Nông dân ứng dụng máy cấy lúa công nghệ tiên tiến vào sản xuất lúa
Hướng đi bền vững
Những năm qua, sản xuất nông nghiệp đạt nhiều kết quả quan trọng, góp phần phát triển KT-XH của tỉnh Long An. Hàng năm, sản lượng lúa đạt hơn 2,7 triệu tấn. Một trong những yếu tố quan trọng mang lại kết quả trên là đưa cơ giới hóa vào sản xuất.
Nhiều máy móc, công nghệ mới được áp dụng trong canh tác lúa, giúp tiết kiệm thời gian, công lao động và vật tư đầu vào như các thiết bị cảm ứng, kiểm soát đồng ruộng, máy bay phun phân bón, thuốc bảo vệ thực vật, phun hạt giống, máy sạ cụm kết hợp vùi phân và phun thuốc diệt cỏ hoặc máy gặt đập liên hợp có buồng chứa và vòi xả thuận lợi cho việc đóng lúa ngay trên đồng ruộng, tiết kiệm công lao động.
Thông tin từ Chi cục Phát triển nông thôn và Thủy lợi tỉnh, thời điểm năm 2015, khâu làm đất trong canh tác lúa được cơ giới hóa 100% diện tích. Khâu gieo sạ, cấy có 70% diện tích lúa gieo sạ bằng máy; 78% diện tích sản xuất được bơm tưới chủ động; 80% diện tích được phun thuốc bảo vệ thực vật bằng máy; 60% diện tích phun phân bón bằng máy. Khâu thu hoạch có 97% diện tích sản xuất thu hoạch bằng máy. 56% lượng rơm, rạ được xử lý bằng máy cuộn rơm; sản lượng lúa qua sấy chiếm 90%.
Trong giai đoạn 2021-2025, ước đến năm 2025, số lượng máy móc nông nghiệp trên địa bàn tỉnh tăng nhanh, đa dạng về chủng loại, đáp ứng hầu hết các khâu trước, trong và sau thu hoạch (có hơn 6.950 máy cày, máy xới các loại, 98 máy cấy, 23.600 thiết bị sạ hàng, 826 máy phun xịt thuốc tự hành, 500 thiết bị bay không người lái, 43.000 máy phun xịt thuốc 3 trong 1, hơn 45.000 máy bơm nước, 350 trạm bơm điện, 1.600 máy gặt đập liên hợp, 1.192 thiết bị cuộn rơm, 450 lò sấy) giúp tỷ lệ cơ giới hóa nông nghiệp ngày càng tăng.
Theo thống kê, ước đến năm 2025, khâu làm đất cơ giới hóa 100% diện tích, 99% diện tích gieo sạ lúa bằng máy (kể cả công cụ sạ hàng, máy cấy, thiết bị bay không người lái). 100% diện tích sản xuất được bơm tưới chủ động bằng trạm bơm điện hoặc máy dầu; 100% diện tích được phun thuốc bảo vệ thực vật bằng máy; 100% diện tích được thu hoạch bằng máy; khoảng 80% lượng rơm, rạ được xử lý bằng máy cuộn rơm và sản lượng lúa qua sấy chiếm 100%.
Phun thuốc bằng thiết bị cơ giới hóa giúp tiết kiệm thời gian, công sức lao động
Chủ tịch Hội đồng Quản trị Hợp tác xã (HTX) Dịch vụ Sản xuất Thương mại nông nghiệp 4.0 (huyện Thạnh Hóa) – Nguyễn Văn Lành cho biết: “Đúng như tên gọi, từ khi được thành lập năm 2022, chúng tôi đã đưa cơ giới hóa, áp dụng khoa học – kỹ thuật, thay đổi tư duy của nông dân từ sản xuất nông nghiệp sang kinh tế nông nghiệp. Hiện tại, các thành viên HTX đều đưa cơ giới vào đồng ruộng từ khâu làm đất đến thu hoạch. Việc sử dụng máy bay để gieo sạ giúp giảm lượng giống xuống 60kg/ha; sử dụng thiết bị bay để phun xịt thuốc, phân bón, giúp giảm 2-3 lần phun/vụ”.
Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn – Hồ Thị Ngọc Lan thông tin: “Lúa là cây trồng chính của tỉnh, cơ giới hóa phát triển rất mạnh. Số lượng máy gặt đập liên hợp tăng nhanh, năm 2006 chỉ có 50 chiếc thì năm 2024 đã tăng 1.550 chiếc, gấp hơn 31 lần. Cơ giới hóa phát triển mạnh đáp ứng kịp nhu cầu sản xuất, nhất là khâu thu hoạch, góp phần giảm tỷ lệ thất thoát (ước còn khoảng 10%)”.
“Ứng dụng công nghệ, đưa cơ giới hóa vào canh tác lúa đã góp phần nâng cao hiệu quả sản xuất. Nhờ ứng dụng công nghệ, thời gian canh tác rút ngắn, chất lượng lúa ổn định và đáp ứng tốt nhu cầu thị trường, tiết kiệm chi phí, giảm sức lao động. Điều này không chỉ giúp nông dân cải thiện thu nhập mà còn tạo điều kiện thuận lợi cho việc phát triển mô hình sản xuất lúa bền vững, nâng cao giá trị nông sản của tỉnh và giảm thiểu tác động đến môi trường” – bà Hồ Thị Ngọc Lan thông tin thêm.
