Cột mốc khởi đầu
Phó Cục trưởng Cục Trồng trọt (Bộ Nông nghiệp và PTNT) Lê Thanh Tùng cho biết, thế giới ngày càng quan tâm đến giá trị hạt gạo nhiều hơn. Giá trị đó không chỉ nằm ở kỹ thuật canh tác mà còn là trách nhiệm của người sản xuất.
Đề án Phát triển bền vững 1 triệu hécta chuyên canh lúa chất lượng cao, phát thải thấp gắn với tăng trưởng xanh Vùng ĐBSCL đến năm 2030, ngoài mục tiêu tổ chức lại sản xuất lúa của toàn vùng còn tạo ra một môi trường sản xuất lúa bền vững, tạo thói quen sản xuất lúa có trách nhiệm với môi trường cho nông dân qua việc giảm sử dụng phân bón, thuốc, tạo ra sản phẩm chất lượng đáp ứng nhu cầu thị trường.
“Đề án có ý nghĩa quan trọng không chỉ đối với nông dân ĐBSCL mà còn là quyết tâm xây dựng nền nông nghiệp bền vững của quốc gia. Vì vậy, các chủ thể thực hiện cần nhận thức rõ vấn đề này để cùng hành động cho đúng. Điều cốt yếu để dẫn đến sự thành công của Đề án là nông dân phải tham gia vào HTX. Đây là phương án lâu dài, duy nhất để có thể tổ chức được sản xuất lúa. Việc tham gia HTX với diện tích đủ lớn sẽ kèm theo đầu tư các yếu tố hạ tầng, giao thông, các điều kiện để giảm chi phí sản xuất trên quy mô rộng lớn” – ông Lê Thanh Tùng cho biết thêm.
Theo Giám đốc Sở Nông nghiệp và PTNT tỉnh Long An Nguyễn Thanh Truyền, việc khởi động Đề án được xem là cột mốc bắt đầu cho quyết tâm hành động của nông dân, doanh nghiệp, HTX trong việc cùng nhau xây dựng chuỗi ngành hàng lúa gạo theo hướng bền vững. Nếu làm tốt các giải pháp trong Đề án, không chỉ giúp gia tăng giá trị hạt gạo mà còn tạo ra môi trường sản xuất lúa gạo bền vững cho việc sản xuất lúa gạo của các thế hệ sau này.
Thông tin từ Chi cục Trồng trọt, Bảo vệ thực vật và Quản lý chất lượng nông sản tỉnh, hiện nay, ngành Nông nghiệp tỉnh chuẩn bị sẵn sàng các điều kiện để thực hiện Đề án trên địa bàn tỉnh. Theo kế hoạch thực hiện Đề án, đến năm 2030, trên địa bàn tỉnh hình thành 125.000ha vùng chuyên canh lúa chất lượng cao và phát thải thấp gắn với tổ chức lại hệ thống sản xuất theo chuỗi giá trị, áp dụng các quy trình canh tác bền vững nhằm gia tăng giá trị, phát triển bền vững của ngành lúa gạo, nâng cao hiệu quả sản xuất, kinh doanh, thu nhập và đời sống của người trồng lúa, bảo vệ môi trường, thích ứng với biến đổi khí hậu và giảm phát thải khí nhà kính, góp phần thực hiện các cam kết quốc tế của Việt Nam.
Cụ thể, Đề án được triển khai tại 7 huyện của tỉnh: Tân Hưng, Vĩnh Hưng, Mộc Hóa, Tân Thạnh, Thạnh Hóa, Đức Huệ, Thủ Thừa và thị xã Kiến Tường. Đề án triển khai theo 2 giai đoạn. Giai đoạn 1 (năm 2024-2025) tập trung củng cố các diện tích đã có của Dự án chuyển đổi Nông nghiệp bền vững tại Việt Nam (VnSAT) trên địa bàn tỉnh là 60.000ha. Giai đoạn 2 (năm 2026-2030), xác định cụ thể khu vực trọng tâm để lập dự án đầu tư phát triển vùng lúa chuyên canh chất lượng cao giảm phát thải mới ngoài vùng Dự án VnSAT và sẽ mở rộng thêm 65.000ha để hướng tới mục tiêu 125.000ha chuyên canh lúa chất lượng cao và phát thải thấp trên địa bàn tỉnh.
