Khan hiếm nước: Câu chuyện của toàn cầu
Báo cáo của Liên Hiệp Quốc vào tháng 10/2023 cho biết, hiện có tới 2,2 tỷ người đang sống thiếu nước sạch, trong khi những người không được tiếp cận với các điều kiện vệ sinh cơ bản lên tới 4,2 tỷ người. Dự báo đến trước năm 2030, có khoảng 60 quốc gia lâm vào tình trạng thiếu nước trầm trọng. Rõ ràng, nước đã trở thành một vấn đề toàn cầu.
Thậm chí trong mùa hè vừa qua, không chỉ châu Phi hay những vùng đất khô cằn ở Trung Đông và Nam Á, mà chính châu Âu cũng đã rơi vào cảnh tượng hạn hán chưa từng thấy. Những vùng đất rộng lớn ở Trung và Nam Âu quá khô hạn do nắng nóng và thiếu mưa nghiêm trọng.
Hầu như toàn bộ Cộng hòa Czech và Lithuania đều bị hạn hán vào tháng 7. Tháng 3 trước đó chứng kiến những người biểu tình ở Pháp đụng độ với cảnh sát về việc xây dựng các hồ chứa nước nhằm cứu trợ các trang trại bị hạn hán. Các nhà vận động vì môi trường lo ngại hạn hán ở các lưu vực này có thể khiến mực nước ngầm sụt giảm.
Theo các quan chức tại Tây Ban Nha, trữ lượng nước đã giảm xuống còn 41%, khiến nông dân bị mất mùa trầm trọng và việc cắt giảm nước đã được áp dụng ở một số khu vực ở quốc gia này. Biến đổi khí hậu do con người gây ra đã dẫn đến nhiều đợt nắng nóng và hạn hán. Đây là một trong những lý do chính khiến cuộc khủng hoảng nước ngày càng gia tăng ở châu Âu và trên thế giới.
Đồng thời, nhu cầu về tài nguyên ngày càng tăng, với ngành công nghiệp và nông nghiệp khai thác nhiều nước từ lòng đất, sông hồ hơn mức có thể được bổ sung, cũng là một nguyên nhân gây khan hiếm nguồn nước.
Theo Marc Bierkens – nhà thủy văn học tại Đại học Utrecht ở Hà Lan, ngành công nghiệp sử dụng một nửa tài nguyên nước của châu Âu, trong khi 40% được cung cấp cho nông nghiệp và 10% còn lại do các hộ gia đình sử dụng.
Tại Liên minh châu Âu, tình trạng khan hiếm nước ảnh hưởng đến 11% dân số. Nguồn cung cấp nước giảm có thể khiến các hộ gia đình phải đối mặt với việc hạn chế sử dụng. Nhưng vấn đề không dừng lại ở đó, nó cũng tác động đến ngành năng lượng.
Năm 2022, chính quyền Pháp đã phải tắt một số nhà máy điện hạt nhân vì nước sông dùng để làm mát chúng quá ấm. Năm ngoái, mùa hè khô hạn cũng làm giảm sản lượng thủy điện ở Na Uy. Trong khi đó, những người nông dân sử dụng lượng nước để tưới cây trồng cũng bị ảnh hưởng nặng nề bởi tình trạng thiếu nước và hạn hán.
“Nước tái tạo” sẽ là lời giải?
Một giải pháp có thể triển khai trong nông nghiệp đó là sử dụng nguồn nước thải công nghiệp và sinh hoạt đã qua xử lý để tưới tiêu nhằm bảo vệ nguồn cung cấp nước ngọt quý giá. Lượng “nước tái tạo” này trên toàn EU có thể cao gấp sáu lần so với mức hiện tại.
Virginijus Sinkevicius – Ủy viên EU về Môi trường, Đại dương và Thủy sản, viết trong một thông cáo báo chí: “Tài nguyên nước ngọt đang khan hiếm và ngày càng chịu áp lực. Trong thời điểm nhiệt độ đạt đỉnh chưa từng thấy, chúng ta cần ngừng lãng phí nước và sử dụng nguồn tài nguyên này hiệu quả hơn”.
Các quy định mới của EU về yêu cầu tối thiểu đối với việc tái sử dụng nước để tưới tiêu nông nghiệp đã có hiệu lực vào mùa hè năm nay. Các quy định này yêu cầu rằng các quốc gia thành viên EU phải xử lý nước thải công cộng và công nghiệp để nông dân có thể sử dụng.
