Là “cửa ngõ” kết nối TP. Hồ Chí Minh với các tỉnh vùng Tây Nam Bộ, với ưu thế vị trí chiến lược cộng với nguồn tài nguyên đa dạng, Long An đang nổi lên là một điểm đến hấp dẫn, thân thiện với các nhà đầu tư quốc tế.
Hội nghị công bố quy hoạch và xúc tiến đầu tư tỉnh Long An, ngày 25/7/2023. (Nguồn: Báo Long An) |
Long An là địa phương có vị trí địa lý thuận lợi, cửa ngõ kết nối giữa Đông Nam Bộ với khu vực Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL). Không chỉ có hai tuyến đường cao tốc huyết mạch của khu vực phía Nam là cao tốc TP. Hồ Chí Minh – Trung Lương và cao tốc Bến Lức – Long Thành đi qua, tỉnh Long An còn có biên giới dài khoảng 134 km với Campuchia, có cửa khẩu quốc tế, có Cảng biển quốc tế, nhất là tiếp giáp TP. Hồ Chí Minh – trung tâm kinh tế lớn của cả nước. Đây là những điều kiện thuận lợi để đẩy mạnh phát triển công nghiệp, đô thị và xuất khẩu nông sản.
Hướng đến mục tiêu “thủ phủ” công nghiệp của ĐBSCL
Long An hội tụ nhiều tiềm năng, thế mạnh về phát triển, với kết cấu hạ tầng kinh tế xã hội (KTXH) của tỉnh và trong khu vực được từng bước đầu tư hoàn thiện, nhất là giao thông đường bộ, đường thuỷ, thúc đẩy kết nối vùng, liên vùng, tạo thuận lợi thu hút đầu tư; phát triển công nghiệp, nông nghiệp, du lịch, dịch vụ, logistics (Long An có quy mô kinh tế đứng đầu vùng ĐBSCL và đứng thứ 12/63 cả nước); là điểm sáng về thu hút đầu tư FDI; có nền tảng công nghiệp phát triển với chủ lực là ngành chế biến, chế tạo (chiếm tỷ trọng trên 90%); có cộng đồng doanh nghiệp lớn (trên 16.000 doanh nghiệp); có tiềm năng lớn về phát triển du lịch; có lợi thế so sánh phát triển các ngành dịch vụ, nhất là logistics, và hình thành trung tâm điều phối xuất khẩu nông sản của vùng.
Phát huy vị trí địa lý đắc địa, thời gian qua, Long An đã thực hiện chiến lược hành động xúc tiến đầu tư theo hướng khai thác hiệu quả và đồng bộ các lợi thế, tiềm năng vượt trội của tỉnh. Nỗ lực thực hiện vai trò và trách nhiệm là thành viên năng động tích cực của vùng, Long An luôn duy trì vị trí nằm trong nhóm đầu cả nước và đứng đầu vùng ĐBSCL về thu hút đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI).
Trong 10 tháng đầu năm 2023, Long An đã cấp giấy chứng nhận đầu tư cho 95 dự án FDI (tăng 47 dự án), vốn đầu tư cấp mới 556,6 triệu USD (tăng 235,2 triệu USD); điều chỉnh vốn cho 60 dự án, với vốn đầu tư tăng là 91,2 triệu USD. Hầu hết các dự án FDI đều được khuyến khích tiếp nhận vào các khu công nghiệp (KCN) của tỉnh và phần lớn đến từ Hàn Quốc, Nhật Bản, Singapore chiếm tỷ trọng vốn đầu tư cao. Lũy kế đến nay, Long An đã tiếp nhận 1.228 dự án FDI, với tổng vốn hơn 10,5 tỷ USD.
Hiện nay, Long An đã có 34 KCN và 44 cụm công nghiệp (CCN) được thành lập, tổng diện tích là 11.432 ha; trong đó, có 26 KCN đang hoạt động với khoảng 6.000 ha, tỷ lệ lấp đầy khoảng 66% và 17 CCN với khoảng 1.000 ha có tỷ lệ lấp đầy khoảng 83%. Trong giai đoạn từ nay đến năm 2030, sẽ thành lập thêm 17 KCN và 28 CCN với tổng diện tích khoảng 4.989 ha.
Việc thu hút số lượng đáng kể các dự án đầu tư FDI cho thấy Long An đang phát huy tốt lợi thế về hạ tầng giao thông chiến lược và mạng lưới KCN dày đặc của mình. Định hướng tập trung phát triển, mở rộng các KCN giúp tỉnh từng bước tiến gần hơn đến mục tiêu trở thành “thủ phủ” công nghiệp của khu vực ĐBSCL và cả nước.
