Xếp hạng 12 cả nước
Năm 2023, tỉnh Long An đạt 23,07 điểm (tăng 8,03 điểm), xếp hạng 12 trong bảng xếp hạng PGI của cả nước, tăng 16 bậc trong bảng xếp hạng so với năm 2022 (hạng thứ 28), đứng vị trí thứ 3 khu vực Đồng bằng sông Cửu Long.
Số điểm 4 chỉ số thành phần của PGI đều tăng, trong đó giảm thiểu ô nhiễm môi trường và tác động tiêu cực của biến đổi khí hậu đạt 7,15 điểm (cao nhất ở chỉ số này là 7,71; thấp nhất là 4,12), tăng 2,92 điểm so với năm 2022 (4,23 điểm), xếp hạng 22/30 tỉnh, thành có điểm số cao nhất trong chỉ số thành phần 1; bảo đảm tuân thủ các tiêu chuẩn môi trường tối thiểu đạt 6,02 điểm (cao nhất ở chỉ số này là 7,89; thấp nhất là 3,85), tăng 0,89 điểm so với năm 2022 (5,13 điểm), xếp hạng 29/30 tỉnh thành có điểm số cao nhất trong chỉ số thành phần 2; vai trò lãnh đạo của chính quyền tỉnh trong bảo vệ môi trường (BVMT) đạt 4,06 điểm (cao nhất ở chỉ số này là 7,07; thấp nhất là 3,28), tăng 0,25 điểm so với năm 2022 (3,81 điểm), xếp hạng 26/30 tỉnh, thành có điểm số cao nhất trong chỉ số thành phần 3; chính sách ưu đãi và dịch vụ hỗ trợ doanh nghiệp (DN) trong BVMT đạt 5,84 điểm (cao nhất ở chỉ số này là 6,02; thấp nhất là 4,04), tăng 3,93 điểm so với năm 2022 (1,91 điểm).
Sở Tài nguyên và Môi trường đề xuất một số giải pháp cải thiện, nâng cao Chỉ số Xanh (Ảnh minh họa)
Đạt kết quả trên, đầu năm 2023, UBND tỉnh ban hành kế hoạch triển khai, thực hiện các nhiệm vụ, giải pháp cải thiện, nâng cao PGI.
Theo Giám đốc Sở TN&MT – Võ Minh Thành, các cơ quan quản lý cấp tỉnh, địa phương có sự quan tâm, kịp thời lồng ghép, đưa vào danh mục nhiệm vụ hàng năm của ngành, địa phương để làm cơ sở triển khai, thực hiện kế hoạch của tỉnh về PGI.
Sự phối hợp chặt chẽ của các sở, ban, ngành và địa phương trong tiếp nhận đầu tư, triển khai, thực hiện nhiệm vụ được phân công. Công tác tuyên truyền được thực hiện đồng bộ và sâu, rộng, hướng đến mọi đối tượng nhằm nâng cao ý thức cộng đồng, từng bước hình thành thói quen tiêu dùng xanh, tiết kiệm năng lượng, sử dụng hiệu quả tài nguyên và BVMT, ứng phó với biến đổi khí hậu.
Tỉnh nhận được sự quan tâm, hỗ trợ từ các tổ chức quốc tế, đối tác nước ngoài trong công tác đầu tư phát triển hạ tầng kỹ thuật, triển khai, thực hiện các nhiệm vụ BVMT,…
Đối với chỉ số thành phần 4, Long An là 1 trong 3 tỉnh xếp hạng cao nhất cả nước (Hà Nam 6,02 điểm; Hưng Yên 5,88 điểm) nhờ vào việc triển khai về ưu đãi thuế, các dịch vụ tư vấn và dịch vụ kỹ thuật nhằm khuyến khích sự tham gia của các DN xanh, khuyến khích các DN xanh mở rộng quy mô và khuyến khích các DN chưa quan tâm thực hiện chuyển đổi xanh.
Tiếp tục cải thiện, nâng cao PGI
Hiện nay, Long An là một trong những địa phương thu hút đầu tư trong tốp đầu cả nước, nhất là thu hút đầu tư nước ngoài. Đến nay, tỉnh là “ngôi nhà chung” của hơn 18.000 DN đăng ký hoạt động.
Tỉnh luôn chú trọng công tác thu hút đầu tư, định hướng thu hút những dự án xanh, sạch, thân thiện với môi trường và quy hoạch hình thành nhiều khu công nghiệp phát triển xanh, bền vững.
Theo đại diện Khu công nghiệp Trần Anh – Tân Phú (huyện Đức Hòa) – Nguyễn Tiểu Long, hiện nay, khu quy hoạch và thu hút những đơn vị có công nghệ tiên tiến, ít tác động tới môi trường, hướng đến tăng trưởng xanh, bền vững. Đơn vị luôn chủ động trong công tác BVMT, hoàn thiện hệ thống hạ tầng, tiếp nhận xử lý toàn bộ nước thải của DN thứ cấp. Khu có quy hoạch, bố trí mảng xanh tạo diện mạo cũng như cảnh quan môi trường. Toàn khu có tổng diện tích 262ha, giai đoạn 1 có diện tích 105ha.
