Thời gian qua, các tổ chức tín dụng đã không ngừng nghiên cứu ứng dụng rộng rãi các công nghệ số tiên tiến như dữ liệu lớn, phân tích dữ liệu, trí tuệ nhân tạo/máy học… nhằm tối ưu hóa, đơn giản hóa quy trình nghiệp vụ, cung ứng sản phẩm, dịch vụ mang tính cá nhân hóa cao, phù hợp với nhu cầu của khách hàng. Đặc biệt với việc ứng dụng cơ sở dữ liệu quốc gia (CSDLQG) về dân cư vào hoạt động ngân hàng đã mang lại nhiều lợi ích “kép” cho cả ngân hàng và khách hàng.
Hỗ trợ khách hàng đặt lịch giao dịch bằng Căn cước công dân tại VietinBank Chi nhánh Bắc Nam Định. |
Theo thống kê của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam, hiện nhiều ngân hàng có hơn 90% giao dịch khách hàng thực hiện trên kênh số; nhiều tổ chức tín dụng có hiệu quả hoạt động tốt nhờ tích cực chuyển đổi số, giảm tỷ lệ chi phí trên thu nhập (CIR) xuống ngưỡng 30%, tiệm cận tỷ lệ mà nhiều ngân hàng khu vực, quốc tế đang chuyển đổi số nỗ lực hướng tới. Không chỉ tiên phong trong chuyển đổi số, ngành Ngân hàng là một trong số ngành đã được Thủ tướng Chính phủ đánh giá cao tích cực vào cuộc quyết liệt trong triển khai thực hiện Đề án phát triển ứng dụng dữ liệu về dân cư, định danh và xác thực điện tử phục vụ chuyển đổi số quốc gia giai đoạn 2022-2025, tầm nhìn đến năm 2030 của Chính phủ (Đề án 06).
Đến nay, nhiều tổ chức tín dụng đã triển khai các giải pháp cho phép khách hàng mở tài khoản thanh toán dựa trên xác thực dữ liệu dân cư; cho phép định danh, xác minh thông tin khách hàng bằng thẻ căn cước công dân (CCCD) gắn chíp hoặc ứng dụng VNeID; làm sạch thông tin khách hàng với CSDLQG về dân cư; tối ưu quá trình cho vay bằng các giải pháp chấm điểm tín dụng, xác thực thông tin đa chiều bằng dữ liệu dân cư. Trong năm 2022, một số đơn vị như Vietcombank, BIDV, VietinBank… đã phối hợp với Cục Cảnh sát quản lý hành chính về trật tự xã hội (C06 – Bộ Công an) hoàn thành triển khai thử nghiệm giải pháp ứng dụng xác thực qua thẻ CCCD gắn chíp trong một số nghiệp vụ như xác thực, định danh khách hàng tại quầy giao dịch; xác thực, định danh khách hàng giao dịch tại ATM. Năm 2023, Vietcombank đã lập kế hoạch triển khai chính thức giải pháp sử dụng thiết bị di động (do ngân hàng mua sắm cho nhân viên) cài đặt ứng dụng xác thực khách hàng qua thẻ CCCD gắn chíp (giải pháp Match on Card – MoC). Một số tổ chức tín dụng khác như MB, PVComBank… đã thử nghiệm hệ thống chấm điểm tín dụng công dân trên nền tảng dữ liệu dân cư.
Trên cơ sở đồng ý của khách hàng, Vietcombank Chi nhánh Nam Định đang thí điểm kết nối hệ thống với CSDLQG về dân cư để xác thực/định danh khách hàng qua VNeID và nghiên cứu ứng dụng Mô hình chấm điểm tín dụng công dân như là một yếu tố tham khảo trong thẩm định/phê duyệt các khoản cho vay tiêu dùng/phát hành thẻ tín dụng giá trị nhỏ cho khách hàng trên kênh ngân hàng số (VCB Digibank). Thay vì phải chuẩn bị hồ sơ và đến ngân hàng để làm các thủ tục vay như trước đây, với giải pháp này, khách hàng có thể được phê duyệt khoản vay tín chấp/phát hành thẻ tín dụng ngay nếu đáp ứng điều kiện như: Định danh và xác thực qua VneID; điểm tín dụng công dân và một số tiêu chí khác chứng minh khả năng trả nợ của mình.
