Theo Tuyên bố, các nhà Lãnh đạo Hội Chữ thập đỏ và Trăng lưỡi liềm đỏ khu vực Châu Á – Thái Bình Dương bày tỏ mối quan ngại về các vấn đề nhân đạo chưa từng xảy ra nảy sinh ở khu vực kể từ Hội nghị năm 2018 (được tổ chức tại Philippines), bao gồm đại dịch COVID-19 và tác động của biến đổi khí hậu, đã gây ra những hậu quả tàn khốc ở cấp độ toàn cầu cũng như các tác động nghiêm trọng về sức khỏe và kinh tế xã hội đối với người dân. Rủi ro về khí hậu ngày càng gia tăng trong cộng đồng.
Hội nghị khu vực Châu Á – Thái Bình Dương lần thứ 11 do Hội Chữ thập đỏ Việt Nam đăng cai tổ chức tại thành phố Hà Nội, từ ngày 20 – 23/11/2023. Tham dự có đại diện các Chủ tịch, Tổng thư ký các Hội Chữ thập đỏ và Trăng lưỡi liềm đỏ từ hơn 60 quốc gia trong khu vực. Hội nghị diễn ra trong bối cảnh vị thế của Việt Nam trong khu vực được nâng cao, cùng với nhiều vấn đề nhân đạo đang đặt ra, nhất là biến đổi khí hậu, thiên tai, thảm họa.
Tuyên bố khẳng định tầm quan trọng của việc chuẩn bị sẵn sàng cho thảm họa thông qua việc hiểu rõ cuộc khủng hoảng trước mắt cũng như sẵn sàng với tư cách là các Hội Quốc gia và là một Phong trào trong khu vực Châu Á – Thái Bình Dương.
Tuyên bố đã đưa ra đánh giá tổng kết Lời kêu gọi hành động Manila (Philippines) và nhận định về tầm quan trọng của việc đầu tư phát triển lực lượng thanh thiếu niên trong việc sẵn sàng ứng phó với thảm họa.
Về vấn đề sẵn sàng về biến đổi khí hậu, lãnh đạo Hội Chữ thập đỏ và Trăng lưỡi liềm đỏ khu vực Châu Á – Thái Bình Dương thống nhất sự cần thiết phải có các hành động dự báo, giảm thiểu và ứng phó khẩn cấp để giải quyết các mối đe dọa liên quan đến khí hậu và tác động của chúng đối với cộng đồng ở khu vực Châu Á – Thái Bình Dương. Các Hội quốc gia cần đảm bảo lồng ghép các cam kết từ Hiến chương Khí hậu và Môi trường vào chiến lược và kế hoạch hành động, đồng thời đặt ra các mục tiêu rõ ràng và quyết liệt nhằm hỗ trợ xanh hóa các cộng đồng dễ bị tổn thương trước những rủi ro của biến đổi khí hậu, hợp tác với các bên liên quan cũng như xanh hóa các hoạt động thể chế của chúng ta hướng tới một khu vực Châu Á – Thái Bình Dương trung hòa các-bon.
Về vấn đề sẵn sàng trước thảm họa, Tuyên bố Hà Nội nhấn mạnh tầm quan trọng của việc gia tăng nhận thức về các rủi ro ngày càng tăng. Điều này dựa trên phân tích nguy cơ, dự báo khí hậu và dữ liệu, đồng thời thường xuyên nâng cao hệ thống, năng lực, cán bộ và tình nguyện viên của Hội Quốc gia để dự báo, chuẩn bị và ứng phó một cách hiệu quả với các nhu cầu nhân đạo, phù hợp với chính sách và vai trò.
Tuyên bố cũng đề cao hoạt động hỗ trợ lẫn nhau giữa các Hội Quốc gia nhằm giúp những người bị ảnh hưởng nhận được sự hỗ trợ kịp thời, phù hợp theo nhu cầu. Việc phối hợp trong các sáng kiến chuẩn bị chung cũng sẽ đảm bảo các Hội Quốc gia có thể ứng phó tốt với các cuộc khủng hoảng.
Các nhà Lãnh đạo Hội Chữ thập đỏ và Trăng lưỡi liềm đỏ khu vực Châu Á – Thái Bình Dương cam kết thúc đẩy và vận hành phối hợp trong Phong trào hiệu quả và hỗ trợ lẫn nhau trong khu vực Châu Á – Thái Bình Dương, công nhận và tôn trọng vai trò quan trọng của các Hội Quốc gia cũng như tận dụng sức mạnh bổ sung của các thành phần phong trào để đạt được kết quả nhân đạo tốt nhất cho cộng đồng.