Nhiều doanh nghiệp niêm yết công bố Báo cáo tài chính kiểm toán năm 2023 với việc “bốc hơi” hàng trăm tỉ đồng so với báo cáo tự công bố trước đó. Chẳng hạn, Công ty CP Tập đoàn Lộc Trời (mã chứng khoán LTG) công bố Báo cáo tài chính hợp nhất năm 2023 được kiểm toán bởi Công ty TNHH Ernst & Young Việt Nam (EY). Sau kiểm toán, lợi nhuận sau thuế hợp nhất của công ty còn gần 16,5 tỉ đồng, giảm tới 93,8% so với báo cáo tự lập (265 tỉ đồng).
Theo giải trình của doanh nghiệp, lợi nhuận sau kiểm toán giảm tới gần 249 tỉ đồng, chủ yếu tới từ các điều chỉnh gồm doanh thu giảm 19,4 tỉ đồng và giá vốn hàng bán tăng 15,8 tỉ đồng, do loại trừ phần chiết khấu thương mại và giá vốn từ các giao dịch bán hàng trong nội bộ tập đoàn chưa được phản ánh phù hợp. Ngoài ra, lợi nhuận từ công ty liên kết giảm 315 tỉ đồng, vì việc loại trừ lãi từ giao dịch giá rẻ do ảnh hưởng của việc xác định giá trị hợp lý tài sản thuần của công ty liên kết tại ngày mua chưa được phản ánh phù hợp…
Tương tự, Công ty CP Tập đoàn Xây dựng Hòa Bình (mã chứng khoán HBC) đã công bố Báo cáo tài chính hợp nhất năm 2023 do AASC kiểm toán. Kết quả năm vừa qua, lỗ sau thuế của Xây dựng Hòa Bình lên đến 1.115,3 tỉ đồng, cao hơn 333 tỉ đồng so với báo cáo tài chính tự lập. Biến động này do chi phí quản lý doanh nghiệp tăng từ 482,9 tỉ đồng trong báo cáo của HBC lên 757,7 tỉ đồng trong báo cáo kiểm toán (cao hơn 57%).
Nguyên nhân khiến hai báo cáo có sự chênh lệch lớn là bởi tại báo cáo tự lập, Xây dựng Hòa Bình đã hoàn nhập hơn 310 tỉ đồng từ trích lập dự phòng nợ phải thu khó đòi. Tuy nhiên, báo cáo kiểm toán lại không ghi nhận khoản hoàn nhập trên mà vẫn thống kê chi phí dự phòng 417,5 tỉ đồng. Tại thời điểm 31.12.2023, Xây dựng Hòa Bình có khoản lỗ lũy kế tới 3.240,3 tỉ đồng và một số khoản nợ quá hạn thanh toán. AASC đã bày tỏ sự nghi ngờ về khả năng hoạt động liên tục của HBC.
Theo giải thích của công ty, giá các bất động sản trong báo cáo tự lập công ty định theo giá thị trường trong khi trong kiểm toán ghi nhận theo giá gốc. Cách ghi nhận này đã gây ra sự chênh lệch rất lớn giữa 2 bản báo cáo, chẳng hạn như trụ sở 235 Võ Thị Sáu, Quận 3, TP.HCM, theo ghi nhận trên sổ sách chỉ có 5 tỉ đồng nhưng giá giao dịch hiện nay trên thị trường không dưới 75 tỉ đồng, sự chênh lệch này lên đến 15 lần. Ngoài bất động sản, định giá những tài sản cố định của Hòa Bình trong báo cáo tài chính kiểm toán cũng thấp hơn rất nhiều so với thực tế, nhiều tài sản cố định thậm chí không được đưa vào định giá vốn chủ sở hữu. Ví dụ, báo cáo tự lập ghi nhận giá trị bất động sản theo thị trường hiện nay là 4.789 tỉ đồng trong khi theo Báo cáo tài chính kiểm toán chỉ ghi nhận 2.470 tỉ đồng, chênh lệch 2.319 tỉ đồng. Bên cạnh đó là sự chênh lệch ở khoản mục giá trị còn lại của máy móc thiết bị; các khoản trích lập dự phòng và các khoản phải thu theo phán quyết của tòa…
Thậm chí, Công ty CP Tập đoàn Kỹ nghệ Gỗ Trường Thành (mã chứng khoán TTF) chuyển từ lãi sang lỗ sau khi kiểm toán. Theo Báo cáo kiểm toán năm 2023 được thực hiện bởi Công ty TNHH Ernst & Young Việt Nam, TTF bị lỗ sau thuế hơn 144,2 tỉ đồng trong khi báo cáo tự lập quý 4/2023 công bố lãi hơn 3,9 tỉ đồng.
Báo cáo tài chính kiểm toán đưa ra nhiều chỉ tiêu thay đổi lớn so với báo cáo tự lập trước đó gồm: Giá vốn hàng bán, chi phí quản lý doanh nghiệp và chi phí bán hàng đều tăng so với báo cáo tự lập khiến công ty lỗ thuần từ hoạt động kinh doanh 41 tỉ đồng; Khoản lợi nhuận khác từ 18 tỉ đồng ở báo cáo tự lập biến thành lỗ 70 tỉ đồng sau kiểm toán do tăng mạnh chi phí phạt thuế cùng khoản lỗ từ xóa sổ và thanh lý tài sản…