Công viên 7 kỳ quan thế giới tại huyện Đức Hòa, tỉnh Long An. (Nguồn: TTXVN) |
Luôn mở rộng cửa chào đón nhà đầu tư
Xác định đổi mới hoạt động xúc tiến, kêu gọi đầu tư là một trong những bước đột phá quan trọng để tiếp cận và thu hút thành công nguồn vốn đầu tư trong và ngoài nước, góp phần thực hiện thắng lợi mục tiêu phát triển kinh tế – xã hội của tỉnh. Thời gian qua tỉnh luôn cải tiến, sáng tạo chủ động thay đổi các phương thức xúc tiến đầu tư linh hoạt, phù hợp với tình hình thực tế nhằm thích ứng với xu hướng chuyển dịch của làn sóng đầu tư trên thế giới. Bên cạnh việc tiếp tục duy trì thị trường và các đối tác truyền thống, tỉnh cũng đã đẩy mạnh mở rộng các hoạt động xúc tiến đầu tư đối với các thị trường mới, đầy tiềm năng như: Hoa Kỳ, Singapore, các quốc gia châu Âu… để đa dạng hóa nguồn vốn đầu tư vào tỉnh.
Nhằm tiếp cận và kêu gọi các nhà đầu tư lớn từ các quốc gia trọng điểm, tỉnh đã tổ chức thành công các đoàn công tác xúc tiến đầu tư tại Hàn Quốc, Nhật Bản, Đài Loan (Trung Quốc). Qua các chuyến công tác, bước đầu đã mang lại những kết quả tích cực, hàng loạt các tập đoàn, nhà đầu tư lớn đã đến tìm hiểu và đầu tư tại tỉnh. Ngoài ra, trong các chuyến đi xúc tiến đầu tư, tỉnh Long An đã kết nối, ký kết khoảng 20 văn kiện ghi nhớ, hợp đồng hợp tác giữa các doanh nghiệp của tỉnh với doanh nghiệp các nước.
Tại Hội nghị công bố Quy hoạch và Xúc tiến đầu tư của tỉnh Long An vào tháng 7/2023, tỉnh đã công bố rộng rãi các nội dung của Quy hoạch thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050.Dịp này, lãnh đạo tỉnh Long An đã trao quyết định chủ trương đầu tư, giấy chứng nhận đăng ký đầu tư cho 9 nhà đầu tư với 9 dự án, tổng vốn đăng ký khoảng 40.400 tỷ đồng (tương đương 1.720 triệu USD). Ngoài ra, tỉnh cũng ký Biên bản ghi nhớ nghiên cứu đầu tư với 10 nhà đầu tư trong các lĩnh vực hạ tầng, công nghiệp, đô thị, môi trường, khu phức hợp vui chơi giải trí, nhà ở xã hội, nông nghiệp công nghệ cao.
Quy hoạch tỉnh xác định rõ mục tiêu đến năm 2030, Long An sẽ trở thành trung tâm phát triển kinh tế năng động, hiệu quả, bền vững. Hình thành các hành lang kinh tế vùng, trung tâm phát triển kinh tế – đô thị – công nghiệp. Kết nối chặt chẽ với TP. Hồ Chí Minh và vùng Đông Nam Bộ, đầu mối hợp tác, giao thương quan trọng với Campuchia.
Các ngành, lĩnh vực ưu tiên thu hút đầu tư phải phù hợp với xu hướng phát triển chung, có thể tham gia vào chuỗi giá trị toàn cầu và khai thác hiệu quả các lợi thế của tỉnh như lĩnh vực công nghiệp công nghệ cao, đô thị thông minh, hạ tầng thương mại dịch vụ hiện đại. Thời gian tới đây, Long An tập trung mời gọi các nhà đầu tư quốc tế đến tìm hiểu, nghiên cứu đầu tư ở các lĩnh vực như linh kiện điện tử, chip bán dẫn, công nghiệp chế tạo, y tế, nông nghiệp công nghệ cao…
Với “Khát vọng vươn lên”, tỉnh Long An cam kết, sẽ luôn mở rộng cửa để chào đón và đồng hành với các nhà đầu tư trong nước và quốc tế. Quan điểm của tỉnh là luôn xem “người dân và doanh nghiệp là chủ thể, là trung tâm phục vụ; doanh nghiệp là động lực, nguồn lực cho quá trình phát triển”. Các nhà đầu tư, doanh nghiệp sẽ được tạo mọi điều kiện thuận lợi nhất, để thực hiện thành công dự án và phát triển bền vững tại tỉnh Long An.