Ủy ban châu Âu cho biết, việc xử lý và tái sử dụng nước có thể thay thế 1/5 lượng nước tưới tiêu hiện đang sử dụng nước ngầm ở Tây Ban Nha và Bồ Đào Nha. Ở Pháp, Ý và Hy Lạp, con số này có thể lên tới 45%. Nước thải có thể đáp ứng mọi nhu cầu tưới tiêu ở các nước EU có ngành nông nghiệp nhỏ hơn.
Nhà thủy văn học Marc Bierkens cho biết: “Tất cả phụ thuộc vào chất lượng nước”. Ngày nay, các cơ sở công nghiệp lớn đã có nhà máy xử lý riêng, thường xả nước ra sông và “tùy thuộc vào ngành công nghiệp, nước thải công nghiệp qua xử lý thường tốt hơn nước thải hộ gia đình đã qua xử lý”.
Nhưng đây không phải là giải pháp cho tất cả các lĩnh vực. Sử dụng nước thải công nghiệp và nước thải sinh hoạt để tưới tiêu có thể gặp rủi ro nếu các nhà máy xử lý nước không thể lọc hết các chất ô nhiễm. Những chất ô nhiễm này có thể làm ô nhiễm đất và thực vật.
Giảm lãng phí nước
Cơ quan môi trường liên bang Đức (UBA) đã chỉ trích các quy định về nước thải mới của EU, nói rằng mực nước sông có thể giảm hơn nữa nếu có quá ít nước đã qua xử lý từ ngành công nghiệp và đô thị được đưa trở lại sông.
Chi phí là một yếu tố khác quyết định liệu có sử dụng nhiều nước tái chế hơn trong nông nghiệp hay không. Nếu vận chuyển từ nhà máy chế biến đến cánh đồng quá xa thì sẽ không có lợi cho người nông dân. Và điều đó thường xảy ra ở các nước như Slovenia, Bulgaria và Ba Lan.
Theo Bierkens, những nỗ lực nhằm tối ưu hóa việc tưới tiêu trong nông nghiệp đã tồn tại. Ví dụ, sử dụng hệ thống tưới nhỏ giọt hiệu quả sẽ tốt hơn so với các vòi phun nước quy mô lớn. Nhưng tiềm năng tiết kiệm nước lớn nhất nằm ở việc trồng các loại cây ít “khát” nước hơn.
Ý là nơi có diện tích trồng lúa lớn nhất châu Âu, việc trồng lúa sử dụng rất nhiều nước. Nông dân quanh sông Po, trung tâm trồng trọt của Ý, đã bị mất mùa nghiêm trọng trong năm thứ hai liên tiếp do không có tuyết rơi vào mùa đông trên dãy Alps và mực nước thấp.
Bierkens cho rằng nông dân Ý có thể được hưởng lợi từ việc trồng ngô hoặc lúa mì. Nhà thủy văn học này cho biết: “Lúa mì mùa đông là loại cây trồng ít phụ thuộc vào nước hơn. Nó cũng phát triển sớm và chín vào đầu mùa hè. Vì vậy, bạn không cần nhiều nước”.
Thích ứng bền vững
Một cách tiết kiệm nước thường bị bỏ qua là bảo trì các đường ống đưa tài nguyên đến các hộ gia đình và doanh nghiệp. Trung bình, 1/4 lượng nước ngọt của EU bị thất thoát trong quá trình vận chuyển đến vòi do rò rỉ và vỡ đường ống.
Bulgaria là nước vi phạm nặng nề nhất của EU. Khoảng 60% lượng nước của nó biến mất do rò rỉ. Ở Ý, một điểm nóng về hạn hán, khoảng 40% bị rò rỉ. Ở Bồ Đào Nha, tỷ lệ này nằm ở mức khoảng 30%.
Hiện tại, các quốc gia bị ảnh hưởng nhiều nhất bởi hạn hán và thiếu mưa – chẳng hạn như Tây Ban Nha, Ý và Bulgaria – lại là những quốc gia đầu tư số tiền ít nhất trên mỗi người dân để sửa chữa cơ sở hạ tầng nước bị rò rỉ.
Chống biến đổi khí hậu và thích ứng với nó đòi hỏi sự đổi mới trong cả quản lý nước và nông nghiệp. Sử dụng nước thải có thể là một phần quan trọng của giải pháp, nhưng cần phải được triển khai cẩn thận để đảm bảo rằng nó không gây hại cho môi trường và đạt được hiệu suất tối đa. Đồng thời, việc xây dựng kiến trúc bền vững và chuẩn bị cho thực tế khí hậu mới cũng là chìa khóa để xây dựng một tương lai yên bình và bền vững.
Anh Minh