Tuy nhiên, dứa cũng tiềm ẩn một số tác dụng phụ nếu không được sử dụng đúng cách, theo trang sức khỏe HealthShots (Ấn Độ).
Giàu vitamin và khoáng chất
Dứa chứa đầy đủ các loại vitamin và khoáng chất cần thiết cho cơ thể. Trong 225 gram dứa cung cấp khoảng 88% lượng vitamin C và 109% lượng mangan cần thiết hằng ngày.
Dứa còn chứa một lượng đáng kể chất xơ, kali và canxi, theo nghiên cứu được công bố trên tạp chí International Journal of Nutrition and Food Sciences.
Cung cấp chất chống oxy hóa
Chất chống oxy hóa đóng vai trò bảo vệ cơ thể khỏi tác hại của các gốc tự do, nguyên nhân gây ra stress oxy hóa, dẫn đến tình trạng viêm nhiễm, suy giảm hệ miễn dịch và tăng đường huyết.
Dứa là nguồn cung cấp các hợp chất flavonoid và phenol, hai nhóm chất chống oxy hóa. Theo nghiên cứu trên Nutrition & Metabolism, việc tiêu thụ dứa giúp giảm stress oxy hóa và viêm ở tim, góp phần bảo vệ sức khỏe tim mạch.
Hỗ trợ tiêu hóa
Dứa chứa một loại enzym đặc biệt có lợi cho hệ tiêu hóa, đó là bromelain. Bromelain giúp phân hủy protein dễ dàng, theo nghiên cứu được công bố trên trang Molecules.
Giàu chất xơ
Chất xơ giúp tăng thể tích phân và thúc đẩy nhu động ruột, từ đó ngăn ngừa táo bón. Một nghiên cứu được công bố trên tạp chí Nutrients chỉ ra rằng dứa có hiệu quả trong việc điều trị táo bón mãn tính.
Ngăn ngừa ung thư
Nhiều bệnh ung thư hình thành do stress oxy hóa. Dứa có thể giúp giảm nguy cơ này nhờ enzyme bromelain có đặc tính chống ung thư.
Bromelain giúp giảm stress oxy hóa trong cơ thể. Nghiên cứu được công bố trên tạp chí Nutrients cũng chỉ ra enzyme này được dùng để điều trị ung thư.
Tăng cường miễn dịch
Dứa có thể tăng cường khả năng miễn dịch bằng cách giảm viêm trong cơ thể. Một nghiên cứu trên tạp chí Nutrition and Metabolism đã quan sát tác động của việc tiêu thụ dứa ở 98 trẻ em.
Theo đó, trẻ tham gia được chia thành ba nhóm: Một nhóm không được cung cấp nước ép dứa, một nhóm được cung cấp 1 cốc nước ép dứa đóng hộp và một nhóm được cung cấp 2 cốc nước ép dứa đóng hộp.
Kết quả là nhóm uống nước ép dứa có nguy cơ mắc các bệnh nhiễm trùng do vi khuẩn và vi rút thấp hơn.
Giảm đau
Một nghiên cứu trên tạp chí Foods cho rằng dứa có tác dụng giảm đau viêm khớp. Nó cũng giúp giảm đau lưng dưới do thoái hóa khớp. Dứa còn giúp giảm đau bụng kinh và nên được ăn vào 3 ngày đầu tiên của kỳ kinh nguyệt.
Đẹp da
Dứa có thể giúp da sáng bóng nhờ vitamin C dồi dào. Một nghiên cứu được Viện Y tế Quốc gia Mỹ công bố cho biết dứa có thể giảm nếp nhăn vì chứa chất chống oxy hóa. Thêm vào đó, dứa cũng giúp giảm tổn thương da và cải thiện kết cấu da.
Lưu ý khi dùng dứa
Dứa có thể gây ra một số tác dụng phụ. Người dị ứng dứa bị phát ban, nổi mề đay, thậm chí khó thở.
Do lượng vitamin C cao, việc ăn quá nhiều dứa có thể dẫn đến buồn nôn, ợ nóng, hoặc chảy máu kinh nguyệt bất thường. Phụ nữ mang thai cần tham khảo ý kiến bác sĩ trước khi ăn dứa.
Dứa chưa chín có thể gây buồn nôn, khó tiêu. Người bệnh thận cũng nên thận trọng vì dứa chứa nhiều kali.
Nguồn: https://thanhnien.vn/loi-ich-suc-khoe-khi-an-dua-moi-ngay-18524060715344969.htm