1. Nhìn vào cơ ngơi hiện tại của gia đình anh Nguyễn Hoàng Khen (xã Phước Hậu, huyện Cần Giuộc, tỉnh Long An), ít ai nghĩ trước đây anh gặp nhiều khó khăn.
Anh từng là người không có nghề nghiệp ổn định, gia đình nghèo khó nên phải “lăn lộn” với rất nhiều nghề, lo cho cơm áo hàng ngày. Tình cờ, anh “bén duyên” với nghề gỗ rồi quyết tâm theo đuổi đến thành công.
Anh Nguyễn Hoàng Khen (xã Phước Hậu, huyện Cần Giuộc) khởi nghiệp thành công từ nghề gỗ
Khởi nghiệp đối với anh Khen là cả một quá trình và khó khăn chồng chất, nhất là nguồn vốn bị hạn chế. Khi thiếu vốn, anh được địa phương hỗ trợ, tạo điều kiện vay vốn ưu đãi để mở rộng cơ sở sản xuất.
Hiện nay, Cơ sở Gỗ mỹ nghệ và Trang trí nội thất Hoàng Oanh Long An do anh làm chủ có diện tích khoảng 1.000m2 tại Đường tỉnh 835B, chuyên sản xuất đồ gỗ mỹ nghệ như lộc bình, bàn ghế, trang trí,…
Bên cạnh đó, cơ sở còn nhận thi công các công trình nội thất gỗ cho các công ty (Cty), gia đình,… Sản phẩm của cơ sở có mặt nhiều nơi trên địa bàn tỉnh và TP.HCM.
Từ một người không có nghề nghiệp, thu nhập bấp bênh, giờ đây, anh Khen trở thành cá nhân tiêu biểu của địa phương về việc dám nghĩ, dám làm, mạnh dạn khởi nghiệp để thay đổi cuộc sống và là “điểm tựa” của nhiều lao động địa phương.
Tổng nguồn thu cơ sở của anh hơn 1,2 tỉ đồng/năm, giải quyết việc làm cho hơn 10 lao động với mức thu nhập khá, giúp họ “an cư, lạc nghiệp” tại chính mảnh đất quê hương.
Anh Khen chia sẻ: “Khi gặp khó khăn, tôi không bỏ cuộc mà phải cố gắng gấp đôi, gấp ba bình thường. Lúc mới làm nghề, cơ sở thuộc dạng “sinh sau đẻ muộn” nên việc tìm hiểu thị trường, nhu cầu, thị yếu của khách là yếu tố then chốt. Bên cạnh đó, cơ sở phải sản xuất những sản phẩm chất lượng, uy tín, mẫu mã,… tạo được thương hiệu, chỗ đứng vững trên thị trường”.
“Hiện nay, bước vào giai đoạn mới, cơ sở chủ động đầu tư thêm máy móc, thiết bị để phục vụ sản xuất, kinh doanh. Tôi đang theo học các lớp ngắn hạn để chuyển sang công nghệ tự động. Mỗi sản phẩm được áp dụng công nghệ có tính chính xác, đều, độ tinh xảo cao nên phù hợp giai đoạn hiện nay” – anh Khen nói.
2. Anh Lê Xuân Diệu (ấp 5, xã Thạnh Đức, huyện Bến Lức) là thanh niên mạnh dạn khởi nghiệp. Ngành nghề mà anh theo đuổi là nấm đông trùng hạ thảo.
Từ những năm còn ngồi trên ghế giảng đường đại học, anh Diệu nghiên cứu chuyên sâu về nấm. Với những kiến thức được học tại trường, những bài học kinh nghiệm từ thực tế trồng nấm cùng với sự hỗ trợ tích cực của địa phương, anh Diệu thành lập Cty TNHH Nông nghiệp VACO (Vacofarm) để biến giấc mơ của mình thành hiện thực.
Sản phẩm của Công ty TNHH Nông nghiệp VACO (xã Thạnh Đức, huyện Bến Lức) tuân thủ nghiêm ngặt các quy trình, tiêu chuẩn khắt khe của ngành Dược
Anh làm chủ quy trình công nghệ từ sản xuất giống, nuôi trồng đến chế biến sản phẩm từ nấm đông trùng hạ thảo và thành công, tạo được thương hiệu cho sản phẩm của mình. Nhà xưởng trồng nấm được xây dựng đầy đủ phòng vô trùng, phòng lạnh, phòng cấy nấm, phòng nuôi và khu chế biến thành phẩm; cùng với các trang thiết bị như máy sấy, máy đóng gói trà, nồi hấp,… Riêng 4 phòng nuôi (50m2/phòng) có các kệ chứa cả ngàn hũ nấm.
Với quy trình sản xuất nghiêm ngặt, chặt chẽ nên đông trùng hạ thảo sau 2 tháng nuôi là có thể thu hoạch. Để có sản phẩm cung cấp thường xuyên, cứ 15 ngày, Cty xuống giống 1 đợt, mỗi đợt khoảng 2.000 chậu.
Sản phẩm nấm tươi được bán sỉ với giá hơn 2 triệu đồng/kg, bán lẻ với giá 120.000 đồng/hộp. Nếu sấy khô có giá bán 600.000 đồng/30g. Sản phẩm chủ yếu được bán lẻ ở thị trường nội địa.
Hiện nay, ngoài nấm đông trùng hạ thảo tươi và sấy khô, Cty còn nghiên cứu sản xuất 14 sản phẩm khác như tổ yến, rượu,… để làm phong phú thêm mặt hàng kinh doanh.
Sản phẩm được bảo quản trong túi, hộp tiện dụng, mẫu mã bắt mắt. Đặc biệt, giá thấp hơn các sản phẩm cùng loại trên thị trường nên được người tiêu dùng đón nhận.
Không chỉ khởi nghiệp thành công, anh Diệu còn tạo việc làm cho khoảng 30 lao động của địa phương với mức thu nhập khá, lan tỏa tinh thần khởi nghiệp cũng như những giá trị tích cực trong cuộc sống.
Theo anh Diệu, nhận thấy trồng nấm đông trùng hạ thảo không tốn nhiều diện tích mà còn có thể chế biến được nhiều loại sản phẩm hỗ trợ sức khỏe con người, được thị trường ưa chuộng nên anh quyết định theo đuổi và khởi nghiệp.
Để tìm được chỗ đứng trên thị trường như hiện nay, anh chấp nhận rủi ro, đối mặt và vượt qua. Quan trọng nhất, sản phẩm phải bảo đảm về chất lượng, đặt uy tín lên hàng đầu.
Quy trình nuôi trồng nấm đông trùng hạ thảo của Cty ứng dụng các tiêu chuẩn sản xuất khắt khe của ngành Dược. Vì thế, sản phẩm đạt chất lượng tốt cả về các chỉ số dinh dưỡng lẫn các chỉ số an toàn thực phẩm qua các lần kiểm nghiệm.
Hiện Cty có các sản phẩm: Nấm đông trùng hạ thảo sấy khô; đông trùng hạ thảo tươi; tổ yến chưng đông trùng; rượu đông trùng sâm bố chính; trà detox thảo mộc từ đông trùng để đánh giá sản phẩm OCOP của địa phương;…/.
Châu Sơn
Nguồn: https://baolongan.vn/vuot-kho-khoi-nghiep-thanh-cong-a182042.html