Môi giới bất động sản đóng vai trò quan trọng trong ngành bất động sản
Theo báo cáo của Bộ Xây dựng, sau khi đại dịch COVID-19 được kiểm soát, thị trường bất động sản đã dần sôi động trở lại, lượng khách hàng tìm kiếm và giao dịch cũng tăng dần, hoạt động môi giới bất động sản có sự thích nghi và phục hồi.
Theo đó, hệ thống các sàn giao dịch bất động sản đã đạt được những kết quả nhất định cả về số lượng và chất lượng.
Đến đầu năm 2022, đã có 80% sàn giao dịch quay trở lại hoạt động, đồng thời nhiều sàn mới được thành lập và duy trì hoạt động khá ổn định. Tính đến thời điểm hiện nay, thị trường đang có khoảng hơn 1.100 sàn giao dịch bất động sản hoạt động.
Hoạt động của các sàn giao dịch đang từng bước hình thành môi trường minh bạch cho các nhà đầu tư bất động sản và đem lại nhiều lợi ích cho người dân khi tiếp cận hàng hóa bất động sản nhất là nhà ở, là kênh cung cấp thông tin thị trường quan trọng cho người dân và cho cơ quan quản lý Nhà nước.
Ông Nguyễn Văn Sinh, Thứ trưởng Bộ Xây dựng cho biết, môi giới bất động sản đóng vai trò quan trọng trong ngành bất động sản, tác động mạnh mẽ và sâu rộng đến sự phát triển bền vững của thị trường bất động sản và nền kinh tế.
Lực lượng môi giới luôn tạo kênh thông tin đầy đủ và đa dạng về bất động sản để người tiêu dùng và nhà đầu tư có thể tra cứu, tham khảo, đưa ra quyết định mua bán hoặc đầu tư phù hợp hiệu quả. Đảm bảo quyền và lợi ích hợp pháp của người dân, những người yếu thế trong quá trình giao dịch bất động sản.
Thông qua đội ngũ môi giới, hàng chục vạn giao dịch được kết nối thực hiện mỗi năm với giá trị lên đến hàng triệu tỷ đồng.
Những người môi giới đã tạo cầu nối cung – cầu hiệu quả, kích thích đầu tư, mua sắm, kinh doanh và sử dụng bất động sản. Họ là những nhân tố tác động không nhỏ tới giá trị GDP của quốc gia.
Tuy nhiên, Thứ trưởng Nguyễn Văn Sinh nhận định, thời gian vừa qua, thị trường bất động sản có nhiều khó khăn do còn vướng mắc, các dự án đầu tư, hoạt động giao dịch sụt giảm.
Nguyên nhân chủ yếu đến từ pháp lý và nguồn vốn tín dụng, trái phiếu,… Trong đó, đội ngũ môi giới bất động sản là đối tượng bị ảnh hưởng đầu tiên và nặng nề nhất.
Cụ thể, trong 6 tháng đầu năm 2023, số lượng dự án mới được cấp phép, đang triển khai hay đã hoàn thành đều chỉ bằng khoảng trên 50%; tổng lượng giao dịch nhà ở, đất nền chỉ đạt khoảng 60% so với cùng kỳ năm 2022.
Dù vậy, các tổ chức, cá nhân trong lĩnh vực bất động sản, đặc biệt là đội ngũ môi giới vẫn đang nỗ lực bám trụ, cố gắng và đóng góp cho hoạt động của thị trường bất động sản.
Đặc biệt, hoạt động của các sàn giao dịch đang từng bước hình thành môi trường minh bạch cho các nhà đầu tư bất động sản và đem lại nhiều lợi ích cho người dân khi tiếp cận hàng hóa bất động sản nhất là nhà ở, là kênh cung cấp thông tin thị trường quan trọng cho người dân và cho cơ quan quản lý Nhà nước.
