Quy trình GAP bao gồm VietGAP và GlobalGAP. Nếu như sản xuất tuân thủ và đạt chứng nhận VietGAP về các quy định thực hành sản xuất nông nghiệp tốt cho các sản phẩm nông nghiệp, thủy sản tại Việt Nam thì chứng nhận GlobalGAP đưa sản phẩm lên tầm cao hơn với bộ tiêu chuẩn đạt quy mô toàn cầu. Sản phẩm nông nghiệp đạt các chứng nhận này sẽ có nhiều lợi thế về giá cũng như sức cạnh tranh trên hành trình chinh phục thị trường.
Vải không hạt được Công ty TNHH Nông nghiệp công nghệ cao Hồ Gươm – Sông Âm trồng trên địa bàn xã Nguyệt Ấn (Ngọc Lặc) đạt chứng nhận VietGAP, GlobalGAP.
Những ngày trung tuần tháng 6, lô vải không hạt đầu tiên của tỉnh Thanh Hóa đã chinh phục thành công thị trường Nhật Bản và vương quốc Anh – một trong những thị trường khó tính bậc nhất thế giới, đặc biệt là đối với các nông, thủy sản. Được biết, giống vải không hạt này được Công ty TNHH Nông nghiệp công nghệ cao Hồ Gươm – Sông Âm phối hợp với Viện Di truyền nông nghiệp chọn tạo, trồng thử nghiệm với diện tích khoảng 30 ha trên địa bàn xã Nguyệt Ấn (Ngọc Lặc). Được sản xuất tuân thủ các quy trình VietGAP, GlobalGAP với việc tuân thủ các quy định theo mã số vùng trồng từ sản xuất đến sơ chế, phân loại, xử lý, xông hơi khử trùng, đóng gói, bảo quản khép kín… ngay cả tiêu thụ trong nước, giống vải này cũng đã đạt tới mức giá bán buôn 170.000 đồng/kg tại các thị trường Hà Nội, TP Hồ Chí Minh… Và cũng ngay trong năm đầu tiên có sản lượng, sản phẩm này đã tự tin xuất ngoại, bước đầu khẳng định được chất lượng và uy tín quốc tế.
Từ thực tế khẳng định, lợi thế khi nông sản được sản xuất theo các quy trình VietGAP, GlobalGAP, ngoài các doanh nghiệp thì một số HTX, hộ gia đình cũng đã chú trọng áp dụng khoa học – kỹ thuật, đầu tư xây dựng cơ sở vật chất trồng trọt, nuôi trồng theo tiêu chuẩn VietGAP, từ đó tạo lợi thế trong các kênh tiêu thụ cũng như thu hút được nhiều doanh nghiệp liên kết sản xuất, bao tiêu sản phẩm, tạo đầu ra bền vững.
Từ cuối năm 2019, chị Lê Thị Quyên, Giám đốc HTX Nông nghiệp sạch Hoằng Đạo (Hoằng Hóa) đã mạnh dạn thành lập HTX và đầu tư sản xuất dưa vàng Kim hoàng hậu áp dụng quy trình sản xuất theo hướng VietGap trên diện tích 4.000 m2 nhà kính. Tuân thủ đúng quy trình sản xuất, cho ra sản phẩm chất lượng, dưa vàng Kim hoàng hậu của HTX đã được tiêu thụ tại cửa hàng, siêu thị trong và ngoài tỉnh. Hàng năm, HTX thu khoảng 25 tấn dưa vàng Kim hoàng hậu, lợi nhuận thu về khoảng 400 triệu đồng. Chị Lê Thị Quyên, cho biết: “Sản xuất theo quy trình GAP, sau khi đi vào quy chuẩn đã giúp người sản xuất giảm bớt nhiều chi phí, nông sản bán được giá cao hơn trên thị trường”.
