Giá bán urê, kali, NPK, DAP hạ xuống mức thấp nhất hai năm trong quý I khiến lợi nhuận nhiều doanh nghiệp phân bón giảm mạnh.
Sau một năm đua nhau lập kỷ lục lợi nhuận, các doanh nghiệp phân bón giờ phải đối mặt với nhiều thách thức khi giá bán giảm mạnh. Từ đầu năm đến nay, giá nhiều loại phân bón đã hạ 30-50% so với cùng kỳ.
Chứng khoán KIS Việt Nam dẫn số liệu của Agromonitor – đơn vị chuyên về phân tích và dự báo thị trường nông sản – cho biết giá phân urê từ tháng 4 đã về dưới 10.000 đồng một kg, giảm gần một nửa so với cùng kỳ năm trước. Các loại phân kali, NPK hay DAP cũng giảm mạnh khoảng 30%, lần lượt về quanh 12.000-15.000 đồng một kg. Như vậy, các loại phân bón chủ yếu trong trồng trọt đều lùi về mức thấp nhất trong hai năm qua.
Theo đà tuột giá của phân bón, kết quả kinh doanh của các doanh nghiệp trong ngành cũng bị ảnh hưởng nghiêm trọng. Công ty cổ phần Phân bón Dầu khí Cà Mau (Đạm Cà Mau – DCM) quý đầu năm có gần 230 tỷ đồng lãi sau thuế, giảm gần 85% và thấp nhất hai năm qua. Kết quả trên là do doanh thu phân urê – chiếm hơn 80% cơ cấu tổng doanh thu, giảm gần 40% khi giá bán tuột dốc.
Lợi nhuận Tổng công ty Phân bón và Hóa chất Dầu khí (Đạm Phú Mỹ – DPM) sụt giảm nặng hơn khi chỉ ghi nhận hơn 260 tỷ đồng, thấp hơn 8 lần so với cùng kỳ. Giá bán phân urê mất 44% so với cùng kỳ là nguyên nhân chính.
Với các công ty vốn hóa nhỏ hơn như Phân bón Bình Điền (BFC) và Phân đạm và Hóa chất Hà Bắc (DHB), kết quả kinh doanh còn suy yếu nghiêm trọng hơn. Phân bón Bình Điền lỗ hơn 40 tỷ đồng, trong khi cùng kỳ lãi hơn 86 tỷ đồng. Đạm Hà Bắc lỗ tới 130 tỷ đồng, giảm mạnh so với mức lợi nhuận dương 870 tỷ đồng của quý I/2022.
Giá gas và xăng dầu vốn ảnh hưởng mạnh đến giá thành sản xuất phân bón do giá gas chiếm tới khoảng 80-90% giá thành sản xuất amoniac – đầu vào quan trọng để sản xuất phân đạm ure. Theo Hiệp hội Phân bón Việt Nam, từ cuối năm 2022, giá dầu khí không tăng và thế giới đứng trước tình trạng suy thoái ở nhiều thị trường quan trọng khiến giá các loại phân bón, đặc biệt là urê, liên tục giảm. Sức cầu thấp cũng tác động lớn đến diễn biến giá. Đầu năm trước, giá phân bón lên mức quá cao, vượt ngưỡng chịu đựng của nông dân khiến sức tiêu thụ giảm sút. Mặt khác những tháng qua, Trung Quốc bắt đầu mở cửa và dỡ bỏ các quy định hạn chế xuất khẩu 29 loại phân bón, giúp nguồn cung trên thị trường thế giới bớt khan hiếm.
Nhóm phân tích Chứng khoán Vietcombank (VCBS) nhìn nhận giá phân bón nội địa cũng giảm đồng pha với thị trường thế giới. Ngoài nhu cầu từ nông dân suy yếu, việc các đại lý nhập hàng cầm chừng do lo ngại giá tiếp tục giảm, cũng khiến sức hấp thụ của thị trường xuống thấp. Bên cạnh đó, nhập khẩu phân bón gia tăng trong khi các nhà máy và đại lý nội địa còn nhiều hàng tồn kho nên thị trường chịu sức ép dư cung.
Hàng loạt báo cáo về ngành nông nghiệp thời gian qua đều đưa ra dự báo giá phân bón sẽ giảm mạnh trong năm nay. Theo VNDirect, việc giá khí tự nhiên, vốn là nguyên liệu đầu vào chính cho sản xuất phân bón giảm, sẽ kéo giá các mặt hàng này giảm theo.
Tuy giảm, VCBS vẫn lưu ý giá phân bón có thể vẫn duy trì ở mức nền cao do nhu cầu tiêu thụ urê trong nước được dự báo phục hồi 12-16% trong năm nay khi giá cả hạ nhiệt. Ngoài ra, điều kiện thời tiết thuận lợi trong nửa đầu năm đã hỗ trợ hoạt động canh tác nông nghiệp, thúc đẩy người dân gia tăng diện tích canh tác, kéo theo nhu cầu sử dụng phân bón. Đặc biệt, xuất khẩu gạo của Việt Nam đang được hưởng lợi, sẽ là một động lực lớn.
Tất Đạt