Nhiệt độ trung bình của Trái đất đạt tới mức cao chưa từng thấy 17,18 độ C vào ngày 6/7, ngày thứ ba liên tiếp phá vỡ kỷ lục toàn cầu. Các nhà khoa học cảnh báo thế giới “vượt ngưỡng chịu đựng” về biến đổi khí hậu.
Người dân London trong cái nắng nóng tháng 7/2023. (Nguồn: CNN) |
Trung Quốc, Nhật Bản, các nước khu vực Bắc Phi, Trung Đông đều phải ban hành các cảnh báo về nắng nóng.
Phát biểu trước Ủy ban tuyển chọn của Quốc hội về quốc phòng và biến đổi khí hậu, hôm 23/5, đặc phái viên về khí hậu của Tổng thống Mỹ, ông John Kerry cho rằng, cuộc khủng hoảng khí hậu đã chạm đến ngưỡng khủng khiếp mà thế giới chưa từng biết đến trước đây.
“Những gì bạn đang nhìn thấy là băng tan, cháy rừng, lở đất, nắng nóng, lũ lụt, người tử vong vì nắng nóng, chất lượng không khí thấp. Hàng triệu người đang thiệt mạng khắp thế giới mỗi năm đều từ một nguyên nhân không hề mới, đó là việc sử dụng năng lượng đốt nhiên liệu hóa thạch mà không xử lý khí thải”, ông Kerry nói.
Mái vòm nhiệt
Giới khoa học khẳng định, khủng hoảng khí hậu làm trầm trọng thêm các hiện tượng sóng nhiệt.
Chỉ riêng trong tháng 5/2023, thế giới ghi nhận một số kỷ lục nhiệt độ cao đáng kinh ngạc. Nhà khí hậu học và sử học thời tiết độc lập người Tây Ban Nha Maximiliano Herrera (người chuyên về thống kê thời tiết khắc nghiệt) cho biết, tại Thượng Hải, Trung Quốc ghi nhận nhiệt độ cao nhất trong hơn 100 năm vào ngày 29/5. Tại huyện Tương Dương, tỉnh Nghệ An, nền nhiệt 43 độ C vào ngày 6/5, cao nhất từng được ghi nhận tại Việt Nam. Cùng ngày, người dân Thái Lan chứng kiến nhiệt độ 41 độ C, nền nhiệt nóng nhất từng được ghi nhận tại Bangkok.
Siberia đã lập hàng chục kỷ lục vào tháng Sáu khi nhiệt độ tăng lên tới gần 38 độ C trong một vòm nhiệt hình thành và kéo dài về phía Bắc.
Hầu hết các kỷ lục về nắng nóng được tạo ra trong một “mái vòm nhiệt”, vốn xuất hiện khi vùng khí áp cao hình thành và không di chuyển trong vòng một tuần trở lên.
Áp suất cao tạo ra thời tiết nhiều nắng và rất ít mây, làm các khối khí chìm xuống và nóng lên, khiến nhiệt độ tăng lên đến mức khó chịu, thậm chí nguy hiểm.
Dự báo, khủng hoảng khí hậu khiến hiện tượng này xảy ra thường xuyên với độ nóng ngày càng cao hơn.
Con người dễ bị tổn thương
Tại Mỹ, các nhà dự báo thời tiết cảnh báo mức độ nguy hiểm của đợt nắng nóng này do nhiệt độ ban đêm không hạ xuống đủ, khiến mức ngột ngạt của ngày tiếp theo càng khó chịu, đặc biệt ảnh hưởng tới sức khỏe con người và những hộ dân không có máy điều hòa.
Các nhà khoa học tại Trung tâm dự báo thời tiết Mỹ lưu ý, đợt nóng này có thể nguy hiểm hơn mọi khi, do thời gian kéo dài kỷ lục, nhiệt độ ban đêm vẫn cao, là một trong những hậu quả của khủng hoảng khí hậu.
Bà Lisa Patel, Giám đốc điều hành của Hiệp hội Y tế về khí hậu và sức khỏe (Mỹ) giải thích: “Khi trong không khí có nhiều hơi ẩm, vào ban ngày, độ ẩm đó phản xạ nhiệt, nhưng ban đêm, nó lại giữ nhiệt”.
