Mục tiêu giai đoạn 2023-2025, tỉnh sẽ đào tạo nghề cho 6.180 lao động nông thôn làm nông nghiệp. Ảnh minh họa
Xuất phát từ thực tiễn và yêu cầu sản xuất nông sản hiện nay, kế hoạch đào tạo nghề nông nghiệp cho lao động nông thôn giai đoạn 2023-2025 được UBND tỉnh Long An vừa ban hành sẽ chú trọng đổi mới, nâng cao chất lượng đào tạo nghề cho lao động nông thôn nhằm đáp ứng nhu cầu phát triển sản xuất nông nghiệp hàng hóa, quy mô lớn thực hiện quá trình tái cơ cấu lại ngành nông nghiệp và xây dựng nông thôn mới.
Tỉnh tập trung đào tạo nghề phục vụ cho phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, cơ giới hóa đồng bộ, chế biến, liên kết sản xuất theo chuỗi giá trị, chứng nhận an toàn.
Chú trọng đào tạo nghề về quản trị trang trại, doanh nghiệp, hợp tác xã và các dịch vụ phục vụ sản xuất, kinh doanh nông nghiệp; đào tạo du lịch nông nghiệp, nông thôn, sản phẩm OCOP.
Công tác đào tạo nghề nông nghiệp của tỉnh cũng quan tâm đào tạo nhân lực chất lượng cao phục vụ sản xuất nông nghiệp thông minh, nông nghiệp sinh thái, hữu cơ.
Mục tiêu giai đoạn 2023-2025, tỉnh sẽ đào tạo nghề cho 6.180 lao động nông thôn làm nông nghiệp, trong đó tập trung đào tạo để nâng cao tỷ lệ lao động qua đào tạo có chứng chỉ. Cụ thể, tỉnh sẽ đào tạo nghề nông nghiệp thường xuyên cho 5.010 lao động nông thôn; đào tạo nghề trồng cây ăn quả vùng nguyên liệu Đồng Tháp Mười cho 540 người; đào tạo nghề cho vùng nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao cho 540 người; đào tạo nghề “giám đốc hợp tác xã nông nghiệp” cho 90 người.
Bên cạnh đó, tỉnh tập huấn, đào tạo phục vụ vùng nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, du lịch nông nghiệp, nông thôn, OCOP cho 900 người.
Nguồn kinh phí thực hiện các chỉ tiêu và hoạt động đào tạo nghề nông nghiệp cho lao động nông thôn giai đoạn 2023-2025 là 6.792 triệu đồng.
Tỉnh giao cho Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn chủ trì, phối hợp các sở, ngành và các địa phương triển khai, thực hiện kế hoạch đào tạo nghề nông nghiệp cho lao động nông thôn./.
Tấn Lộc