“Nhiều sàn giao dịch đã có sự đầu tư về cơ sở vật chất, đầu tư đào tạo nhân lực, từng bước được chuyên nghiệp hóa trong hoạt động dịch vụ, đã có sự liên kết giữa các sàn với nhau nhằm trao đổi thông tin nâng cao hiệu quả dịch vụ”, Thứ trưởng Nguyễn Văn Sinh khẳng định.
Sàn môi giới đẩy mạnh vào đầu tư vào công nghệ
Trong khi đó, TS Nguyễn Văn Đính, Chủ tịch Hội Môi giới bất động sản Việt Nam đánh giá: Giai đoạn thị trường càng cạnh tranh cao hơn, khách hàng khắt khe hơn thì các môi giới lại càng phải cần thay đổi để chuyên nghiệp hơn. Đặc biệt cần ứng dụng công cụ công nghệ trong quản trị các hoạt động hành nghề, quản trị dữ liệu thông tin, nâng cao trải nghiệm khách hàng.
“Tôi cho rằng công nghệ sẽ là yếu tố then chốt để tạo ra sự thành công của người làm nghề môi giới”, ông Đính cho hay.
Chủ tịch Hội Môi giới bất động sản Việt Nam nhận định nâng tầm chất lượng đội ngũ môi giới là xu hướng tất yếu mà các nhà phân phối bất động sản đều phải hướng đến, giúp họ tạo được sự tin tưởng của thị trường, cộng đồng các chủ đầu tư.
Trên thực tế, hiện nay, trong bối cảnh thị trường đang có nhiều “rung lắc”, nhiều doanh nghiệp đã đẩy mạnh vào công nghệ, vừa tăng trải nghiệm của khách hàng, vừa hỗ trợ đắc lực cho người môi giới tăng cơ hội bán hàng.
Ông Nguyễn Thanh Tùng, Tổng giám đốc One Mount Real Estate cho biết, trong bối cảnh thị trường đang đối mặt với nhiều thách thức, thì việc đầu tư vào công nghệ chính là “lối mở” cho doanh nghiệp và cả các cá nhân môi giới.
Theo ông Tùng, mới đây, đơn vị này đã cho ra mắt mạng lưới môi giới bất động sản công nghệ, thông qua sàn thương mại điện tử rộng lớn về bất động sản tại Việt Nam, phân phối các sản phẩm căn hộ, thổ cư, nhà phố, biệt thự dự án… Hiện tại, mạng lưới này có khoảng 1.000 môi giới, dự kiến sẽ có 10.000 người môi giới vào năm 2024.
Ông Tùng cũng cho biết, việc hoạt động môi giới theo mạng lưới, nơi các môi giới đóng góp nguồn cung (người bán) hay nguồn cầu (người mua) đều có thể gặp được nhau, khớp nối nhu cầu, chốt giao dịch, ghi nhận hoa hồng trong hệ thống.
“Nếu như ở ngoài thị trường, người môi giới có thể có hàng nhưng không có khách hoặc ngược lại – thì trong mạng lưới, các công cụ công nghệ sẽ khớp nối nhanh nhất nhu cầu 3 bên: đầu phía khách hàng – đầu phía nguồn hàng – môi giới; để người có khách tìm ngay trong mạng lưới thấy sản phẩm phù hợp; và người có hàng thì gặp luôn được đầu có khách”, ông Tùng nói.
Ngoài ra, ông Tùng cho rằng, để giữ chân được lực lượng môi giới, thì cơ chế hoa hồng cũng cần hấp dẫn. Ví dụ như, sẽ phải chi trả hoa hồng sau 1 ngày. Hoa hồng không chỉ dành cho các môi giới bán hàng thành công, mà còn được cộng hưởng từ cơ chế gửi nguồn hàng, chiêu mộ nhân sự và xây dựng đội ngũ – cũng có tưởng thưởng xứng đáng.
“Khi một môi giới trong đội ngũ có giao dịch thành công, chính người môi giới quản lý cũng có một phần hoa hồng từ giao dịch đó”, ông Tùng nói.