Nhiều ngân hàng lãi lớn từ kinh doanh ngoại hối
Kết thúc quý II/2024, bức tranh ngành ngân hàng dần hiện ra với tổng lợi nhuận các nhà băng trên đã tăng 14%, đạt gần 161.600 tỷ đồng.
Trong tổng số 29 ngân hàng, có 22 ngân hàng ghi nhận lợi nhuận tăng trưởng dương. Trong đó, ngân hàng có mức tăng trưởng lợi nhuận nhiều nhất là BVBank với mức tăng 283% so với cùng kỳ lên 153 tỷ đồng. Tiếp đó là LPBank với khoản lãi 5.919 tỷ đồng, tăng 142% so với cùng kỳ.
Ngược lại, NCB với mức lợi nhuận trước thuế 7 tỷ đồng, giảm 50% so với cùng kỳ. Lợi nhuận trước thuế của VIB đã giảm 18% so với cùng kỳ xuống còn 4.605 tỷ đồng., Lợi nhuận OCB cũng giảm 17% xuống còn 2.113 tỷ đồng.
Về top 10 lợi nhuận, Vietcombank tiếp tục duy trì vị trí độc tôn đầu bảng với khoản lãi trước thuế đạt 20.835 tỷ đồng, tăng 2% so với cùng kỳ năm trước.
Dù còn cách một khoảng khá lớn so với Vietcombank, Techcombank đã vượt qua 3 ngân hàng còn lại trong nhóm Big4 để vươn lên vị trí thứ hai trong bảng xếp hạng với lợi nhuận sau thuế tăng 39% so với cùng kỳ lên 15.628 tỷ đồng, tăng 39% so với cùng kỳ.
BIDV xếp thứ 3 với khoản lãi sau thuế sát nút Techcombank là 15.549 tỷ đồng, tăng 12% so với cùng kỳ.
Đứng thứ 4 trong bảng xếp hạng tiếp tục là một ngân hàng tư nhân. Cụ thể, MB kết thúc quý 6 tháng đầu năm 2024 với khoản lợi nhuận 13.428 tỷ đồng, tăng 5% so với cùng kỳ.
2 Big4 còn lại lần lượt đứng ở vị trí thứ 5 và thứ 6 trong bảng xếp hạng lợi nhuận là Agribank với khoản lãi trước thuế 13.269 tỷ đồng, giảm 2% và VietinBank với lợi nhuận trước thuế tăng 3% so với cùng kỳ lên 12.960 tỷ đồng.
Những vị trí còn lại trong top 10 lợi nhuận lần lượt thuộc về ACB (10.491 tỷ đồng), VPBank (8.665 tỷ đồng), HDBank (8.165 tỷ đồng) và SHB (6.860 tỷ đồng).
Quý II/2024, trong bối cảnh tỉ giá không ngừng biến động, theo số liệu cập nhật của Ngân hàng Nhà nước (NHNN), 6 tháng đầu năm 2024, VND mất giá vào khoảng 4,4%, nhiều ngân hàng đã ghi nhận khoản lãi lớn từ hoạt động kinh doanh ngoại hối, nhất là mảng ngoại tệ giao ngay.
Cụ thể, BIDV đã ghi nhận khoản lãi đột biến từ chứng khoán đầu tư trong quý II tăng gần 17,7 lần lên gần 513 tỷ đồng.
MSB ghi nhận lãi thuần từ hoạt động kinh doanh ngoại hối trong nửa đầu năm 2024 gấp hơn 2 lần so với cùng kỳ năm 2023 lên 976 tỷ đồng, trong đó chủ yếu đến từ thu từ các công cụ tài chính phái sinh tiền tệ với 3.159 tỷ đồng.
ACB cũng ghi nhận khoản lãi thuần từ kinh doanh ngoại hối trong quý II/2024 tăng hơn 30% so với cùng kỳ năm 2023 lên gần 427 tỷ đồng.
Lãi thuần từ hoạt động kinh doanh ngoại hối của Techcombank trong quý II/2024 cũng có sự đảo chiều khi đạt hơn 411 tỷ đồng, trong khi cùng kỳ lỗ 11 tỷ đồng. Luỹ kế 6 tháng đầu năm 2024, ngân hàng lãi hơn 955 tỷ đồng từ mảng này, trong khi cùng kỳ lỗ 240 tỷ đồng.
Mảng kinh doanh ngoại hối cũng mang về cho SeABank khoản lãi gần 304 tỷ đồng, tăng mạnh 9 lần so với khoản lãi 33 tỷ đồng trong cùng kỳ. Luỹ kế nửa đầu năm 2024, mảng này đem lại bcho ngân hàng khoản lãi thuần gấp gần 6 lần lên 406 tỷ đồng.
Theo Chứng khoán Vietcombank (VCBS), với xu hướng tăng giá tiếp diễn của đồng USD, thu nhập từ mảng kinh doanh ngoại hối của ngân hàng vẫn sẽ tương đối thuận lợi trong năm nay.