Theo thống kê của ngành nông nghiệp, đến nay, toàn tỉnh đã có 1.100 ha sản xuất các loại sản phẩm trồng trọt, chăn nuôi, nuôi trồng thủy sản theo quy trình thực hành nông nghiệp tốt VietGAP, GlobalGAP; gần 20 ha cây trồng được cấp giấy chứng nhận đạt tiêu chuẩn nông nghiệp hữu cơ; hơn 760 ha cây trồng được sản xuất áp dụng theo tiêu chuẩn nông nghiệp hữu cơ; bước đầu đã hình thành một số mô hình chăn nuôi, nuôi trồng thủy sản, lâm nghiệp theo hướng hữu cơ, an toàn sinh học và một số mô hình sản xuất nông nghiệp tuần hoàn.
Cũng theo đánh giá của ngành nông nghiệp, tuy đạt được những kết quả bước đầu nhưng vẫn chưa tương xứng với lợi thế, tiềm năng của những vùng đất sản xuất nông, thủy sản rất lớn trên địa bàn tỉnh. Hơn nữa, việc đầu tư sản xuất chủ yếu vẫn mang tính tự phát, quy mô nhỏ, lẻ, thiếu đồng bộ. Việc áp dụng quy trình sản xuất nông nghiệp sạch, nông nghiệp hữu cơ ở nhiều địa phương chưa chặt chẽ; áp dụng quy trình sản xuất nông nghiệp tuần hoàn chưa đầy đủ, hiệu quả thấp; liên kết giữa người sản xuất – HTX – doanh nghiệp theo chuỗi giá trị còn rất hạn chế; chưa thu hút được nhiều doanh nghiệp tham gia để nâng tầm sản phẩm. Việc phân biệt giữa sản phẩm nông nghiệp sạch, nông nghiệp hữu cơ với các loại sản phẩm nông nghiệp thông thường khác trên thị trường gặp nhiều khó khăn khiến tâm lý người sản xuất chưa thực sự vững vàng.
Theo Chỉ thị số 10-CT/TU của Ban Thường vụ Tỉnh ủy về lãnh đạo, chỉ đạo đẩy mạnh phát triển nông nghiệp sạch, nông nghiệp hữu cơ, nông nghiệp tuần hoàn trên địa bàn tỉnh, tỉnh Thanh Hóa định hướng đẩy mạnh phát triển các mô hình sản xuất nông nghiệp theo quy trình thực hành nông nghiệp tốt VietGAP, GlobalGAP… tại các vùng sản xuất nông nghiệp tập trung của tỉnh, hình thành các vùng sản xuất nông nghiệp sạch, an toàn để phấn đấu đến năm 2025 toàn tỉnh có 70% diện tích lúa thâm canh năng suất, chất lượng cao; 50% diện tích rau an toàn tập trung chuyên canh; 25% diện tích cây ăn quả tập trung được chứng nhận VietGAP; 75% số trang trại chăn nuôi lợn thịt, gia cầm quy mô lớn áp dụng quy trình thực hành chăn nuôi VietGAP; 50% diện tích nuôi tôm và 100% diện tích ngao nuôi tập trung được sản xuất theo tiêu chuẩn VietGAP.
Đồng thời với đó, tỉnh ta sẽ rà soát, xác định các vùng sản xuất phù hợp để phát triển nông nghiệp hữu cơ; ưu tiên lựa chọn các vùng sản xuất đã có sản phẩm chứng nhận thực hành nông nghiệp tốt VietGAP, GlobalGAP để tiếp tục lựa chọn các loại cây trồng, vật nuôi chủ lực, có lợi thế, đáp ứng tốt nhu cầu thị trường để sản xuất theo tiêu chuẩn nông nghiệp hữu cơ… Để thực hiện thành công mục tiêu này, ngoài các cơ chế, chính sách mang tính chất động lực, cấp ủy, chính quyền địa phương cần nhanh chóng thay đổi nhận thức về sản xuất nông nghiệp để chủ động nghiên cứu, đề ra các giải pháp phù hợp khuyến khích sản xuất. Bản thân các doanh nghiệp, HTX, hộ cá thể cũng cần thay đổi tư duy, cập nhật kiến thức, trình độ sản xuất nông nghiệp theo các tiêu chuẩn mới để thích ứng với nhu cầu của người tiêu dùng và hướng đi tất yếu này.
Bài và ảnh: Tùng Lâm