Nói đến nghề truyền thống ở Long An, không thể không nhắc đến nghề chế tác kim hoàn ở xã Thuận Thành, huyện Cần Giuộc, tỉnh Long An. Gần 100 năm qua, nghề đã được người dân Thuận Thành trao truyền, gìn giữ từ thế hệ này sang thế hệ khác.
Để hoàn thành một sợi dây chuyền bạc, cần nhiều công đoạn
Trong căn nhà nhỏ của mình, Tổ trưởng Tổ Liên kết chế tác kim hoàn xã Thuận Thành – Đặng Hùng Sơn dành 2 góc cho công việc, nơi ông, vợ và con trai thay phiên nhau chế tác kim hoàn. Mỗi góc làm việc là nơi thực hiện một công đoạn trong quá trình chế tác dây chuyền bạc. Ông Sơn kể: “Để làm xong một sợi dây chuyền cần nhiều công đoạn. Bắt đầu từ việc uốn từng mắt xích đến đánh bóng và hoàn chỉnh sản phẩm là cả quá trình dài. Thường thì chúng tôi chia ra mỗi người một công đoạn. Nhà tôi có 3 người cùng vài hàng xóm đem hàng về nhà làm, tổng cộng khoảng 6 người làm với nhau”.
Ông Sơn bắt đầu làm nghề chế tác kim hoàn từ khi mới 20 tuổi, đến nay đã gần 50 năm. Ông có 3 người con thì 2 người theo nghề của gia đình. Một người con làm cùng ông tại nhà, người con còn lại làm tại TP.HCM. Ông Sơn kể, người trẻ trong các gia đình làm nghề chế tác kim hoàn ở Thuận Tây 1 khi ra ngoài làm nghề kim hoàn hầu hết đều được trọng dụng và ưu ái. Vì vậy, ông rất vui khi con mình ổn định và phát triển nhờ nối nghiệp gia đình.
Nghề chế tác kim hoàn có mặt ở ấp Thuận Tây 1, xã Thuận Thành, huyện Cần Giuộc đến nay gần 100 năm. Theo lời kể của những người lớn tuổi theo nghề ở địa phương, người đầu tiên đưa nghề chế tác kim hoàn về Thuận Tây 1 là ông Đoàn Văn Trân. Ngày đó, ông từ làng Thuận Tây lên Chợ Lớn học nghề, sau đó trở về làng hướng dẫn lại cho người thân, hàng xóm. “Người làm trước chỉ người làm sau, hàng xóm, anh em chỉ bảo nhau, rồi từ từ ở đây có cả trăm hộ làm nghề thợ bạc, nối tiếp từ thế hệ này sang thế hệ khác” – ông Đặng Hùng Sơn chia sẻ.
Trước đây, người làm nghề chế tác kim hoàn thường làm nhiều loại sản phẩm từ vàng, đồng, bạc,… và hầu hết đều làm theo đơn hàng của đầu mối thu mua lớn để phân phối trong nước và xuất khẩu. Các sản phẩm làm ra đều có mẫu mã, kiểu dáng độc đáo, chất lượng cao nên được khách hàng đón nhận và ưa chuộng. Tên tuổi của vùng làm nghề bạc tại Thuận Thành, Cần Giuộc ngày một vang xa.
Ông Đặng Hùng Sơn kiểm tra thành phẩm trước khi đóng gói
Đến nay, toàn ấp Thuận Tây 1 còn trên 70 hộ gia đình làm nghề chế tác kim hoàn. Dù vẫn mang lại nguồn thu nhập khá ổn định nhưng nghề không còn là lựa chọn được ưu tiên của người trẻ ở Thuận Thành nói chung và ấp Thuận Tây 1 nói riêng, bởi phải có lòng đam mê, kiên trì và kinh nghiệm thì mới có thể theo và giữ nghề một cách bền bỉ. Ông Đặng Hùng Sơn chia sẻ: “Giờ đây, nghề chế tác kim hoàn thường được lựa chọn để những người làm nội trợ có thu nhập tăng thêm khi rảnh rỗi. Tuy nhiên, tôi thấy vẫn có nhiều người trẻ chọn nối nghiệp gia đình, như con tôi chẳng hạn. Các em, các cháu vừa tiếp nối, vừa sáng tạo, ứng dụng cái mới vào quá trình chế tác sẽ giúp sản phẩm bền, đẹp và chất lượng cao hơn”.
Việc kết hợp máy móc vào quá trình chế tác, “chuyên môn hóa” các công đoạn sản xuất góp phần nâng cao chất lượng, sản lượng sản phẩm làm ra, tăng thêm thu nhập cho người làm nghề. Các thiết bị hiện đại như lò nấu, máy kéo sợi, máy cán, máy mài, máy bơm sáp,… được người làm nghề đầu tư nhằm giảm công lao động, chi phí sản xuất; đồng thời, đáp ứng yêu cầu ngày càng cao của thị trường. Mặc dù ứng dụng máy móc vào quá trình sản xuất nhưng vẫn có nhiều công đoạn đòi hỏi sự khéo léo của người thợ mới có được sản phẩm hoàn thiện, giữ được bản sắc riêng.
Gần 100 năm qua, nghề chế tác kim hoàn ở Thuận Thành được gìn giữ bằng cách “cha truyền, con nối”, trở thành một nét đặc trưng về văn hóa tại địa phương. Năm 2020, nghề chế tác kim hoàn được công nhận là nghề truyền thống. Đó là một dấu mốc quan trọng nhằm ghi nhận sự nỗ lực, tâm huyết của người làm nghề trong hành trình gìn giữ và tiếp nối./.
Mộc Châu