Khách quen đến ăn trưa ở quán “cơm nhà giàu” nằm trên mặt tiền đường Võ Văn Tần (Q.3, TP.HCM) nhiều tháng nay đã không còn thấy hình ảnh quen thuộc của bà chủ Nguyễn Thị Lệ Hoa, bởi bà vừa qua đời ở tuổi 70 vì bệnh…
Lời dặn con của bà chủ trước khi mất
Với giá dao động từ 60.000 – 200.000 đồng/dĩa cơm, tùy món, quán ăn của bà Hoa được nhiều khách gọi vui là “cơm nhà giàu”. Suốt hơn 4 thập kỷ qua, nhiều người ghé quán ăn đã quá quen với hình ảnh bà chủ ngồi phía trước quán chuẩn bị món, niềm nở đón thực khách xa gần.
Quán ăn này còn có tên gọi thân thương là quán “Bà Béo”, phần bởi ngoại hình mũm mĩm của bà chủ. Vẫn còn nhớ thời điểm chúng tôi gặp bà vào cuối năm ngoái, bà vẫn khỏe mạnh, cười nói rằng mình nặng 135 kg, vì cảm thấy sức khỏe ngày càng yếu nên bà quyết định cố gắng giảm cân.
Nay khi ghé lại, ông Bùi Văn Trung (48 tuổi), là người con duy nhất của vợ chồng bà Hoa nói rằng mẹ mình đã mất cách đây 6 tháng vì bệnh. Hiện ông và vợ kế thừa quán ăn tâm huyết suốt 40 năm của mẹ.
“Những ngày mẹ bệnh nặng, bà luôn dặn tôi thay bà kế thừa quán ăn mà cả cuộc đời đã gầy dựng, không để thực khách ủng hộ thất vọng. Chính lời dặn của mẹ cũng như tâm huyết của bà dành cho quán cơm khi còn sống chính là động lực để vợ chồng tôi và gia đình luôn cố gắng phục vụ khách tốt nhất, như bao năm qua vẫn vậy”, ông chủ bồi hồi nhớ lại.
“Cô mất, liệu hương vị món ăn có thay đổi?”, nghe câu hỏi của PV, ông Trung cho biết từ năm 9 tuổi ông đã ra quán phụ mẹ tới giờ, được mẹ hướng dẫn. Thêm vào đó, cha ông cũng là người nắm rõ cách nấu các món ăn, cũng đã truyền lại cho ông nên hầu hết những món ăn ở quán cơm này không có gì thay đổi.
“Nghe cô mất, mình có chút trống trải…”
Theo quan sát, thời điểm hiện tại quán vẫn đông đúc khách. Lúc cao điểm giờ trưa, người làm văn phòng cũng như nhiều khách quen vẫn tìm tới ăn, ngồi kín các bàn, hết lượt khách này đến lượt khách khác.
Mỗi ngày, quán ăn vẫn phục vụ 30 – 40 món khác nhau, đa dạng cách chế biến, từ kho, chiên, xào, canh… đến phong phú nguyên liệu như cá, tôm, mực, thịt… Giá của các món ăn vẫn giữ nguyên không đổi suốt nhiều năm qua, theo lời kể chủ quán.
Ông Trung tâm sự vắng hình bóng mẹ ở quán là điều khiến anh cũng như nhiều thực khách cảm thấy trống trải, bởi nó đã quen thuộc suốt mấy chục năm qua. Tuy nhiên, anh cảm thấy được an ủi khi khách vẫn ghé ủng hộ quán như bao năm vẫn vậy.
Anh Thanh (28 tuổi), làm nhân viên văn phòng ở Q.3 cho biết suốt 2 năm nay, hầu như tuần nào anh cũng cùng đồng nghiệp ghé quán ăn này vì gần công ty. Thêm vào đó, sự đa dạng của món ăn, hương vị đậm đà, hợp khẩu vị cũng khiến anh và đồng nghiệp coi đây là quán “ruột”.
“Cô chủ quán dễ thương lắm, lúc mới biết tin cô mất, mình cũng thấy có chút buồn, trống trải vì lần nào tới ăn cũng thấy hình ảnh cô ngồi trước quán, cười nói. Ban đầu, mình cũng lo vì không biết hương vị món ăn có giống như trước không, may mắn là mình thử nhiều món và không thay đổi”, vị khách nhận xét.
Kế bên, chị Hồng Nhung, cũng là khách quen ở quán cho biết dù giá cơm ở đây có phần cao hơn so với nhiều quán khác, nhưng đồ ăn chất lượng, chị cảm thấy xứng đáng nên vẫn thường ghé ủng hộ. “Tuần ghé vài ngày chứ ngày nào cũng ăn thì khá đau ví với người lương văn phòng như mình”, chị cười nói.
Chủ quán cho biết hiện tại, quán cơm đã 3 thế hệ khi con trai ông cũng phụ việc buôn bán. Mỗi ngày, ông Trung cùng người thân và hàng chục nhân viên niềm nở phục vụ những phần cơm cho thực khách ủng hộ, kế thừa cơ nghiệp của người mẹ quá cố.
Nguồn: https://thanhnien.vn/com-nha-giau-o-tphcm-phan-an-mac-nhat-200000-dong-loi-dan-cua-ba-chu-truoc-khi-mat-185241204142200564.htm