Các khu công nghiệp (KCN) trên địa bàn tỉnh Quảng Ninh được phân bổ dọc theo các trục đường giao thông huyết mạch gắn liền với hệ thống cảng biển, sân bay quốc tế. Đây là một trong những lợi thế của tỉnh cần được khai thác triệt để trong thu hút đầu tư phát triển dịch vụ logistics.
Quảng Ninh hiện có 16 KCN, với diện tích được quy hoạch trên 17.100ha, được phân bổ tại những địa bàn huyết mạch, trọng điểm về phát triển kinh tế, xã hội (Quảng Yên, Hạ Long, Hải Hà, Móng Cái…). Điểm nhấn là các KCN này đến nay đều được đầu tư đồng bộ hạ tầng kỹ thuật hiện đại, quy hoạch gần các tuyến giao thông đường bộ, đường thủy, kết nối đến sân bay quốc tế, tạo nên sự liên kết phát triển, sức cạnh tranh trong thu hút đầu tư. Hầu hết các khu công nghiệp sau khi được cấp có thẩm quyền phê duyệt, trao giấy chứng nhận đầu tư, đến nay đã thu hút được một lượng lớn nhà đầu tư thứ cấp có kinh nghiệm, năng lực vào đầu tư phát triển, sản xuất kinh doanh, với lượng hàng hóa sản xuất, xuất nhập khẩu mỗi năm lên đến hàng triệu tấn.
Tuy nhiên, trên thực tế việc phát triển dịch vụ logistics xoay quanh những KCN này còn gặp nhiều hạn chế, chưa đạt được như kỳ vọng. Hoạt động dịch vụ thuê kho bãi, cảng và logistics phục vụ luân chuyển hàng hóa chưa có tiến triển rõ nét, chỉ đạt 150.000 TEU so với khoảng 6 triệu TEU/năm của Hải Phòng; nguồn thu từ dịch vụ xếp dỡ hàng hóa, vận tải nội địa chưa tương xứng với lượng hàng hóa xuất qua cảng; nguồn hàng còn thiếu hụt về “chân hàng”; nguồn nhân lực còn thiếu, chất lượng chưa cao.
Để đáp ứng kịp thời, thúc đẩy phát triển dịch vụ logistics trên địa bàn tỉnh, Sở Công Thương đã tham mưu, trình UBND tỉnh Kế hoạch triển khai thực hiện các nhiệm vụ, giải pháp nâng cao năng lực cạnh tranh và phát triển dịch vụ logistics tỉnh năm 2023, tầm nhìn 2025. Hiện kế hoạch đang được xin ý kiến tham gia của các sở, ngành, địa phương liên quan. Trong đó, có nhấn mạnh đến giải pháp tận dụng hiệu quả lợi thế của các KCN trên địa bàn để đẩy mạnh thu hút đầu tư, hình thành hoạt động dịch vụ logistics có thương hiệu, đẳng cấp quốc tế.
Đứng trước thời cơ, vận hội mới, KCN Nam và Bắc Tiền Phong nằm trong KKT ven biển Quảng Yên hiện có tổ hợp cảng biển – logistics – công nghiệp quan trọng và độc nhất của tỉnh Quảng Ninh hiện đang tích cực đẩy nhanh tiến độ đầu tư, phát triển hạ tầng kỹ thuật, cảng biển, có thể cung cấp tới 550ha đất phục vụ dịch vụ logistics và cảng biển, tương đương hơn 30% tổng quỹ đất.
Chủ đầu tư 2 KCN này đang hoàn tất các thủ tục đầu tư, sẽ tiến hành nạo vét toàn bộ chiều dài gần 13km lòng sông Chanh tới cao độ -11m, đảm bảo giao thông nhanh chóng và an toàn giữa tổ hợp cảng của KCN Nam, Bắc Tiền Phong với cảng nước sâu Lạch Huyện (Hải Phòng). Điều này sẽ giúp giảm chi phí vận tải nội địa, thúc đẩy phát triển logistics trong khu vực và nâng cao năng lực cạnh tranh của tỉnh Quảng Ninh.
Theo bà Trần Thị Huyền, Quản lý kinh doanh cấp cao Tổ hợp KCN DEEP C, hiện là chủ đầu tư 2 KCN này cho biết, việc đầu tư hoàn thiện hạ tầng kỹ thuật và nạo vét lòng sông Chanh sẽ tạo cơ hội, điều kiện thuận lợi cho chúng tôi nói riêng và tỉnh Quảng Ninh nói chung tăng sức hút đối với các nhà đầu tư, nhất là đối với những nhà đầu tư trong hoạt động logistics, bởi lẽ các nhà đầu tư sẽ đặt cơ sở gần các trung tâm đầu mối sản xuất để đánh giá và tăng cường chuỗi cung ứng. Điều này sẽ đem đến cho họ nhiều lợi ích, như giảm thời gian vận chuyển, giảm chi phí làm hàng và đem đến dịch vụ vận tải xanh hơn.
Mới đây nhất, ngày 29/3, tại lô CN5 KCN Bắc Tiền Phong (phường Phong Cốc, TX Quảng Yên), liên danh Công ty Indochina Capital và Tập đoàn Kajima đã tiến hành khởi công dự án xây dựng nhà xưởng và nhà kho xây sẵn để cho thuê. Đây là dự án dịch vụ logistics nhằm đáp ứng kịp thời nhu cầu sử dụng kho bãi của nhiều nhà sản xuất tại KCN Nam và Bắc Tiền Phong cũng như lân cận có nhu cầu. Khi hoàn thành, dự án này sẽ cung cấp ra thị trường tổng cộng 69.000m2 nhà xưởng xây sẵn đạt tiêu chuẩn quốc tế để cho thuê. Dự kiến thời gian bàn giao các nhà xưởng đầu tiên sẽ diễn ra vào tháng 3/2024.
Việc tận dụng các KCN để thúc đẩy phát triển dịch vụ logistics đã được nhiều tỉnh, thành trong cả nước triển khai có hiệu quả, mang lại nguồn tăng trưởng lớn cho nền kinh tế. Quảng Ninh cần tận dụng kinh nghiệm từ các địa phương đã thành công đặt trong bối cảnh của sự phát triển, tiềm năng, lợi thế của mình để có những giải pháp căn cơ thúc đẩy phát triển mạnh mẽ dịch vụ logistics, vốn dĩ chưa được khai thác hết.