Ngành chăn nuôi heo gồng lỗ suốt thời gian dài
Hiệp hội Chăn nuôi Đồng Nai vừa có văn bản hỏa tốc gửi Thủ tướng Chính phủ về việc ngăn chặn, phát hiện và xử lý nghiêm các trường hợp buôn bán, vận chuyển trái phép heo qua biên giới vào Việt Nam. PV Báo Lao Động phỏng vấn ông Nguyễn Trí Công – Chủ tịch Hiệp hội Chăn nuôi Đồng Nai về lý do kiến nghị này.
Thưa ông! Vì sao Hiệp hội Chăn nuôi Đồng Nai phải có kiến nghị hỏa tốc gửi tới Thủ tướng Chính phủ?
– Thực ra, với vai trò của Hiệp hội Chăn nuôi Đồng Nai (Hiệp hội), chúng tôi cũng đã có nhiều kiến nghị để gỡ khó cho ngành chăn nuôi.
Vào đầu năm 2023, chúng tôi đã gửi tâm thư đến lãnh đạo Ngân hàng Nhà nước, đề đạt nguyện vọng gỡ khó cho người chăn nuôi do giá nguyên liệu thức ăn chăn nuôi tăng, giá bán heo dưới giá thành sản xuất, dịch tả heo châu Phi…
Còn vừa mới đây, chúng tôi có văn hỏa tốc gửi Thủ tướng Chính phủ về việc ngăn chặn, phát hiện và xử lý nghiêm các trường hợp buôn bán, vận chuyển trái phép heo qua biên giới vào Việt Nam, do đây là vấn đề không còn nằm trong phạm vi một tỉnh nữa mà là vấn đề toàn quốc và rất cấp thiết.
Hiệp hội nhìn thấy việc cần thiết phải làm nên đã đưa ra kiến nghị nhằm bảo vệ người chăn nuôi ở Đồng Nai và cả nước.
Bằng nhiều nguồn tin Hiệp hội nắm được, do đang vào thời điểm Tết Nguyên đán Giáp Thìn, nhu cầu tiêu thụ trong nước tăng, nên tình trạng heo nhập lậu tiếp tục tăng đột biến: Trong các tuần từ ngày 1-15.1.2024, trung bình mỗi đêm có khoảng 6.000 – 7.000 con heo từ Campuchia nhập lậu vào Việt Nam thông qua một số cửa khẩu ở các tỉnh miền Đông Nam bộ và biên giới Tây Nam. Theo tính toán, số lượng heo nhập lậu đang chiếm khoảng 30% sản lượng chăn nuôi trong nước bán ra mỗi ngày.
Theo Hiệp hội, tình trạng heo nhập lậu ảnh hưởng như thế nào tới người chăn nuôi heo của Đồng Nai cũng như người tiêu dùng trong nước?
– Với giá bán chỉ dao động trên dưới 50.000 đồng/kg heo hơi, lợi nhuận heo nhập lậu đang khiến người chăn nuôi trong nước gặp vô vàn khó khăn, phải bán dưới giá thành sản xuất.
Người chăn nuôi còn sợ, nếu heo nhập lậu không được kiểm soát sẽ gây nguy cơ lây lan dịch bệnh. Còn trong nước, khi chúng ta xuất heo đều có sự kiểm soát chặt chẽ của cơ quan thú y, heo được chích ngừa và có nguồn gốc xuất xứ rõ ràng.
Ngoài ra, heo nhập lậu khó kiểm soát chất lượng sẽ làm ảnh hưởng tới người tiêu dùng. Trong tương lai, sự cạnh tranh của heo nhập lậu sẽ ảnh hưởng nghiêm trọng đến tổng đàn heo, thiếu hụt nguồn cung trong nước.
Chờ cú hích về giá từ Tết Nguyên đán để có vốn tái sản xuất
Ông có thể nói rõ hơn khó khăn của ngành chăn nuôi heo ở Đồng Nai hiện nay đang gặp phải?
– Trong suốt thời gian vừa qua, ngành chăn nuôi trong nước chịu rất nhiều áp lực từ dịch bệnh… Sản xuất dưới giá thành bị lỗ, thậm chí, nhiều trang trại hoặc hộ chăn nuôi phải giảm đàn hoặc ngưng sản xuất, nhưng vẫn nỗ lực vượt khó khăn đóng góp, cung ứng rất nhiều sản phẩm thực phẩm an toàn cho xã hội, tạo công ăn việc làm cho người nông dân, góp phần vào an sinh xã hội và thực phẩm thiết yếu.
Vấn đề hiện nay là giá cả! Suốt một thời gian dài, người chăn nuôi phải bán heo dưới giá thành sản xuất. Cụ thể, giá thành chăn nuôi heo từ trước đến nay khoảng 55.000 đồng/kg heo hơi, nhưng trong suốt một thời gian dài chỉ dao động ở mức 48.000 đồng-50.000 đồng/kg heo hơi. Như vậy, nuôi một con heo, người nông dân đang gồng lỗ 5.000 đồng-7.000 đồng/kg heo hơi.
Trong tình hình hiện nay, với ngành chăn nuôi, sản xuất dưới giá thành liên tục, sức mua thấp cộng với tình hình heo nhập lậu sẽ “đánh gục” ngành chăn nuôi rất nhanh.
Hiện nay, người chăn nuôi cũng rất khó vay tiền ngân hàng để gồng gánh tiếp do muốn vay được tiền thì phải có tài sản thế chấp, phải có yếu tố kinh doanh có lãi…
Do đó, Hiệp hội mong muốn tình trạng heo nhập lậu phải được kiểm soát chặt chẽ, tạo nguồn cung trong nước có thực phẩm sạch, an toàn.
Người chăn nuôi mong chờ cú hích về giá cả từ dịp Tết Nguyên đán 2024 ra sao, thưa ông?
– Những ngày gần đây, giá heo hơi trung bình đã có dấu hiệu tăng từ 52.000 đồng-53.000 đồng/kg heo hơi, nhưng vẫn lỗ vì còn ở mức dưới giá thành sản xuất. Do đó, dịp Tết Nguyên đán 2024 này, người chăn nuôi Đồng Nai kỳ vọng giá heo hơi có thể đạt 60.000 đồng/kg heo hơi để người chăn nuôi có thêm một chút vốn liếng để tái tạo sản xuất. Mức giá 60.000 đồng/kg heo hơi là mức chấp nhận được ở thị trường hiện nay dù những năm trước có thể lên tới 85.000 đồng/kg heo hơi.
Đồng Nai là thủ phủ chăn nuôi của cả nước
Tỉnh Đồng Nai hiện có 1.457 cơ sở chăn nuôi tập trung và 22.298 cơ sở chăn nuôi hộ nhỏ lẻ với 2 loại vật nuôi chủ lực là heo và gà. Cụ thể, tổng đàn heo 2,5 triệu con và tổng đàn gà là 26 triệu con.