Hé lộ phương án đầu tư trục giao thông đô thị TP.HCM – Long An – Tiền Giang
Trục giao thông đô thị TP.HCM – Long An – Tiền Giang kết nối TP.HCM với vùng Đồng bằng sông Cửu Long, được quy hoạch là Quốc lộ 50B có chiều dài khoảng 55 km, quy mô là đường cấp III, 6 làn xe.
Bản đồ hướng tuyến trục giao thông đô thị TP.HCM – Long An – Tiền Giang. |
Bộ GTVT vừa có văn bản gửi UBND các tỉnh: Tiền Giang, Long An, TP.HCM đề nghị tham gia ý kiến dự thảo báo cáo Thủ tướng Chính phủ phương án đầu tư Dự án trục giao thông đô thị TP.HCM – Long An – Tiền Giang.
Cụ thể, Bộ GTVT đề nghị UBND các tỉnh: Tiền Giang, Long An và TP.HCM tham gia ý kiến về nội dung dự thảo đề xuất phương án triển khai đầu tư Dự án gửi về Bộ GTVT trước ngày 12/9/2024 để phối hợp, hoàn thiện phương án đầu tư trước khi báo cáo Thủ tướng.
Trước đó, tại Thông báo số 163/TB-VPCP ngày 15/4/2024 của Văn phòng Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã giao Bộ GTVT chủ trì, phối hợp với UBND các tỉnh: Tiền Giang, Long An và TP.HCM thống nhất phương án triển khai Dự án trục giao thông đô thị TP.HCM – Long An – Tiền Giang. Trên cơ sở đó, giao Bộ Kế hoạch và Đầu tư chủ trì, phối hợp với các Bộ: Tài chính, GTVT và các Bộ, cơ quan liên quan nghiên cứu, xem xét việc hỗ trợ vốn đầu tư Dự án theo quy định, báo cáo cấp có thẩm quyền xem xét, quyết định trong quý II/2024.
Tại dự thảo báo cáo Thủ tướng, Bộ GTVT cho biết là thống nhất về sự cần thiết đầu tư Dự án như đề xuất với UBND các tỉnh: Tiền Giang, Long An và TP.HCM và sẽ phối hợp chặt chẽ trong quá trình triển khai tiếp theo.
Đối với đoạn tuyến qua địa phận TP.HCM, Bộ GTVT đề xuất giao UBND TP.HCM chủ trì nghiên cứu, hoàn chỉnh các thủ tục có liên quan để triển khai đầu tư ngay sau khi đồ án Quy hoạch TP.HCM thời kỳ 2021 – 2030, tầm nhìn đến năm 2050 và đồ án điều chỉnh Quy hoạch chung TP.HCM đến năm 2040, tầm nhìn đến năm 2060 được phê duyệt.
Đối với đoạn tuyến qua địa phận các tỉnh Long An, Tiền Giang, Bộ GTVT kiến nghị giao UBND các tỉnh Long An, Tiền Giang chủ trì nghiên cứu chi tiết các phương án đầu tư; phân tích, lựa chọn hình thức đầu tư cho phù hợp; làm rõ về nguồn vốn và cơ cấu nguồn vốn bố trí cho dự án để tổ chức lập, trình cấp có thẩm quyền xem xét phê duyệt chủ trương đầu tư các dự án theo quy định.
Trường hợp cần thiết hỗ trợ từ ngân sách Trung ương, đề nghị hoàn chỉnh hồ sơ báo cáo các Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Tài chính để tổng hợp, trình cấp có thẩm quyền xem xét, quyết định.
Được biết, trục giao thông đô thị TP.HCM – Long An – Tiền Giang là tuyến đường kết nối TP.HCMvới vùng đồng bằng sông Cửu Long, kết nối liên tỉnh, được hoạch định đi qua các trung tâm kinh tế – xã hội, đầu mối vận tải lớn, các khu công nghiệp, thúc đẩy giao lưu thương mại và tạo điều kiện phát triển cho các địa phương trong khu vực.
Tuyến đi trùng và được quy hoạch là Quốc lộ 50B có chiều dài khoảng 55 km, quy mô là đường cấp III, 6 làn xe.
