Sau khi ký Hiệp định thương mại tự do (FTA) đầu tiên với ASEAN cách đây hơn 30 năm, Việt Nam đã nỗ lực “mở cánh cửa” tiếp cận với nhiều thị trường tiềm năng khác. Theo Bộ Công Thương, đến thời điểm hiện tại, Việt Nam đã ký kết, thực thi 16 FTA và 3 FTA đang đàm phán.
Sau khi ký kết VIFTA, Việt Nam trở thành một trong những nền kinh tế có độ mở lớn, có quan hệ thương mại trong khu vực mậu dịch tự do với hơn 60 nền kinh tế trên khắp thế giới. (Nguồn: TTĐN) |
Năm 2023, Việt Nam ký kết FTA với Israel (VIFTA), đưa đất nước trở thành một trong những nền kinh tế có độ mở lớn và có quan hệ thương mại trong khu vực mậu dịch tự do với hơn 60 nền kinh tế trên khắp thế giới. Việt Nam cũng là quốc gia duy nhất ký kết FTA với tất cả các đối tác kinh tế lớn trên toàn cầu như: Mỹ, Nhật Bản,Trung Quốc, Liên minh châu Âu (EU), Anh, Nga…
16 FTA đã có hiệu lực với hơn 60 đối tác, phủ rộng khắp các châu lục chính là cơ sở, là nền tảng đưa Việt Nam trở thành một trong những nước dẫn đầu khu vực về tham gia các khuôn khổ hợp tác kinh tế song phương và đa phương, từ đó, thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, giúp đất nước vượt “gió ngược”.
Tác động tích cực cho nền kinh tế
Tại Diễn đàn Doanh nghiệp 2024 “Khơi thông động lực tăng trưởng mới” diễn ra hồi tháng 4, ông Trịnh Minh Anh, Chánh Văn phòng Ban chỉ đạo liên ngành Hội nhập quốc tế về kinh tế (Bộ Công Thương) cho hay, cùng với tham gia Tổ chức Thương mại thế giới (WTO từ năm 2007), việc thực thi các FTA đã góp phần thúc đẩy GDP của Việt Nam tăng hơn 300%, kim ngạch xuất nhập khẩu tăng 350%.
Ông nhấn mạnh: “Kết quả này là minh chứng cho chủ trương đúng đắn của Đảng ta về hội nhập kinh tế quốc tế; trong đó có việc tham gia các FTA và chỉ đạo kịp thời của Chính phủ trong tăng cường thực hiện và khai thác hiệu quả các hiệp định thương mại tự do hướng tới đẩy mạnh hội nhập kinh tế quốc tế theo hướng hiệu lực và hiệu quả”.
Các FTA đã tạo động lực, mở rộng thị trường, cơ hội thương mại, xuất nhập khẩu và đầu tư. Việc tham gia các FTA đã góp phần đưa nền kinh tế nước ta duy trì mức tăng trưởng cao từ 6 – 7%/năm, kinh tế vĩ mô ngày càng ổn định; lạm phát được kiểm soát, các cân đối lớn được bảo đảm.
Trong 5 năm 2018 – 2022, tốc độ tăng kim ngạch xuất, nhập khẩu bình quân của Việt Nam đạt 11,3%/năm. Trong giai đoạn kinh tế thế giới và trong nước chịu tác động tiêu cực của dịch Covid-19, hoạt động xuất, nhập khẩu tuy suy giảm nhưng vẫn đạt mức tăng trưởng dương.
“Việc tham gia các FTA đã thực sự tạo thêm động lực và mang lại nhiều tác động tích cực cho kinh tế Việt Nam. Thị trường xuất nhập khẩu được mở rộng và đa dạng hóa; thị trường dịch vụ tài chính phát triển hơn với sự tham gia của nhiều nhà đầu tư nước ngoài; hệ thống thể chế, chính sách cũng từng bước được hoàn thiện nhằm đáp ứng yêu cầu hội nhập và thực thi cam kết trong các FTA”, ông Trịnh Minh Anh nhấn mạnh.
Bưởi Diễn Hòa Bình có mặt tại các kệ tại siêu thị Vương quốc Anh. (Nguồn: TTXVN) |
Nông sản Việt “cất cánh”
Theo số liệu của Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn, tổng kim ngạch xuất khẩu nông, lâm, thủy sản 6 tháng đầu năm 2024 đạt 29,2 tỷ USD, tăng 19% so với cùng kỳ năm 2023.
Ngành nông nghiệp luôn phát huy vai trò trụ đỡ nền kinh tế, với những chỉ số gia tăng mạnh cả về sản lượng, năng suất, chất lượng và kim ngạch xuất khẩu. Điều này có một phần đóng góp quan trọng từ các FTA khi thị trường xuất khẩu hàng đầu của Việt Nam hiện đều là các nước tham gia trong các FTA.
