Những năm gần đây, huyện Vũ Quang (Hà Tĩnh) luôn tạo điều kiện, khuyến khích người dân phát triển chăn nuôi theo hình thức trang trại khép kín. Đây được xem là hướng đi bền vững, giải quyết bài toán về môi trường, mang lại hiệu quả kinh tế cao cho bà con.
Trang trại chăn nuôi lợn thịt của hộ gia đình ông Nguyễn Tiến Mạnh (thôn 1 – Bồng Giang, xã Đức Giang).
Đến thăm khu chăn nuôi lợn thịt của gia đình ông Nguyễn Tiến Mạnh (thôn 1 – Bồng Giang, xã Đức Giang), chúng tôi không khỏi ấn tượng bởi hệ thống chăn nuôi sạch sẽ.
Ông Mạnh cho biết, năm 2012, sau khi được huyện giới thiệu mô hình chăn nuôi liên kết, gia đình ông đã đầu tư hơn 1 tỷ đồng để xây dựng chuồng trại chăn nuôi lợn hiện đại, có hệ thống làm mát bằng hơi nước và hệ thống bể biogas theo công nghệ của Công ty cổ phần Chăn nuôi CP Việt Nam. Trang trại có diện tích gần 1.000 m2, quy mô thả nuôi 600 con lợn thương phẩm/lứa.
Hệ thống làm mát giúp điều hòa nhiệt độ tại khu vực chăn nuôi lợn.
“Nhờ đầu tư xây dựng hệ thống xử lý chất thải, nước thải nên đã giải quyết được tình trạng ô nhiễm môi trường khu vực chăn nuôi. Hơn 10 năm liên kết với Công ty cổ phần Chăn nuôi CP Việt Nam, trang trại được bao tiêu sản phẩm và được tập huấn, trang bị kiến thức nuôi, phòng dịch, phòng bệnh cũng như xử lý chất thải chăn nuôi hiện đại.
Chúng tôi cũng thường xuyên vệ sinh chuồng trại sạch sẽ nên vật nuôi phát triển tốt, hạn chế được mầm bệnh. Nhờ đó mỗi năm, gia đình nuôi 1.200 con, tổng sản lượng đạt hơn 145 tấn lợn thịt/năm, gia đình được công ty trả công chăm sóc 4.000 đồng/kg. Cách nuôi này không chỉ giúp gia đình giải quyết bài toán về môi trường mà con mang lại hiệu quả kinh tế cao”.
Trên địa bàn Vũ Quang hiện có 20 trang trại chăn nuôi lợn với tổng đàn gần 18.000 con.
Ngoài trại lợn của ông Mạnh, trên địa bàn huyện Vũ Quang hiện còn có 19 trang trại chăn nuôi lợn khác, với tổng đàn gần 18.000 con và 5 trại nuôi gà với tổng đàn hơn 20.000 con.
Theo người dân, chăn nuôi nhỏ lẻ luôn tiềm ẩn cao nguy cơ dịch bệnh, ảnh hưởng đến môi trường, gây thiệt hại về kinh tế cho người dân. Chính vì thế, những năm gần đây, được địa phương tạo điều kiện, khuyến khích, người dân đã mạnh dạn phát triển chăn nuôi theo hình thức trang trại. Đây được xem là hướng đi bền vững, mang lại hiệu quả kinh tế cao cho bà con.
Với quy trình chăn nuôi hiện đại nên vấn đề môi trường luôn được trang trại của ông Trần Quốc Lâm (thôn Hợp Lý, xã Hương Minh) đảm bảo.
Trang trại của ông Trần Quốc Lâm (thôn Hợp Lý, xã Hương Minh) có diện tích hơn 1 ha, được xây dựng theo mô hình khép kín với chi phí gần 2 tỷ đồng, quy mô 1.000 con lợn thịt/lứa. Nhờ thực hiện đầy đủ các khâu tiêu độc khử trùng và chăn nuôi theo hướng an toàn sinh học nên đàn lợn phát triển khỏe mạnh, sinh trưởng tốt.
