linh, các đối tác nhượng quyền và đối tác cá nhân tham gia nền tảng Xanh SM Platform, các đối tác của Mê Kông Xanh, cũng như toàn bộ xe mang thương hiệu VinFast trên toàn quốc.
Trong giai đoạn đầu, GSM và Mê Kông Xanh sẽ tiến hành chuyển đổi 39 xưởng dịch vụ sẵn có của Mê Kông Xanh sang thương hiệu mới “MeKong Xanh SM” và hoạt động theo mô hình mới. Dự kiến đến hết năm 2025, hai bên sẽ hợp tác mở mới thêm 60 xưởng trên toàn quốc, nâng tổng quy mô lên 99 xưởng, qua đó đưa “MeKong Xanh SM” trở thành hệ thống sửa chữa ô tô quy mô lớn hàng đầu Việt Nam.
Đặc biệt, 99 xưởng này sẽ hoà chung vào mạng lưới các xưởng dịch vụ sẵn có của VinFast (hơn 80 xưởng) hiện nay trên toàn quốc, đáp ứng nhu cầu sửa chữa, bảo dưỡng của khách hàng một cách nhanh chóng và thuận tiện nhất.
Mê Kông Xanh thuộc hệ sinh thái của Tập đoàn Mai Linh. Đây là trung tâm bảo hành – bảo trì độc quyền cho toàn hệ thống taxi Mai Linh, đồng thời chuyên cung cấp thiết bị vật tư và dịch vụ sửa chữa, bảo dưỡng cho bất cứ khách hàng nào có nhu cầu.
Về phía GSM, đến thời điểm này, Xanh SM cùng các đối tác đã đưa xe điện hiện diện tại 55 tỉnh, thành phố, hướng tới mục tiêu “phủ xanh” Việt Nam và đưa xe điện trở thành hình thức di chuyển quen thuộc, thân thiện với cộng đồng.
Đồng Tâm Group kéo CS Wind của Hàn Quốc đến Long An làm thiết bị điện gió
Đồng Tâm Group và Tập đoàn CS Wind (CS Wind) đã ký kết biên bản ghi nhớ (MOU).
Theo Biên bản thỏa thuận hợp tác, Đồng Tâm Group và các đơn vị thành viên sẽ cho CS Wind Việt Nam thuê lại 50 ha đất công nghiệp, dịch vụ công nghiệp để xây dựng nhà máy sản xuất, bãi lắp ráp cho các thiết bị tháp gió ngoài khơi, trên bờ, các sản phẩm điện gió như, cọc đơn, các thiết bị chuyển tiếp… và cung cấp cho thị trường toàn cầu.
Đồng Tâm Group và các đơn vị thành viên sẽ cho CS Wind Việt Nam thuê 50 ha đất để xây dựng nhà máy sản xuất, bãi lắp ráp cho các thiết bị tháp gió ngoài khơi, trên bờ, các sản phẩm điện gió. |
Đây được cho là nhà máy có công suất sản xuất thiết bị điện gió lớn nhất trên thế giới tính đến thời điểm lập dự án, với tổng vốn đầu tư trong giai đoạn đầu dự kiến lên tới 200 triệu USD. Dự kiến công suất hoạt động lên đến hàng chục ngàn đơn vị mỗi năm, cung ứng thiết bị siêu trường, siêu trọng từ 500 đến 4.000 tấn trên mỗi thiết bị. Đặc biệt, 100% thiết bị và phụ kiện giai đoạn đầu xuất nhập thông qua Cảng Quốc tế Long An, ước tính từ 150.000 đến 200.000 tấn/năm.
Ông Võ Quốc Thắng, Chủ tịch HĐQT Đồng Tâm Group chia sẻ rất phấn khởi khi có một tập đoàn uy tín như CS Wind đầu tư vào Khu công nghiệp Đông Nam Á Long An. “Chúng tôi cũng cam kết sẽ tạo điều kiện thuận lợi nhất cho các nhà đầu tư thứ cấp trong suốt quá trình triển khai dự án”, ông Thắng cam kết.
CS Wind thành lập năm 1984 tại Hàn Quốc, là tập đoàn hàng đầu trong ngành sản xuất tháp gió cho các máy phát điện gió lớn nhất thế giới. Năm 2003, CS Wind thành lập công ty sản xuất tháp gió đầu tiên tại Việt Nam. Đây là nhà máy cốt lõi số 1 tại Đông Nam Á đã tiếp cận các thị trường châu Á, Nam Thái Bình Dương và Hoa Kỳ, nhanh chóng trở thành tập đoàn đứng top 1 trên thế giới về sản xuất tháp gió. CS Wind đang vận hành các cơ sở sản xuất tại 8 quốc gia, trong đó có Việt Nam, Hoa Kỳ và Đan Mạch.
Hiện, CS Wind cung cấp hơn 13.000 tháp gió cho các nhà sản xuất tua-bin gió hàng đầu thế giới như Vestas, Siemens-Gamesa, GE và Goldwind… có vị thế trong ngành năng lượng tái tạo toàn cầu.
