Bệnh viện Đa khoa Xuyên Á Long An tiếp nhận nhiều trường hợp mụn nhọt dẫn đến áp xe vùng hàm mặt. Nguyên nhân chủ yếu phát sinh bệnh là do vi khuẩn xâm nhập vào nang lông.
Các yếu tố làm tăng khả năng bệnh gồm: vệ sinh không đúng cách, viêm da, hệ miễn dịch suy yếu, người có tiền sử mắc bệnh đái tháo đường, gan, thận.
Điển hình, nốt mụn nhọt sưng đau trong 1 tuần và có biểu hiện sốt, chị H.T.N (31 tuổi, Long An) tự mua thuốc ở tiệm thuốc tây điều trị tại nhà. Tuy nhiên, mụn nhọt có dấu hiệu lan rộng hơn.
Khi tổn thương nặng hơn, sưng và đau nhiều, chị H mới đến Bệnh viện Đa khoa Xuyên Á Long An thăm khám.
Các bác sĩ ghi nhận có khối sưng vùng góc hàm trái kích thước khoảng 5x5cm, da đỏ, sờ nóng, ấn đau, có dấu phập phều, trên bề mặt da có lỗ rò, rỉ ít dịch mủ. Bên cạnh đó, người bệnh đang cho con bú và có tiền sử đái tháo đường thai kì.
Bác sĩ thực hiện gây mê, giảm đau cục bộ, rạch và cắt lọc, bơm rửa và làm sạch ổ áp xe góc hàm trái, đặt ống dẫn lưu hố mổ sau đó để hở vùng da đã rạch. Người bệnh được điều trị thuốc kháng sinh kết hợp với bơm rửa hố mổ và thay băng mỗi ngày. Sau hơn 1 tuần điều trị, tình trạng bệnh nhân ổn định và được xuất viện.
Theo bác sĩ Hoàng Ngọc Phú Hưng – Khoa Liên Chuyên khoa Bệnh viện Đa khoa Xuyên Á Long An, bệnh nhân nhập viện với tình trạng nhọt da bội nhiễm, tổ chức dưới da hoại tử và hóa mủ tạo ổ áp xe, cần phải điều trị tích cực ngay để tránh biến chứng nguy hiểm.
Trước đó, Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh TPHCM điều trị bệnh nhi (9 tháng tuổi) nổi mụn nhọt ở mông từ lúc 1 tháng tuổi nhưng không được chăm sóc vết thương đúng cách gây ổ áp xe, nhiễm trùng dẫn đến rò hậu môn.
Bác sĩ Phú Hưng cho hay, nhọt là dạng nhiễm trùng da, đầu tiên là từ lỗ chân lông hay tuyến dầu nhờn mụn nhọt, thường là bệnh lành tính nhưng không thể coi thường.
Đa phần bệnh có thể tự giới hạn và tự khỏi khi mụn nhọt bị vỡ mủ, thời gian này kéo dài khoảng 1-2 tuần. Tuy nhiên, nếu như mắc phải vi khuẩn độc lực cao hoặc người bệnh có cơ địa suy giảm miễn dịch, có thể dẫn tới sốt cao, nhiễm trùng huyết và nguy cơ tử vong.
Bác sĩ Hưng khuyến cáo, khi bị mụn nhọt, người bệnh không được tự ý nặn hoặc chườm nóng, lạnh, sẽ dẫn đến nhiễm trùng nặng hơn, thậm chí nhiễm trùng máu.
Trong trường hợp nhẹ, không có biểu hiện đau nhức, sốt, có thể đợi vài ngày cho mụn tự vỡ. Sau đó, có thể dùng bông y tế vô trùng thấm dịch lấy ra ngoài, rồi rửa lại bằng betadin hoặc cồn IOD, tránh làm xước vùng vừa tháo mủ.
Tuyệt đối không đắp lá, đắp thuốc theo chỉ dẫn của người không có chuyên môn để tránh nhiễm trùng sốc phản vệ. Nếu tình trạng mụn nhọt không có dấu hiệu cải thiện trong vòng 2 tuần, nên đi khám tại cơ sở y tế để có hướng điều trị thích hợp.