Cho tới tháng 4, cuộc chiến giữa Iran-Israel vẫn diễn ra trong bóng tối. Iran đã quyết định đưa cuộc chiến ra ánh sáng khi công khai trực tiếp tấn công Israel từ lãnh thổ của mình. Một số nhà quan sát cho rằng, cuộc tấn công bằng UAV và tên lửa của Iran vào Israel hôm 13/4 là hành động mang tính biểu tượng. Tuy nhiên, xét tới số lượng UAV và tên lửa được sử dụng cũng như lượng chất nổ chúng mang theo, có thể nói Iran rõ ràng muốn gây thiệt hại nghiêm trọng.
Hành động chưa từng có tiền lệ của Israel
Hệ thống phòng thủ của Israel gần như hoàn hảo, nhưng không tự mình đẩy lùi hoàn toàn cuộc tấn công của Iran. Giống như cuộc tấn công của Iran, sự can thiệp quân sự trực tiếp của Mỹ và một số nước đồng minh, bao gồm cả các quốc gia Arập, là điều chưa từng có tiền lệ. Bộ chỉ huy trung tâm Mỹ, với sự tham gia của Anh và Jordan, đã chặn đứng ít nhất một phần ba số UAV và tên lửa hành trình Iran nhắm vào Israel; Saudi Arabia và Các Tiểu vương quốc Arập Thống nhất (UAE) cũng chia sẻ thông tin tình báo giúp Israel tự vệ. Việc các bên sẵn lòng đảm nhận vai trò này là điều đáng chú ý, xét tới việc cuộc chiến giữa Israel và Hamas ở Dải Gaza không được dư luận Arập ủng hộ.
Năm ngày sau, khi đáp trả cuộc tấn công của Iran, Israel có cân nhắc lời kêu gọi kiềm chế của Mỹ nên chỉ bắn 3 tên lửa vào căn cứ radar dẫn đường cho khẩu đội tên lửa phòng thủ S-300 tại Isfahan, nơi có nhà máy chuyển đổi uranium của Iran. Đây là phản ứng rất hạn chế, được đưa ra nhằm tránh gây thương vong nhưng vẫn cho thấy Israel có thể xâm nhập hệ thống phòng thủ của Iran và tấn công bất cứ mục tiêu nào. Israel dường như nhận ra rằng cách tốt nhất để ứng phó với mối nguy hiểm mà Iran và các lực lượng ủy nhiệm đặt ra là hợp tác với một liên minh – việc này cũng chưa từng có tiền lệ.
Giờ đây, khi Israel phải đối mặt không chỉ với Iran mà còn với các lực lượng ủy nhiệm của nước này, cái giá phải trả khi tự mình đối phó với tất cả các mặt trận đang trở nên quá cao. Diễn biến này, cùng với việc các nước Arập thể hiện thái độ sẵn sàng cùng với Israel đối mặt với mối đe dọa mà Iran và các lực lượng ủy nhiệm đặt ra hồi tháng 4, cho thấy cơ hội thành lập liên minh khu vực theo đuổi một chiến lược chung để chống lại Iran và các lực lượng ủy nhiệm đã được mở ra.
Về chiến lược quốc phòng, Israel từ lâu đã cam kết tự lực chiến đấu. Tel Aviv chỉ yêu cầu Mỹ đảm bảo cung cấp nguồn lực tài chính. Tuy nhiên, có lẽ sự giúp đỡ mà Israel nhận được để bảo vệ mình trước các cuộc tấn công của Iran không chỉ đáng hoan nghênh mà còn cần thiết.
Sự hỗ trợ này đòi hỏi Israel cũng phải có nghĩa vụ. Khi tham gia bảo vệ Israel, các nước khác có quyền yêu cầu Israel phải tính đến lợi ích và các mối quan ngại của họ. Sau cuộc tấn công của Iran, Tổng thống Biden đã nói rõ với các nhà lãnh đạo Israel rằng họ không cần đáp trả vì việc họ tự vệ thành công đã là một thắng lợi lớn và là thất bại đối với Iran. Đối với Israel, việc không đáp trả đi ngược lại quan niệm căn bản của nước này về răn đe.
Quan niệm răn đe của Israel luôn là yếu tố định hình phản ứng của nước này trước các mối đe dọa trực tiếp, với một ngoại lệ đáng được nhắc đến trong bối cảnh hiện nay. Trong cuộc chiến tranh vùng Vịnh năm 1991, vào đêm sau khi lực lượng Mỹ tấn công Iraq, Tổng thống Iraq Saddam Hussein đã ra lệnh tấn công Israel bằng tên lửa Scud. Bộ trưởng Quốc phòng Israel, Moshe Arens và các sĩ quan cấp cao khác muốn đáp trả.
Tuy nhiên, khi đó Chính quyền Tổng thống Mỹ George H. W. Bush, đặc biệt là Ngoại trưởng Mỹ James Baker, đã thuyết phục Thủ tướng Israel Yitzhak Shamir không làm vậy. Ngoại trường Baker cam đoan với Thủ tướng Shamir rằng Israel có thể đưa cho Mỹ mục tiêu chính xác mà họ muốn tấn công và Mỹ sẽ tấn công những mục tiêu đó. Tuy vậy, ông cũng nhấn mạnh, cả thế giới chống lại Saddam và việc Israel đáp trả trực tiếp có nguy cơ phá vỡ liên minh chống Iraq.