Năm ngoái, Trung Quốc, Mỹ, Nhật Bản và Hàn Quốc cũng là 4 thị trường xuất khẩu nông, lâm, thủy sản lớn nhất của Việt Nam. Đây hầu hết là các thị trường và khu vực thị trường có FTA với Việt Nam.
Về thủy sản, theo Bộ Công Thương, Việt Nam đang xuất khẩu thủy sản sang hơn 160 thị trường trên thế giới. Trong đó, xuất khẩu sang các nước thành viên Hiệp định Đối tác kinh tế toàn diện khu vực (RCEP) với số lượng lớn nhất, chiếm tới 63,5% thị phần xuất khẩu thủy sản của Việt Nam.
Thương vụ Việt Nam tại Australia cho biết, thế mạnh của tôm Việt Nam so với các đối thủ cạnh tranh trên thị trường này không chỉ ở chất lượng, khả năng cung ứng mà còn do trình độ chế biến hàng giá trị gia tăng.
“Người dân ngày càng ưa dùng tôm Việt Nam, từ nhà hàng cho tới hệ thống siêu thị lớn của Australia, cho đến các cửa hàng, siêu thị tiện ích… Đáng chú ý, Australia đang có xu hướng giảm nhập khẩu từ các nước khác do trình độ chế biến chưa cao bằng Việt Nam”, đại diện Thương vụ Việt Nam tại Australia thông tin.
Với mặt hàng gạo – một trong những thế mạnh của Việt Nam – cũng rộng cửa vào thị trường EU. Khối 27 thành viên sẽ đưa thuế suất về 0% sau 3 – 5 năm đã mở ra cơ hội để gạo Việt Nam có thể cạnh tranh với các nước khác khi xuất khẩu vào EU. Hiện, Việt Nam đã vươn lên vị trí thứ 8 trong số các thị trường ngoại khối cung cấp gạo cho EU.
Trong khi đó, ngành hàng rau quả cũng đang tăng trưởng mạnh xuất khẩu vào EU nhờ các sản phẩm chất lượng cao và chế biến sâu. Hiệp hội Rau quả Việt Nam nhận định, mức tăng trưởng xuất khẩu rau quả vào thị trường EU năm 2024 có thể đạt 20%.
Ngoài ra, mặt hàng xuất khẩu chủ lực của nông nghiệp Việt Nam là cà phê cũng ghi nhận sự tăng trưởng mạnh vào các thị trường có FTA.
Trong quý I/2024, trị giá xuất khẩu cà phê sang khu vực châu Á và châu Âu tăng mạnh so với quý I/2023. Theo đó, tỷ trọng xuất khẩu cà phê sang châu Á và châu Âu tăng lần lượt từ 34,28% và 47,63% trong quý I/2023 lên 37,81% và 48,34% trong quý I/2024.
Các FTA không chỉ là động lực mạnh mẽ thúc đẩy tăng trưởng kinh tế mà còn hỗ trợ UBND các tỉnh, thành phố mở rộng kết nối giao thương, thúc đẩy phát triển kinh tế. (Nguồn: Báo Đấu thầu) |
Địa phương dần nhập cuộc
Theo Bộ Công Thương, các FTA không chỉ là động lực mạnh mẽ thúc đẩy tăng trưởng kinh tế mà còn hỗ trợ UBND các tỉnh, thành phố mở rộng kết nối giao thương, thúc đẩy phát triển kinh tế.
Đơn cử như với Đắk Lắk, tận dụng lợi thế từ các FTA, hiện nay hàng hóa của tỉnh đã xuất khẩu đến hơn 70 quốc gia, vùng lãnh thổ; mang sản phẩm, hàng hoá đến tay người tiêu dùng cuối cùng tại nhiều thị trường lớn trên thế giới.
Ông Huỳnh Ngọc Dương, Phó Giám đốc Sở Công Thương tỉnh Đắk Lắk cho hay, tỉnh có hơn 100 doanh nghiệp xuất nhập khẩu, kim ngạch xuất khẩu giai đoạn 2016-2020 tăng trưởng bình quân 14,4%/năm. Năm 2021 kim ngạch xuất khẩu là 1,151 triệu USD đạt 101,3% kế hoạch; năm 2022 kim ngạch xuất khẩu tăng lên 1,500 triệu USD, đạt 125% kế hoạch năm, tăng 30,4% so với cùng kỳ năm 2021.