Bà Patel nói, ban đêm là lúc cơ thể con người cần được nghỉ ngơi. Tuy vậy, do buổi đêm vẫn nóng nên những vụ tử vong liên quan đến nhiệt có thể tăng gấp sáu lần vào cuối thế kỷ này, trừ khi tình trạng ô nhiễm làm nóng hành tinh được kiểm soát đáng kể.
Các nhà nghiên cứu cảnh báo cuộc khủng hoảng khí hậu như trên còn ảnh hưởng đến giấc ngủ. Một nghiên cứu được công bố vào tháng trước ở Mỹ cho thấy những người sống ở vùng khí hậu nóng hơn sẽ mất ngủ nhiều hơn. Bà Patel nói: “Tất cả chúng ta đều biết cảm giác khó chịu như thế nào khi cố gắng chợp mắt trong một đêm nóng bức. Ứớc tính vào cuối thế kỷ này, con người có thể mất ngủ khoảng hai ngày mỗi năm và điều này còn tệ hơn đối với những người không có máy điều hòa nhiệt độ”.
Bà giải thích, nếu cơ thể con người không được phục hồi, căng thẳng do nhiệt có thể tiến triển thành say nắng, thậm chí gây ra chóng mặt và bất tỉnh.
Mặc dù điều này có thể xảy ra với bất kỳ ai, nhưng người già, người mắc bệnh mãn tính, và trẻ nhỏ, đặc biệt là trẻ sơ sinh sẽ chịu tác động xấu nhiều và nặng hơn. Đặc biệt, khi nắng nóng kéo dài đến vài ngày, các ca tử vong tăng lên do cơ thể con người không còn khả năng tự làm mát.
Bà Patel cho biết: “Chịu đựng nắng nóng vào ban ngày có thể được ví như tham gia chạy đua. Con người cần nghỉ ngơi để hồi phục, nhưng vì nhiệt độ ban đêm không giảm, cơ thể khó có thể giảm bớt căng thẳng”.
Nghiên cứu vừa đăng trên tạp chí Nature Communications cho thấy, những nơi như Afghanistan, Papua New Guinea và Trung Mỹ – bao gồm Guatemala, Honduras và Nicaragua – được coi là “điểm nóng” về nắng nóng, đặc biệt dễ bị tổn thương do dân số tăng nhanh và khả năng tiếp cận chăm sóc sức khỏe và nguồn cung cấp năng lượng hạn chế, làm suy yếu khả năng phục hồi của con người trước sự khắc nghiệt của thời tiết.
Cần những hành động có trách nhiệm
Nhiệt độ cao vào ban đêm phổ biến hơn ở các thành phố do hiệu ứng đảo nhiệt đô thị, trong đó các khu vực đô thị nóng hơn đáng kể so với khu vực khác.
Những nơi nhiều nhựa đường, bê tông, nhà kính và đường cao tốc hấp thụ nhiều nhiệt của Mặt trời hơn những khu vực có công viên, sông và những con đường rợp bóng cây. Ban ngày, những khu vực có nhiều không gian xanh – với cỏ và cây cối phản chiếu ánh sáng Mặt trời và tạo bóng râm sẽ mát mẻ hơn.
Bà Kristie Ebi, chuyên gia về khí hậu và sức khỏe tại Đại học Washington nói với CNN: “Nhiều thành phố đang xây những hầm tránh nắng nóng”. Bà lưu ý các chính quyền thành phố cần suy nghĩ lại về quy hoạch đô thị để ứng phó với biến đổi khí hậu, thông tin đầy đủ về những hầm tránh nóng như trên để người dân có thể sử dụng phù hợp.
“Sẽ mất một thời gian để cây cối phát triển, nhưng cần phải có các chương trình trồng cây tập trung vào những nơi đặc biệt dễ bị tổn thương, để bảo đảm rằng quy hoạch thành phố có tính đến một tương lai nóng bức hơn nhiều”.
Các chuyên gia cho rằng, tần suất các hiện tượng cực đoan xảy ra liên tục là lời cảnh báo của thiên nhiên, đòi hỏi các quốc gia cần hành động một cách có trách nhiệm hơn nữa trong cuộc chiến chống biến đổi khí hậu.