Bài toán cho lệnh ngừng bắn đơn phương
Bản chất cách Israel phản ứng trước cuộc tấn công của Iran cho thấy Thủ tướng Netanyahu cũng sẵn sàng cân nhắc các mối quan ngại của Mỹ. Giờ đây, ông Netanyahu cũng chịu sức ép buộc phải “hàn gắn mâu thuẫn trong quan hệ” với Tổng thống Mỹ. Đó không phải mâu thuẫn về mục tiêu căn bản của cuộc chiến của Israel ở Dải Gaza – đảm bảo rằng Hamas không bao giờ có thể đe dọa Israel một lần nữa – mà là mâu thuẫn về cách tiếp cận của Israel đối với chiến dịch quân sự và viện trợ nhân đạo cho Dải Gaza.
Giống như hồi năm 1991, việc Israel kiềm chế phản ứng trước một cuộc tấn công từ bên ngoài không giúp họ thiết lập lại quan hệ với Mỹ. Trước khi Israel tấn công Rafah, quan hệ giữa ông Biden và ông Netanyahu có lẽ đã trở nên căng thẳng hơn. Tuy nhiên, một thỏa thuận bình thường hóa quan hệ giữa Israel và Saudi Arabia là thứ quan trọng nhất có thể làm thay đổi quỹ đạo của mối quan hệ này.
Tổng thống Biden hiểu rằng vì Saudi Arabia yêu cầu phải có một bước tiến chính trị đáng tin cậy trong vấn đề Palestine để hoàn tất thỏa thuận bình thường hóa, nên ông Netanyahu sẽ phải đối đầu với bộ phận những người ủng hộ chính trị kiên quyết nhất trong việc phản đối Nhà nước Palestine. Và các cuộc đàm phán không thể thực sự tiến triển nếu cuộc khủng hoảng nhân đạo ở Dải Gaza không lắng dịu.
Thỏa thuận ngừng bắn ở Dải Gaza nếu đạt được sẽ là khoảng lặng hòa bình đầy quý giá để các bên liên quan có thể tính toán những bước đi tiếp theo để hạ nhiệt xung đột. Ảnh: Reuters |
Một động thái như vậy chắc chắn sẽ gây khó khăn cho ông Netanyahu trên chính trường. Ông có thể lập luận, ngừng bắn tạm thời sẽ giúp Hamas thoát khỏi sức ép quân sự. Tuy nhiên, sau khi giảm đáng kể hiện diện quân sự ở Dải Gaza kể từ tháng 11/2023, Israel sẽ không gây sức ép quân sự đối với Hamas như khi thỏa thuận về con tin được đàm phán với sự hỗ trợ của bên trung gian cũng trong tháng 11 đó.
Việc Israel đe dọa tấn công Rafah làm tăng áp lực đối với nhà lãnh đạo Hamas ở Dải Gaza, Yahya Sinwar, nhưng chiến dịch Rafah từng được cho là không thể diễn ra cho tới khi ông Netanyahu thực hiện cam kết với ông Biden rằng sẽ không có bất kỳ cuộc đổ bộ nào diễn ra trước khi Israel sơ tán 1,4 triệu người Palestine bị mắc kẹt trong khu vực. Vì sơ tán không chỉ là đưa người đi mà còn là đảm bảo họ có một nơi đầy đủ chỗ ở, đồ ăn, thức uống và thuốc men.
Trước thực tế này, Israel đã được cho là nên làm một việc mà họ thực sự không muốn. Nếu họ không thể tiến vào Rafah, thì lệnh ngừng bắn có nghĩa là họ hầu như không phải từ bỏ điều gì nhưng lại được lợi rất nhiều.
Lệnh ngừng bắn kéo dài 4-6 tuần sẽ cho mang lại cho các tổ chức quốc tế cơ hội xoa dịu tình hình ở Dải Gaza và giải quyết mối lo toàn cầu về nạn đói. Họ có thể thiết lập các cơ chế tốt hơn để đảm bảo viện trợ nhân đạo không những đến được Dải Gaza mà còn đến được tay những người cần nhất.
Lệnh ngừng bắn sẽ khiến cả thế giới chú ý đến thái độ không khoan nhượng của Hamas và tình cảnh khó khăn của các con tin Israel. Động thái này cũng sẽ giúp thay đổi câu chuyện đáng ngờ về Israel trên toàn cầu và làm giảm sức ép buộc nước này phải chấm dứt chiến sự vô điều kiện.
Nói một cách đơn giản, lệnh ngừng bắn đơn phương của Israel trong 4-6 tuần sẽ tạo ra cơ hội chiến lược – đặc biệt là nếu nó tạo ra cơ hội bình thường hóa quan hệ với Saudi Arabia và biến sự liên kết ngầm trong khu vực xuất hiện sau cuộc tấn công của Iran vào Israel thành hiện thực rõ ràng hơn.
Nguồn: https://congthuong.vn/loi-thoat-nao-cho-xung-dot-o-dai-gaza-israel-co-nen-don-phuong-ngung-ban-326027.html