Còn tại tỉnh Thái Bình, bà Tô Thị Hương Lan, Phó Giám đốc Sở Công Thương Thái Bình cho biết, hiệu quả thực thi các FTA thể hiện rõ nhất ở việc doanh nghiệp tận dụng được ưu đãi từ các FTA mang lại.
Bà Tô Thị Hương Lan nhấn mạnh: “Những nỗ lực của cơ quan quản lý nhà nước, cùng sự chủ động của chính doanh nghiệp đã mang lại ‘trái ngọt’. Nhờ việc nắm bắt thông tin về các FTA, doanh nghiệp tỉnh Thái Bình chuẩn bị trước cho mình lộ trình hội nhập, sẵn sàng đầu tư đổi mới để kịp thời tiếp cận và tận dụng các ưu đãi về thuế quan khi những Hiệp định này được ký kết, qua đó đẩy mạnh sản xuất, tăng doanh thu”.
Đối với các hàng hóa xuất khẩu sang thị trường mà Việt Nam đã ký các FTA, doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh Thái Bình được tạo điều kiện, hướng dẫn cấp Giấy chứng nhận xuất xứ hàng hóa (C/O) để hưởng ưu đãi về thuế quan, qua đó tăng sức cạnh tranh của hàng hóa của tỉnh tại những thị trường nhưASEAN, Nhật Bản, Hàn Quốc, Trung Quốc, Australia, New Zealand…
“Nhìn chung việc tận dụng ưu đãi thuế quan từ các FTA mà Việt Nam đã ký kết của các doanh nghiệp Thái Bình tương đối thuận lợi. Thống kê sơ bộ cho thấy, tỷ lệ tận dụng của các FTA trên địa bàn tỉnh hiện nay tính theo kim ngạch xuất khẩu chiếm khoảng trên dưới 40% trong tổng kim ngạch xuất khẩu của tỉnh”, bà Lan dẫn chứng.
Thay đổi, cố gắng và nỗ lực để thu thêm “trái ngọt”
Thời gian tới, để đẩy mạnh xuất khẩu, mở rộng thị trường với các mặt hàng chủ lực, TS. Doãn Hữu Tuệ, chuyên gia kinh tế nhận thấy, địa phương, doanh nghiệp cần nâng cao hiệu quả công tác hội nhập kinh tế quốc tế, xây dựng mối liên kết chặt chẽ giữa các doanh nghiệp với nhau, phối hợp với các hiệp hội ngành hàng để nâng cao sức cạnh tranh và hội nhập nhanh của doanh nghiệp.
Trong đó, vị chuyên gia nhận thấy, cần tập trung vào 3 nội dung để tăng giá trị kim ngạch xuất khẩu đó là: Phát triển doanh nghiệp xuất khẩu, đa dạng hóa thị trường xuất khẩu và nâng cao chất lượng sản phẩm xuất khẩu.
Còn ông Trịnh Minh Anh thì cho rằng, Chính phủ, địa phương và doanh nghiệp cần chiến lược, chủ động, đổi mới mạnh mẽ.
Theo ông, điều quan trọng là phải tiếp tục hoàn thiện thể chế, chính sách, pháp luật nhằm bảo đảm tính nhất quán, đồng bộ, công bằng, minh bạch, không phân biệt đối xử, đúng trình tự thủ tục nhằm hạn chế tranh chấp phát sinh với nhà đầu tư nước ngoài và giải quyết hiệu quả các tranh chấp nếu có. Đồng thời, tiếp tục xây dựng và hoàn thiện cơ chế cảnh báo sớm để phòng ngừa tranh chấp.
Cùng với đó, cần có sự phối hợp đồng bộ của tất cả các cấp, ngành, địa phương và doanh nghiệp. Thường xuyên kiểm tra, giám sát việc triển khai và thực thi các FTA đã có hiệu lực trên cơ sở phát huy tối đa nội lực, gắn kết chặt chẽ và thúc đẩy quá trình hoàn thiện thể chế, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, hiện đại hóa kết cấu hạ tầng, nâng cao sức mạnh tổng hợp và năng lực cạnh tranh.
“Cần có chiến lược bài bản, tinh thần tích cực, chủ động, đổi mới mạnh mẽ cả tư duy và hành động nhằm góp phần khơi thông và thúc đẩy các động lực tăng trưởng cho giai đoạn mới”, ông nhấn mạnh.
Có những thay đổi, cố gắng và nỗ lực như trên, Việt Nam sẽ tiếp tục thu được những “trái ngọt” từ 16 FTA đang sở hữu.
Nguồn: https://baoquocte.vn/loi-ich-tu-cac-fta-phu-song-nhieu-linh-vuc-cua-nen-kinh-te-viet-nam-can-doi-moi-manh-me-de-thu-them-trai-ngot-277991.html