Lợi nhuận tăng trưởng tích cực
Dự báo về lợi nhuận ngân hàng trong thời gian tới, TS.Châu Đình Linh, Trường Đại học Ngân hàng Tp.Hồ Chí Minh cho biết, lợi nhuận sẽ tăng trưởng tích cực, tương quan với sự tăng trưởng của nền kinh tế.
Trong nửa đầu năm 2024, tăng trưởng kinh tế diễn ra theo chiều hướng lạc quan, tháng sau luôn cao hơn tháng trước, chỉ số nhà quản trị mua hàng tăng tác động tích cực lên lợi nhuận tăng trưởng của ngân hàng.
Đồng thời, thu nhập từ lãi của ngân hàng, thu nhập phi lãi như cung cấp dịch vụ, sản phẩm tài chính… của ngân hàng đều xu hướng tăng. “Từ nay đến cuối năm, lợi nhuận tăng trưởng dương, đáp ứng lộ trình đặt ra”, ông Linh nhận định.
Tuy nhiên, sẽ có sự phân hoá về lợi nhuận giữa các ngân hàng. Những ngân hàng top đầu, quy mô vốn lớn, lợi nhuận sẽ tăng trưởng cao so với năm trước, tỉ lệ nợ xấu trong vòng kiểm soát. Những ngân hàng quy mô vốn trung bình có khả năng hoàn thành kế hoạch lợi nhuận.
Còn ngân hàng có quy mô vốn nhỏ có thể sẽ chi cán mốc 70-80% lợi nhuận hoặc thấp hơn do cơ sở khách hàng không lớn, độ phủ chưa cao và vẫn còn phải đối diện với nợ xấu tồn đọng lớn.
Công ty VPBankS dự báo lợi nhuận trước thuế toàn ngành Ngân hàng năm 2024 sẽ tăng trưởng ở mức 15% so với cùng kỳ, tương đương đạt 293.650 tỷ đồng với giả định Ngân hàng Nhà nước không tăng lãi suất trong năm 2024 và các ngân hàng lớn đẩy được 90% room tín dụng được giao từ đầu năm.
VCBS thì tiếp tục duy trì dự báo LNTT toàn ngành ngân hàng với mức tăng trưởng khoảng 10% trong năm 2024 và có sự phân hóa về triển vọng lợi nhuận giữa các nhóm ngân hàng.
VCBS cho rằng động lực tăng trưởng lợi nhuận của hệ thống ngân hàng sẽ đến từ các ngân hàng với tiềm năng đến từ việc tối ưu hóa chi phí vốn, tập trung cải thiện/gia tăng thu nhập ngoài lãi, các nguồn thu từ phí.
Một số ngân hàng có thể ghi nhận các khoản thu nhập bất thường từ upfront fee của hợp đồng bancassurance, lợi nhuận từ việc bán các công ty con, hay thu hồi các khoản nợ xấu đã xóa.
Đồng thời, các ngân hàng tiếp tục đẩy mạnh chuyển đổi số, tăng cường hiệu quả quản trị, tiết giảm chi phí hoạt động để duy trì lợi nhuận. Tuy nhiên chi phí đầu tư cho công nghệ vẫn đang trong chu kỳ tăng mạnh nhằm tăng khả năng cạnh tranh và đáp ứng các quy định mới chặt chẽ hơn về an ninh, an toàn trong hoạt động thanh toán.
Chứng khoán KBS thì kỳ vọng trong nửa cuối năm 2024, chất lượng lợi nhuận của các ngân hàng sẽ tốt hơn, kỳ vọng tăng trưởng cả năm đạt 15%. NIM tiếp tục được cải thiện và nợ xấu có chuyển biến tích cực hơn.
Theo VIS Rating, lợi nhuận của ngân hàng sẽ tiếp tục cải thiện trong năm 2024 nhờ điều kiện hoạt động trong nước tốt hơn và lãi suất thấp hỗ trợ khả năng trả nợ của người đi vay và NIM cải thiện hơn.
Nguồn vốn và thanh khoản sẽ duy trì ổn định nhờ tăng trưởng tiền gửi theo kịp tăng trưởng cho vay và các ngân hàng tăng nguồn vốn dài hạn.
Trung tâm phân tích chứng khoán Mirae Asset Việt Nam cho rằng động lực tăng trưởng lợi nhuận năm 2024 sẽ bao gồm các yếu tố như sự phục hồi của NIM, tăng trưởng tín dụng cao hơn, và nền thấp được thiết lập trong năm 2023.
Trong ngắn hạn, các nguồn thu nhập ngoài lãi như dịch vụ banca hay thu hồi nợ xấu đã xử lý sẽ là biến số cho tăng trưởng lợi nhuận của ngành ngân hàng trong năm tới, đặc biệt là với kỳ vọng ngành BĐS phục hồi từ năm 2024.
Nguồn: https://www.nguoiduatin.vn/loi-nhuan-nganh-ngan-hang-co-di-dung-lo-trinh-cua-nam-2024-204240807074731615.htm