Mang lại hiệu quả
HTX Dịch vụ Nông nghiệp Đúng Sạch (huyện Đức Huệ) thành lập từ năm 2022, hiện có 31 thành viên chính thức và 16 thành viên liên kết, tổng diện tích sản xuất 75ha. Trong đó, HTX duy trì 5ha trồng lúa ST25 theo phương pháp hữu cơ và 70ha lúa OM18 áp dụng các kỹ thuật canh tác tiên tiến như cơ giới hóa, IPM, “1 phải, 5 giảm”, tưới ngập – khô xen kẽ,…
Ứng dụng máy bay phun thuốc tự động trong canh tác lúa giúp bảo vệ sức khỏe nông dân
Chủ tịch Hội đồng Quản trị kiêm Tổng Giám đốc HTX Dịch vụ Nông nghiệp Đúng Sạch – Nguyễn Thị Cẩm Tiên cho biết: “Từ khi thành lập, HTX chú trọng cơ giới hóa tối đa trong mọi khâu, từ làm đất, gieo sạ đến phun thuốc, bón phân, thu hoạch. Không chỉ giúp tăng năng suất, cơ giới hóa còn bảo vệ sức khỏe nông dân khi không còn tiếp xúc trực tiếp với các hóa chất có trong phân bón hay thuốc bảo vệ thực vật như trước đây”.
Gắn bó với nghề trồng lúa hơn 30 năm nay, ông Huỳnh Công Nguyên (ấp 1, xã Mỹ Thạnh Đông, huyện Đức Huệ) tham gia HTX từ những ngày đầu và hiện canh tác 3ha lúa. Nếu trước đây phải “bán mặt cho đất, bán lưng cho trời” thì nay, nhờ ứng dụng cơ giới hóa, ông tiết kiệm được công sức và thời gian trong sản xuất nông nghiệp.
Ông Nguyên chia sẻ: “Nhờ có máy móc cày, xới, mặt ruộng bằng phẳng hơn. Các máy gặt đập liên hợp mới với kỹ thuật hiện đại không chỉ giảm thất thoát lúa sau thu hoạch mà còn tiết kiệm được thời gian và công sức lao động. Chi phí sản xuất có thể không chênh lệch nhiều nhưng lợi ích mang lại thì lớn hơn vì giảm thời gian, công sức lao động, nhất là bảo đảm sức khỏe của nông dân.
Hiện nay, HTX Dịch vụ Nông nghiệp Đúng Sạch cơ giới hóa hầu hết các khâu trong canh tác lúa: Máy xới kết hợp trục đất trong khâu làm đất; máy phun, drone trong rải giống, bón phân, phun thuốc; máy gặt đập liên hợp trong thu hoạch; máy cuốn rơm để xử lý sau thu hoạch. Được biết, thời gian tới, HTX tiếp tục đẩy mạnh cơ giới hóa đồng bộ trong tất cả các khâu, giảm tối đa sức lao động, kết hợp thêm các kỹ thuật canh tác tiên tiến để ngày càng nâng cao giá trị hạt lúa”.
Thu hoạch lúa bằng máy gặt đập liên hợp vừa giảm sức lao động, vừa tránh thất thoát lúa
Chủ tịch Hội đồng Quản trị HTX Dịch vụ, Sản xuất và Thương mại Nông nghiệp Hương Trang (huyện Mộc Hóa) – Trần Văn Sửa cho biết, khâu làm đất đã cơ giới hóa hoàn toàn. 50% diện tích sản xuất của HTX được gieo sạ bằng máy bay và 50% bằng máy đeo vai. Đặc biệt, HTX đầu tư 2 máy bay để rải phân bón, phun thuốc bảo vệ thực vật. Nhờ đó, nông dân tiết kiệm thời gian và công sức trong mỗi mùa vụ.
“Cơ giới hóa trong canh tác lúa góp phần giải quyết tình trạng thiếu lao động địa phương; đồng thời, bảo vệ sức khỏe người sản xuất và giảm thiểu ô nhiễm môi trường. Việc phun thuốc bằng máy bay giúp kiểm soát dịch hại tốt hơn, giảm lượng thuốc bảo vệ thực vật cần sử dụng và nâng cao chất lượng sản phẩm, góp phần thúc đẩy phát triển bền vững trong canh tác lúa. Việc tiết kiệm các chi phí giống, thuốc, phân bón,… cũng giúp nông dân có thêm khoản dư sau mỗi vụ” – ông Trần Văn Sửa cho biết thêm.
Đẩy mạnh cơ giới hóa trong canh tác lúa đã, đang và sẽ mang lại hiệu quả cho nông dân, ngành Nông nghiệp. Với những lợi ích thiết thực và hiệu quả vượt trội, cơ giới hóa dần trở thành giải pháp chủ đạo giúp nông dân nâng cao thu nhập, đáp ứng yêu cầu phát triển của nền nông nghiệp hiện đại./.
Khánh Duy
Nguồn: https://baolongan.vn/co-gioi-hoa-dong-bo-trong-canh-tac-lua-a184940.html