Để doanh nghiệp có thể tồn tại và phát triển bền vững, báo cáo tài chính đóng vai trò quan trọng trong việc thể hiện năng lực tài chính của họ.
Đối với các doanh nghiệp, việc lập báo cáo tài chính theo chuẩn mực kế toán quốc tế (IFRS) không chỉ là một yêu cầu bắt buộc mà còn là điều kiện để đảm bảo thông tin được hiểu rõ và dễ so sánh trên toàn cầu.
IFRS, được phát triển bởi Ủy ban Chuẩn mực Kế toán Quốc tế (IASB), cung cấp một ngôn ngữ chung cho các vấn đề kinh doanh quốc tế.
Tuy nhiên, việc lập báo cáo tài chính theo chuẩn IFRS không phải là điều đơn giản đối với nhiều doanh nghiệp.
Bà Nguyễn Thị Thủy, Giám đốc Đào tạo tại Trung tâm đào tạo Audit Care Vietnam (ACV) cho rằng, báo cáo tài chính không chỉ phản ánh tình hình tài chính của doanh nghiệp mà còn cần có khả năng ảnh hưởng đến quyết định đầu tư của các nhà đầu tư.
Vì vậy, báo cáo tài chính phải trình bày thông tin một cách trung thực và khách quan, phản ánh trung thực tình hình tài chính của doanh nghiệp tại thời điểm lập báo cáo.
Mục tiêu của báo cáo tài chính sẽ cung cấp thông tin đáng tin cậy để hỗ trợ quyết định của người sử dụng. Báo cáo cần cho phép so sánh giữa các đơn vị và các kỳ kế toán khác nhau, đồng thời phải thuyết minh rõ ràng các thông tin trọng yếu ảnh hưởng đến quyết định kinh tế của người sử dụng.
Thông tin trong báo cáo phải được kiểm chứng để đảm bảo tính chính xác và phản ánh đúng các hiện tượng kinh tế.
Đặc biệt, thông tin tài chính cần được trình bày rõ ràng và ngắn gọn để dễ hiểu, và phải được cung cấp kịp thời nhằm hỗ trợ các quyết định đầu tư hiệu quả.
Theo bà Thủy, một doanh nghiệp áp dụng IFRS sẽ minh bạch hơn về các khoản nợ và tài sản, từ đó giúp nhà đầu tư đánh giá chính xác rủi ro và tiềm năng lợi nhuận trước khi đưa ra quyết định đầu tư.
Khi các khoản nợ và tài sản được trình bày rõ ràng và chi tiết theo các chuẩn mực quốc tế, nhà đầu tư sẽ có cái nhìn toàn diện và trung thực về tình hình tài chính của doanh nghiệp.
Nhà đầu tư có thể dễ dàng so sánh các chỉ số tài chính này với các doanh nghiệp khác trong cùng ngành hoặc khu vực, từ đó đưa ra những quyết định đầu tư thông minh và hiệu quả hơn.
“Sự minh bạch này không chỉ giúp nhà đầu tư tự tin hơn mà còn gia tăng uy tín của doanh nghiệp trên thị trường tài chính, thu hút nhiều nguồn vốn đầu tư hơn”, bà Thủy nhấn mạnh.
Bà Thủy cho rằng, trong thực tế hiện nay, không ít kế toán lúng túng và gặp khó khăn trong việc lập báo cáo theo chuẩn bởi nhiều nguyên nhân, ví dụ như, các kế toán thiếu kiến thức và thiếu kinh nghiệm, hoặc các doanh nghiệp đang gặp khó khăn trong việc điều chỉnh quy trình kế toán, chi phí đào tạo và triển khai cao,….
“Đây chính là lý do cần phải mở các lớp đào tạo chuyên sâu về IFRS để giúp các kế toán viên nắm vững và áp dụng đúng các chuẩn mực này. Việc đào tạo chuyên sâu về IFRS là một nhu cầu cấp thiết để các kế toán viên có thể nắm vững và áp dụng đúng các chuẩn mực này trong thực tiễn. Các lớp đào tạo không chỉ cung cấp kiến thức lý thuyết mà còn đi sâu vào các tình huống thực tế, giúp kế toán viên hiểu rõ và tự tin hơn trong việc lập báo cáo tài chính theo IFRS”, bà Thủy cho biết.
Ngoài ra, theo bà Thủy, việc chuẩn bị sẵn sàng cho IFRS sẽ giúp doanh nghiệp tiếp cận dễ dàng hơn với thị trường quốc tế. Một số doanh nghiệp đã có kế hoạch tiếp tục đào tạo nhân viên, cải thiện quy trình và hệ thống báo cáo tài chính để tận dụng tối đa các lợi ích mà IFRS mang lại.
Nguồn: https://www.congluan.vn/loi-ich-cua-viec-lap-bao-cao-tai-chinh-chuan-quoc-te-post307039.html