Bain & Company, công ty tư vấn quản lý tài chính vừa chỉ ra sự suy giảm lợi nhuận của các tập đoàn kinh tế tư nhân tại Đông Nam Á sau 2 thập kỷ tăng trưởng mạnh mẽ. Điển hình là tại các quốc gia như Indonesia, Thái Lan, Malaysia và Philippines.
Thống kê của Bain với 100 tập đoàn kinh tế tư nhân điển hình của khu vực, lợi nhuận trung bình hàng năm của cổ đông là khoảng 4% trong giai đoạn 2013-2020. Con số này đã giảm 24% so với thập kỷ trước.
Đây là con số được thống kê với các tập đoàn kinh tế tư nhân hoạt động trong các lĩnh vực then chốt như khai thác mỏ, bất động sản, viễn thông, ngân hàng… Các công ty thuộc những nhóm ngành này hiện đang chiếm tới 1/3 chi tiêu vốn tại Đông Nam Á.
Cũng trong nghiên cứu của Bain, tổng lợi nhuận cổ đông hàng năm của các tập đoàn tư nhân trong giai đoạn 2013-2022 cũng đã giảm 63% so với thập kỷ trước đó.
Một thống kê khác của EY cũng cho thấy rằng lợi nhuận trung bình của cổ đông trong giai đoạn 2002-2011 của các tập đoàn tại Đông Nam Á là 34%. Con số này cao gấp 2,4 lần so với ghi nhận tại các tập đoàn tư nhân của những khu vực còn lại trên thế giới. Điều này đã biến Đông Nam Á trở thành điểm sáng kinh tế, thu hút sự chú ý của giới đầu tư quốc tế.
Tuy nhiên, sự sụt giảm lợi nhuận trong một thập kỷ trở lại đây đã khiến Đông Nam Á đánh mất vị thế vốn từng tạo lập được trước đây.
Nguyên nhân được lý giải theo Bain là do các doanh nghiệp đang phải vật lộn với tình trạng suy thoái kinh tế. Đi kèm với đó là quá trình số hoá nền kinh tế toàn cầu đang diễn ra mạnh mẽ. Dịch bệnh Covid-19 cũng đã tạo ra thách thức không nhỏ, và các doanh nghiệp trong khu vực thiếu sự nhạy bén để thích ứng với tình hình dịch bệnh.
Chủ tịch Bain & Company khu vực Đông Nam Á, ông Jean Pierre Felenbok đánh giá đây là là sự kết thúc đối với thời hoàng kim của các tập đoàn kinh tế tư nhân trong khu vực.
“Thời đại hoàng kim đã qua, và tôi không nghĩ nó sẽ quay trở lại. Các tập đoàn tư nhân đã bị động trước đà tăng trưởng chậm lại. Họ khó thích nghi với môi trường kinh doanh kém màu mỡ hơn và còn gặp phải đại dịch Covid-19 ngay sau đó”
Ông Felenbok cho rằng sự sụt giảm lợi nhuận của các tập đoàn tư nhân sẽ có thể gây tác động xấu tới tăng trưởng của các nền kinh tế đang phát triển trong khu vực.
Một điểm nhấn đáng chú ý nữa trong nghiên cứu của Bain đó là các tập đoàn đa ngành đang tỏ ra yếu thế hơn hẳn.
Ví dụ điển hình như tập đoàn Boustead, một trong những tập đoàn kinh doanh đa ngành lâu đời tại Malaysia. Hay như Lopez Holdings của Philippines và Lippo Group của Indonesia. Các tập đoàn này đều đang tỏ ra yếu thế hơn so với các đơn vị chỉ tập trung vào mảng kinh doanh chính.
Thống kê cho thấy các tập đoàn đơn ngành có tổng lợi nhuận cổ đông trung bình hàng năm là 11% trong giai đoạn 2013-2022, cao hơn hẳn so với nhóm các tập đoàn đa ngành. Diễn biến này hoàn toàn trái ngược với thập kỷ trước.
Cũng trong báo cáo đánh giá của Bain, một số yếu tố được đánh giá cao trước đây như mối quan hệ tốt với chính phủ hiện đã không còn được đánh giá cao nhiều như trước.
Till Versting, một đối tác tư vấn của Bain tại Singapore cho rằng “Môi trường kinh doanh đã trở nên bão hoà đi rất nhiều khi các tập đoàn kinh tế tư nhân trong khu vực lớn mạnh hơn. Việc tuyển dụng nhân tài trở nên khó khăn hơn và các chính phủ cũng dần có sự cảnh giác hơn với các công ty đang phát triển mạnh mẽ”
Tuy nhiên, các tập đoàn đa ngành vẫn đang chứng tỏ hoạt động tốt trong các lĩnh vực như kinh doanh xanh, dịch vụ tài chính, chăm sóc sức khoẻ. Ví dụ tiêu biểu như Adaro ở Indonesia, Phinma ở Philippines… Điều này cũng đã giúp một số tập đoàn tăng trưởng lợi nhuận khi chia tách hoạt động kinh doanh.