Ngoài ra, thực hiện chiến lược tài chính toàn diện của Chính phủ và góp phần hạn chế tình trạng tín dụng đen, Ngân hàng TMCP Công thương Việt Nam (VietinBank) đang triển khai các hoạt động cho vay trực tuyến, đặc biệt là cho vay tín chấp đối với các món nhỏ. Ngân hàng TMCP Hàng Hải Việt Nam (MSB) Chi nhánh Nam Định cũng triển khai giải ngân trực tuyến cho doanh nghiệp trên kênh ngân hàng điện tử với mức vay lên đến 15 tỷ đồng. Ngân hàng TMCP Việt Nam Thịnh Vượng (VPBank) Chi nhánh Nam Định cũng triển khai chương trình “Vốn về liền tay, Click giải ngân ngay” dành cho khách hàng doanh nghiệp với thủ tục 100% online, giải ngân trong vòng 1-2 giờ làm việc. Các khoản vay tập trung phục vụ các nhu cầu thiết yếu của cuộc sống như tiêu dùng, mua bất động sản, mua ô tô, vay kinh doanh… dành cho các khách hàng có hoặc không có tài sản bảo đảm. Đây sẽ là một tiện ích giúp khách hàng tiết kiệm tối đa về thủ tục, thời gian đi lại và giao dịch thuận tiện 24/7, giải ngân nhanh chỉ trong 1-3 giờ hoặc chậm nhất là 1 ngày kể từ khi nhận được hồ sơ hoàn thiện của khách hàng. Ngoài ra, một số dịch vụ được thực hiện trên môi trường số có sử dụng định danh xác thực khách hàng qua việc kết nối, khai thác CSDLQG về dân cư với ngân hàng như: Đăng ký mở tài khoản ngân hàng online; thanh toán trực tuyến các hóa đơn điện, nước, viễn thông, mua bán hàng hóa; gửi tiết kiệm, cho vay online; rút tiền từ ATM sử dụng CCCD. Thời gian tới, CSDLQG về dân cư sẽ được tích hợp với các dữ liệu chuyên ngành (bảo hiểm, thuế,…) thì đây sẽ là nguồn dữ liệu tốt để các ngân hàng thực hiện đánh giá khách hàng trong việc cho vay tín chấp và các loại hình cho vay khác, qua đó tạo điều kiện thuận lợi cho người dân thực hiện vay vốn ngân hàng.
Có thể khẳng định, việc kết nối thông suốt với CSDLQG về dân cư qua giải pháp VNeID cho phép các ngân hàng xác thực định danh đúng khách hàng, giảm giả mạo cùng với cơ chế cho phép thẩm định phê duyệt tự động trong hoạt động cấp tín dụng là cơ hội tốt giúp nhiều người dân dễ dàng tiếp cận với nguồn vốn tín dụng của ngân hàng trên môi trường điện tử với lãi suất hợp lý. Hình thức tích hợp trên sẽ giúp giảm thiểu công tác hậu kiểm (như chấm điểm tín dụng, xác thực khách hàng trực tuyến, xác thực thông tin đa chiều…) tiết giảm chi phí và thời gian của cả khách hàng và ngân hàng. Bên cạnh đó, thời gian xử lý nhanh chóng; giao dịch mọi lúc, mọi nơi thông qua điện thoại di động kết nối internet, không phụ thuộc vào giờ đóng/mở cửa của ngân hàng sẽ giúp khách hàng tiếp cận nguồn vốn vay với mức lãi suất thấp từ các ngân hàng thương mại chính thống mà không phải tìm đến các nguồn tài chính bất hợp pháp trên thị trường. Với các ngân hàng, việc cho vay/phát hành thẻ tín dụng online giúp tiết kiệm thời gian, chi phí, nhân lực, qua đó có thể giải quyết số lượng lớn nhu cầu vay trong thời gian ngắn. Trên bình diện xã hội, việc đơn giản hóa các khoản vay/thẻ tín dụng kích thích nhu cầu vay vốn, giúp người dân được hỗ trợ tài chính để trang trải chi phí cuộc sống, bổ sung nguồn vốn kinh doanh, đẩy mạnh chi tiêu, từ đó thúc đẩy phát triển kinh tế.
Thời gian tới, ngành Ngân hàng sẽ tiếp tục chỉ đạo các tổ chức tín dụng đầu tư nâng cấp hạ tầng công nghệ thông tin, triển khai ứng dụng các giải pháp đảm bảo an ninh, bảo mật trong hoạt động ngân hàng. Đồng thời, ứng dụng mạnh mẽ các công nghệ số tích hợp CSDLQG về dân cư vào hoạt động ngân hàng để cung ứng các sản phẩm, dịch vụ ngân hàng trên nền tảng số; chú trọng thiết lập hệ sinh thái số, kết nối dịch vụ ngân hàng số với nhiều dịch vụ số khác trong nền kinh tế, đa dạng hóa sản phẩm, dịch vụ, tăng tính tiện ích và gia tăng trải nghiệm khách hàng; đẩy mạnh hợp tác kết nối, tận dụng năng lực công nghệ của các công ty Fintech. Đặc biệt, các tổ chức tín dụng cần đẩy mạnh truyền thông, thông tin đến các khách hàng dưới nhiều hình thức để hướng dẫn, nâng cao nhận thức, hiểu biết của khách hàng về ứng dụng công nghệ và những lưu ý, cảnh báo để hỗ trợ khách hàng nhận biết, phòng, tránh rủi ro khi thực hiện giao dịch trên môi trường điện tử./.
Bài và ảnh: Đức Toàn