Khu công nghiệp Trần Anh – Tân Phú hướng đến thu hút các doanh nghiệp có công nghệ tiên tiến, thân thiện với môi trường, góp phần tăng Chỉ số Xanh, hướng đến tăng trưởng xanh, phát triển bền vững
Đại diện Công ty (Cty) Cổ phần Long Hậu (huyện Cần Giuộc) – Bùi Lê Anh Hiếu cho biết, kinh doanh luôn đồng hành cùng công tác BVMT, nâng cao PGI. Cty ưu tiên thu hút những đơn vị có công nghệ tiên tiến, ít tác động đến môi trường phù hợp với mục tiêu, chiến lược của Cty là hướng đến khu công nghiệp xanh, phát triển bền vững.
Long Hậu hoàn chỉnh khu xử lý nước thải đạt chuẩn, bố trí mảng xanh, ký kết đầy đủ các hợp đồng thu gom, xử lý chất thải, chế độ BVMT được báo cáo theo đúng quy định. Hệ thống xử lý nước thải đầu ra đạt các tiêu chuẩn và sau đó được tận dụng để vệ sinh và tưới cây.
Theo ông Võ Minh Thành, thời gian qua, DN trên địa bàn tỉnh bước đầu nhận thức được ý nghĩa, tầm quan trọng của việc ứng dụng các giải pháp, công nghệ hiện đại trong việc xử lý chất thải rắn công nghiệp, nước thải trong hoạt động sản xuất, kinh doanh, hạn chế mức phát thải ra môi trường.
Tuy nhiên, hiện nay, PGI còn một số hạn chế nhất định. Trên địa bàn tỉnh có 3 cụm công nghiệp (2 cụm công nghiệp chỉnh trang Đức Hòa Hạ, Đức Hòa Đông và Cụm công nghiệp Hoàng Gia) đã đi vào hoạt động nhưng chưa đầu tư hệ thống xử lý nước thải tập trung; thời gian đầu còn tiếp nhận đầu tư các dự án có công nghệ sản xuất trung bình, phát thải nhiều khí nhà kính; tỉnh chưa đầu tư, hoàn thiện hạ tầng thu gom và xử lý nước thải đô thị trước khi thải ra môi trường; việc thu hút nhà đầu tư đầu tư nhà máy xử lý chất thải rắn sinh hoạt trên địa bàn tỉnh còn chậm, chưa bảo đảm khả năng tự xử lý chất thải rắn phát sinh trên địa bàn tỉnh, còn phải nhờ TP.HCM xử lý;…
Để góp phần triển khai các giải pháp cải thiện, nâng cao PGI đúng trọng tâm và đạt hiệu quả cao, Sở TN&MT đề xuất một số giải pháp như cần sâu sát trong công tác giám sát, triển khai, thực hiện các dự án tiếp nhận nguồn viện trợ không hoàn lại từ nước ngoài, duy trì và nhân rộng các mô hình, kết quả đã đạt trên địa bàn tỉnh; tăng cường và đa dạng hóa các hoạt động thông tin, tuyên truyền về các chính sách hỗ trợ DN sản xuất công nghiệp có áp dụng công nghệ hiện đại, sử dụng năng lượng sạch, có biện pháp xử lý ô nhiễm môi trường hiệu quả; tăng cường phổ biến, kết nối DN với các tổ chức tài chính giúp DN tiếp cận nguồn vốn phát triển các dự án tăng trưởng xanh, bền vững; triển khai phân loại chất thải rắn sinh hoạt tại nguồn trên toàn tỉnh nhằm giảm lượng rác thải phát sinh phải xử lý; đẩy nhanh tiến độ hoàn thành các công trình hạ tầng kỹ thuật, bảo đảm đồng bộ và theo kịp tốc độ phát triển kinh tế, công nghiệp của tỉnh, đặc biệt là 3 cụm công nghiệp chưa có hệ thống thu gom, xử lý nước thải; tăng cường năng lực thu gom, xử lý chất thải rắn sinh hoạt phát sinh trên địa bàn tỉnh, góp phần BVMT thông qua việc kêu gọi đầu tư, huy động của nguồn lực hỗ trợ để triển khai hiệu quả các nhiệm vụ; tiến hành điều tra, kiểm kê khí nhà kính, khảo sát hiện trạng công nghệ sản xuất của DN, có lộ trình phù hợp chuyển đổi hoặc thay thế công nghệ lạc hậu phát thải nhiều khí nhà kính sang công nghệ thân thiện với môi trường./.
Châu Sơn
Nguồn: https://baolongan.vn/cai-thien-nang-cao-pgi-a181992.html