Từ năm 2018, các địa phương có tuyến đi qua đã chủ động trao đổi, thống nhất để huy động nguồn vốn đầu tư Dự án trục giao thông đô thị TP.HCM – Long An – Tiền Giang và đã đề xuất nhiều hình thức đầu tư như kêu gọi đầu tư theo hình thức PPP, loại hợp đồng BT; kiến nghị đầu tư bằng ngân sách địa phương, hỗ trợ từ ngân sách trung ương và lập Báo cáo nghiên cứu tiền khả thi theo hình thức PPP.
Tuy nhiên, đến nay mới chỉ có 3 cầu lớn và khoảng 10,8 km đường dẫn thuộc địa phận tỉnh Long An đã xác định được hình thức đầu tư.
Do vậy, việc triển khai nghiên cứu tổng thể để làm cơ sở đề xuất phương án đầu tư trục giao thông đô thị TP.HCM – Long An – Tiền Giang cho phù hợp, tạo điều kiện thuận lợi cho quá trình triển khai tiếp theo là hết sức cần thiết.
Liên quan đến quy mô, tiêu chuẩn kỹ thuật chủ yếu, dự thảo báo cáo của Bộ GTVT cho biết là để bảo đảm tính thống nhất trên toàn tuyến với dự án 3 cầu trên ĐT.827E (cầu bắc qua sông Cần Giuộc, sông Vàm cỏ Đông, sông Vàm cỏ Tây) sử dụng vốn vay ODA Hàn Quốc đã được Thủ tướng phê duyệt đề xuất dự án và đề xuất của các địa phương, kiến nghị xem xét đầu tư với 2 loại mặt cắt ngang bảo đảm quy mô 6 làn xe.
Theo đó, đoạn qua khu vực đô thị theo tiêu chuẩn đường trục chính đô thị có bề rộng nền đường 40m, mặt đường rộng 22,5m; đoạn tuyến thông thường theo tiêu chuẩn đường cấp III có bề rộng nền đường 30,5m, mặt đường rộng 22,5m.
Đối với các đoạn tuyến có quy hoạch của địa phương lớn hơn quy mô nêu trên, Bộ GTVT đề nghị các địa phương chủ động thực hiện theo quy định tại Quyết định số 1454/QĐ-TTg ngày 1/9/2021 của Thủ tướng Chính phủ (đối với các tuyến đi qua khu vực quy hoạch tỉnh có quy mô lớn hơn, để bảo đảm tính đồng bộ giữa các quy hoạch, nguồn vốn ngân sách trung ương đầu tư theo quy hoạch này, nguồn vốn ngân sách địa phương đầu tư phần mở rộng theo quy hoạch của địa phương).
Sơ bộ tổng mức đầu tư toàn tuyến Dự án trục giao thông đô thị TP.HCM – Long An – Tiền Giang khoảng 25.203 tỷ đồng, đã xác định được nguồn vốn 7.837,718 tỷ đồng, cần tiếp tục cân đối khoảng 17.365 tỷ đồng.
Trong đó, đoạn qua địa phận TP.HCM dài 5,8 km, sơ bộ tổng mức đầu tư khoảng 5.475 tỷ đồng, trong đó chi phí giải phóng mặt bằng khoảng 2.755 tỷ đồng; chi phí triển khai thực hiện khoảng 2.721 tỷ đồng.
Đoạn qua địa phận tỉnh Long An dài 35,6 km, sơ bộ tổng mức đầu tư khoảng 12.557 tỷ đồng, trong đó đã cân đối được 4.797,718 tỷ đồng để đầu tư Dự án 3 cầu trên ĐT.827E từ nguồn vốn vay ODA Hàn Quốc; đã cân đối được 3.040 tỷ đồng để đầu tư 10,58 km đường dẫn và thực hiện công tác giải phóng mặt bằng 3 cầu và đường dẫn từ nguồn vốn ngân sách tỉnh Long An; chưa cân đối được khoảng 4.719 tỷ đồng cho đầu tư 19,4 km còn lại, trong đó chi phí giải phóng mặt bằng khoảng 1.923 tỷ đồng; chi phí triển khai thực hiện khoảng 2.796 tỷ đồng.
Đoạn qua địa phận tỉnh Tiền Giang dài 14 km, sơ bộ tổng mức đầu tư khoảng 7.170 tỷ đồng, trong đó chi phí giải phóng mặt bằng khoảng 3.105 tỷ đồng; chi phí triển khai thực hiện phần tuyến chính khoảng 2.168 tỷ đồng; chi phí triển khai thực hiện phần đường song hành khoảng 1.898 tỷ đồng.