Cùng quyết tâm triển khai, thực hiện
Huyện Tân Hưng có diện tích canh tác lúa hàng năm hơn 36.500ha với sản lượng hơn 510.000 tấn. Tham gia Đề án, huyện hướng đến mục tiêu có 15.000ha lúa chuyên canh chất lượng cao và phát thải thấp vào năm 2025 và có 31.310ha lúa chuyên canh chất lượng cao và phát thải thấp vào năm 2030.
Phó Trưởng phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Tân Hưng – Phan Văn Nỉ thông tin: Căn cứ vào những tiêu chí lựa chọn vùng tham gia Đề án như có diện tích liền mảnh tối thiểu 50ha; có hơn 20% diện tích canh tác lúa đã áp dụng một trong các quy trình canh tác lúa bền vững; hơn 70% diện tích canh tác lúa đã sử dụng giống lúa xác nhận hoặc tương đương; 100% hộ cam kết thu gom rơm khỏi đồng ruộng để chế biến tái sử dụng; hơn 30% diện tích đã liên kết với doanh nghiệp; hơn 40% hộ trong vùng đã được tập huấn quy trình canh tác lúa bền vững;… huyện chọn HTX Nông nghiệp Gò Gòn (xã Hưng Thạnh, huyện Tân Hưng) làm điểm để triển khai, thực hiện.
Giám đốc HTX Nông nghiệp Gò Gòn – Trương Hữu Trí chia sẻ, việc áp dụng các tiến bộ khoa học – kỹ thuật trên đồng ruộng từ lâu đã được HTX triển khai hiệu quả và được sự đồng tình, ủng hộ của người dân. Với các kinh nghiệm hiện có cùng sự quyết tâm cao của thành viên, HTX quyết tâm thực hiện hiệu quả Đề án.
Ông Nguyễn Thanh Truyền cho biết: “Mục tiêu quan trọng của Đề án là tổ chức lại sản xuất lúa theo hướng bền vững, hình thành các vùng trọng điểm sản xuất lúa hàng hóa quy mô lớn có sự đầu tư bài bản và liên kết chuỗi giá trị, từ đó nâng cao giá trị hạt gạo, tăng thu nhập nhiều hơn cho nông dân trồng lúa. Đồng thời, Đề án còn nhằm mục tiêu giảm phát thải khí nhà kính, thân thiện với môi trường, gắn với tăng trưởng xanh.
Để triển khai hiệu quả Đề án, ngành Nông nghiệp tỉnh yêu cầu các địa phương căn cứ tiêu chí của Đề án, xác định các vùng đạt tiêu chí, đăng ký và xây dựng kế hoạch thực hiện; bố trí kinh phí hoàn thiện các điều kiện ban đầu để triển khai Đề án trong năm 2024 và những năm tiếp theo. Ngoài ra, các địa phương cũng cần chủ động tham mưu, đề xuất ban hành cơ chế, chính sách để thu hút đầu tư của các doanh nghiệp và hỗ trợ các HTX tham gia Đề án, hướng đến phát triển chuỗi giá trị sản xuất lúa bền vững”.
Có thể nói, việc khởi động Đề án trên địa bàn tỉnh được xem là bước khởi đầu cho việc sản xuất lúa theo hướng bền vững. Để thực hiện thành công còn rất nhiều việc cần làm, nhưng với sự hưởng ứng, quyết tâm của địa phương, người dân, doanh nghiệp trong những bước khởi đầu triển khai, tin rằng, Đề án sẽ đạt hiệu quả, phát huy được các mục đích, ý nghĩa đã đề ra.
Nguồn: https://danviet.vn/long-an-khoi-dong-de-an-trong-lua-chat-luong-cao-phan-dau-den-nam-2023-co-125000ha-vung-trong-lua-phat-thai-thap-20240702105501647.htm