Ông Lâm cho biết: “Chăn nuôi hình thức trang trại giúp gia đình tạo ra những lứa lợn thịt chất lượng, được công ty thu mua đánh giá cao. Ngoài ra, với quy trình chăn nuôi hiện đại, được đầu tư hệ thống xử lý nước thải, chất thải bài bản như bể biogas, máy lọc không khí… nên vấn đề môi trường luôn được trang trại đảm bảo. Hiện, mỗi năm chúng tôi xuất chuồng được hai lứa lợn với gần 2.000 nghìn con, trừ các chi phí thu lãi gần 500 triệu đồng”.
Mô hình nuôi gà thịt quy mô 12.000 con gà thịt/lứa của ông Nguyễn Đức Thuận (thôn Hương Giang, xã Đức Hương).
Trang trại nuôi gà của ông Nguyễn Đức Thuận (thôn Hương Giang, xã Đức Hương) hiện đang nuôi 12.000 con gà thịt/lứa. Đây là mô hình được chính quyền địa phương, ngành nông nghiệp huyện đánh giá cao trong hiệu quả kinh tế và đảm bảo vệ sinh môi trường.
Ông Thuận cho biết: “Năm 2021, gia đình tôi được xã tạo điều kiện cho thuê gần 3 ha đất. Trên diện tích này, tôi đã đầu tư xây dựng 3 dãy chuồng trại chăn nuôi gà có quy mô 12.000 con gà thịt/lứa và Công ty TNHH Japan là đơn vị bao tiêu sản phẩm. Do chăn nuôi quy mô lớn nên ngoài đầu tư trang bị hệ thống máng ăn, nước uống tự động, máy hút mùi… tôi còn sử dụng đệm lót sinh học và hằng tháng phun thuốc khử mùi, khử khuẩn.
Nhờ đó, môi trường chuồng trại luôn đảm bảo, gà phát triển tốt, gia đình xuất bán được 3 lứa gà/năm. Với giá thu mua của công ty là 52.000 đồng/kg, trừ chi phí sau 3,5 tháng nuôi, gia đình tôi có thu nhập gần 130 triệu đồng/lứa”.
Chăn nuôi trang trại được xem là hướng đi bền vững, mang lại hiệu quả kinh tế cao cho người chăn nuôi Vũ Quang.
Đánh giá về hiệu quả của việc phát triển chăn nuôi trang trại gắn với đảm bảo vệ sinh môi trường, ông Nguyễn Xuân Nam – Trưởng Phòng NN&PTNT huyện Vũ Quang cho biết, trên địa bàn huyện hiện có 20 trang trại chăn nuôi đạt tiêu chí theo Thông tư 02/2020/TT-BNNPTNT của Bộ NN&PTNT (giá trị sản xuất bình quân phải đạt từ 2 tỷ đồng/năm trở lên và đạt quy mô chăn nuôi trang trại theo quy định tại Điều 52 Luật Chăn nuôi và văn bản hướng dẫn).
Các trang trại này đều được quy hoạch cách xa khu dân cư, đầu tư đầy đủ cơ sở hạ tầng và hệ thống xử lý chất thải, nước thải như hầm biogas, hệ thống điều hòa thoáng khí… Bên cạnh đó, các chủ trang trại đều áp dụng quy trình chăn nuôi khép kín, kỹ thuật chăn nuôi tiên tiến, hiện đại, vừa giải quyết bài toán về môi trường, vừa mang lại hiệu quả kinh tế cao.
“Huyện luôn tạo điều kiện cho người dân phát triển chăn nuôi theo hình thức trang trại, thường xuyên phối hợp với các đơn vị hướng dẫn chăn nuôi an toàn sinh học, đảm bảo vệ sinh môi trường cho người dân. Từ đó, các trang trại đã áp dụng, góp phần cải thiện đáng kể tình trạng ô nhiễm môi trường, hạn chế được rủi ro bởi dịch bệnh, từng bước nâng cao hiệu quả sản xuất” – ông Nguyễn Xuân Nam nhấn mạnh.
Văn Chung