Dat Bike nhận khoản vay 4 triệu USD
Dat Bike đã công bố nhận được khoản vay chuyển đổi trị giá 4 triệu USD từ InfraCo Asia – thành viên thuộc tập đoàn Phát triển hạ tầng tư nhân (PIDG, Anh Quốc).
Dat Bike đã huy động hơn 25 triệu USD huy động từ các nhà đầu tư. |
Khoản vay 4 triệu USD từ InfraCo Asia dự kiến sẽ giúp Dat Bike đưa ra thị trường hơn 30.000 xe máy điện trong vòng 2 năm tới, với tiềm năng giảm phát thải gần 26.000 tấn CO2 mỗi năm.
Từ khoản vay này, Dat Bike dự kiến tạo ra 30 công việc ngắn hạn và 29 công việc dài hạn, chú trọng đến sự đa dạng giới tính, với 24% số vị trí này dự kiến sẽ do nhân lực nữ đảm nhận.
Dat Bike đặt tham vọng trở thành nhà sản xuất Việt Nam dẫn đầu trong hành trình “xanh hóa” thị trường xe hai bánh có giá trị 25 tỷ USD tại khu vực Đông Nam Á.
PIDG là một tổ chức phát triển và tài trợ hạ tầng sáng tạo, khuyến khích và huy động đầu tư tư nhân vào các dự án hạ tầng tiên phong tại châu Phi, Nam Á và Đông Nam Á, nhằm hỗ trợ phát triển kinh tế và chống đói nghèo.
Trong khi đó, InfraCo Asia đã có nhiều hoạt động tại Việt Nam, mua Nhà máy thủy điện Cốc San năm 2012, xây dựng Nhà máy điện mặt trời công suất 168MWp tại tỉnh Ninh Thuận, đầu tư 4 dự án nước sạch cho 4 thành phố loại 2 của Việt Nam.
Với khoản vay từ InfraCo Asia, startup xe máy điện Việt Nam kỳ vọng có thể tăng gấp đôi công suất, thông qua việc mở rộng cơ sở vật chất, công cụ, tự động hóa.
Theo ông Sơn Nguyễn, CEO của Dat Bike, đến thời điểm này, công ty đã huy động hơn 25 triệu USD huy động từ các nhà đầu tư.
CMC kích hoạt AI-X
“Enable Your AI-X” (Kích hoạt AI-X) là chủ đề của Chiến lược chuyển đổi AI mà Tập đoàn công nghệ CMC vừa công bố. Theo đó. CMC sẽ đồng hành cùng doanh nghiệp và tổ chức trong hành trình chuyển đổi AI, đưa ra các giải pháp công nghệ tiên tiến và phù hợp với từng nhu cầu riêng biệt.
CMC vừa công bố Chiến lược chuyển đổi AI. |
Chủ tịch HĐQT Tập đoàn CMC Nguyễn Trung Chính cho biết: “AI Transformation (AI-X) là quá trình ứng dụng công nghệ AI để thay đổi tổng thể và toàn diện về cách thức hoạt động và tương tác trong mọi lĩnh vực của xã hội, từ Chính phủ, doanh nghiệp đến đời sống của người dân. Mục tiêu của chuyển đổi AI (AI-X) là tận dụng tiềm năng vô tận của công nghệ AI để đổi mới sáng tạo, cải tiến hiệu suất, năng suất, gia tăng giá trị và tạo ra một nền kinh tế số, với cam kết trách nhiệm và đạo đức nhằm nâng cao chất lượng cuộc sống, thúc đẩy sự phát triển xanh và bền vững”.
Theo ông Nguyễn Trung Chính, để đạt được mục tiêu phát triển AI và công nghệ thông tin mà Chiến lược quốc gia về trí tuệ nhân tạo đã đề ra, việc đào tạo nhân lực công nghệ cao là yếu tố then chốt.
“Chúng ta cần có một chiến lược phát triển AI đồng bộ và hiệu quả, tập trung vào việc đầu tư vào hạ tầng công nghệ, đào tạo nguồn nhân lực và xây dựng hành lang pháp lý phù hợp,” Chủ tịch CMC nêu quan điểm.
Trong khuôn khổ sự kiện, CMC cũng đã giới thiệu hệ sinh thái AI mở, bao gồm các công nghệ chủ chốt như xử lý giọng nói, ngôn ngữ tự nhiên, phân tích dữ liệu và thị giác máy tính. Đặc biệt, CMC đã phát triển các giải pháp nổi bật như CMC AIVision – một hệ thống AI Camera thông minh giúp nhận diện khuôn mặt và kiểm soát an ninh, cùng các ứng dụng Generative AI, như chatbot hỗ trợ tư vấn đầu tư chứng khoán. Những giải pháp này đã thể hiện rõ tiềm năng lớn của AI trong việc tối ưu hóa hoạt động kinh doanh và quản lý.