Mới đây, Intel công bố kế hoạch xây dựng nhà máy lắp ráp và thử nghiệm chip bán dẫn ở Wroclaw, Ba Lan. Theo Reuters, nhà máy trị giá gần 5 tỷ USD tại Ba Lan được kỳ vọng đi vào hoạt động năm 2027, sẽ sử dụng 2.000 lao động và tạo thêm hàng nghìn việc làm trong giai đoạn xây dựng, tuyển dụng bởi các nhà cung ứng. Hãng cho biết lý do chọn Ba Lan là vì cơ sở hạ tầng, nguồn nhân lực, cũng như vị trí thuận lợi với các cơ sở đang được triển khai tại châu Âu. Đây là một phần trong nỗ lực đẩy mạnh đầu tư của hãng vào các quốc gia thuộc Liên minh châu Âu (EU).

Chiến lược phát triển của Intel đề cập tới khoản đầu tư 100 tỷ USD trong 10 năm vào toàn bộ dây chuyền cung ứng chip bán dẫn tại “lục địa già”, từ khâu nghiên cứu phát triển, sản xuất cho tới công nghệ hoàn thiện. Cụ thể, ngoài Ba Lan, Intel còn xây dựng một siêu trung tâm sản xuất chip bán dẫn công nghệ cao ở Magdeburg, Đức; một trung tâm nghiên cứu phát triển và thiết kế chip bán dẫn gần Paris, Pháp; mở rộng và xây mới các dây chuyền khuôn đúc và sản xuất chip bán dẫn tại Ireland, Italy và Tây Ban Nha. Mục tiêu của kế hoạch này là góp phần nâng gấp đôi thị phần chip bán dẫn của EU từ chưa đến 10% hiện nay lên gấp đôi vào năm 2030. “Khoản đầu tư này là bước đi đáng nhớ cho cả Intel và châu Âu”, Reuters dẫn lời Giám đốc điều hành (CEO) Intel Pat Gelsinger nhấn mạnh.

Thông báo trên được đưa ra trong bối cảnh Intel trải qua quý I-2023 đầy khó khăn. Vừa qua, hãng thông báo kết quả kinh doanh 3 tháng đầu năm nay với doanh thu giảm tới gần 36% so với cùng kỳ năm ngoái vì lượng cầu giảm, đặc biệt là mặt hàng chip cho máy tính-dòng sản phẩm chủ đạo của công ty. Trong quý tiếp theo, Intel dự báo thu nhập bình quân trên mỗi cổ phiếu giảm thêm 4%. Financial Times đánh giá tình hình tài chính của gã khổng lồ phần mềm Mỹ đang khá căng thẳng.

Bên trong nhà máy sản xuất chip bán dẫn của Intel tại Ireland. Ảnh: Financial Times 

Cuối thập niên 2000, Intel vẫn là nhà sản xuất chip bán dẫn hàng đầu thế giới. Nhưng nay, hãng bị TSMC, Nvidia, Apple hay Samsung vượt mặt. Những sản phẩm của Intel đã tụt hậu về công nghệ so với nhiều “ông lớn” trong ngành. Vì vậy, Financial Times nhận định Intel dưới thời CEO Pat Gelsinger đã, đang và sẽ tích cực đầu tư xây dựng cơ sở rộng khắp, trong đó có châu Âu, nhằm đảo ngược đà đi xuống và cạnh tranh tốt hơn với các đối thủ, khôi phục vị thế thống trị của hãng.

Trong khi đó, thời kỳ đại dịch Covid-19 bùng phát đã gây ra tình trạng cung không đủ cầu đối với chất bán dẫn, kéo theo sự khan hiếm sản phẩm điện tử trên toàn cầu. Về phần mình, châu Âu cũng rất muốn tìm cách giảm thiểu phụ thuộc vào nguồn cung chip bán dẫn từ bên ngoài như Mỹ hay châu Á giữa lúc bị bủa vây bởi nhiều nhân tố như dịch bệnh, cuộc chiến thương mại Mỹ-Trung Quốc hay chiến dịch quân sự đặc biệt của Nga tại Ukraine. Tuy nhiên, tự xây dựng các cơ sở thiết kế, sản xuất chip bán dẫn đồng nghĩa với việc châu Âu tiêu tốn nhiều thời gian, tiền bạc cũng như cần sự phối hợp của các đơn vị hàng đầu trong lĩnh vực này.

Để tận dụng tối đa nguồn lực bên ngoài, EU thông qua Đạo luật Chip vào đầu năm 2023 với những ưu đãi lớn dành cho các công ty chip bán dẫn. Đạo luật này được đánh giá sẽ thúc đẩy nghiên cứu sáng tạo tại châu Âu, khuyến khích doanh nghiệp chip bán dẫn hàng đầu chuyển dây chuyền sản xuất tiên tiến tới khu vực này để hưởng ưu đãi. Intel chính là một trong những đơn vị nắm bắt thời cơ đó. Reuters cho biết, Intel đã hiện diện ở châu Âu trên 3 thập kỷ và là một trong những tập đoàn công nghệ cao có quan hệ đối tác tốt đẹp với chính phủ các nước EU. Trong hai năm qua, hãng đầu tư hơn 10 tỷ USD vào các nhà cung ứng châu Âu và dự kiến tăng gấp đôi đến năm 2026.

VĂN HIẾU