Giá nông sản đua tăng

Những ngày này, giá cà phê rung lắc. Tuy nhiên, sau chuỗi ngày tăng không ngừng nghỉ, giá loại hạt “giàu vị đắng” này đang ở ngưỡng cao nhất mọi thời đại khi vượt mốc 90.000 đồng/kg. Ngày 14/3, cà phê nhân được giao dịch quanh ngưỡng 90.200-91.100 đồng/kg, gấp đôi cùng kỳ năm ngoái.

Ông Trần Văn Xuất – Giám đốc HTX Nông nghiệp Nam Ban (Lâm Hà, Lâm Đồng) chuyên trồng cà phê chất lượng cao – cho biết, cà phê đã hết vụ thu hoạch, giá liên tiếp phá đỉnh lịch sử. Dù đã bán hết hàng từ trước đó nhưng những người nông dân như ông phấn khởi bởi trúng giá lớn.

Theo tính toán của ông Xuất, 1ha cà phê cho thu hoạch khoảng 3,8 tấn cà phê nhân. Nông dân bán ở ngưỡng 85.000 đồng/kg sẽ thu về khoảng 325 triệu đồng. Trừ chi phí, lãi khoảng 200 triệu đồng/ha. Còn nếu giữ được cà phê đến thời điểm này và bán với giá trên 90.000 đồng/kg thì trúng đậm.

Trong khi đó, giá hạt tiêu cũng lập kỷ lục mới khi vọt lên ngưỡng 92.000-95.000 đồng/kg, thậm chí nhiều nhà vườn đang bán loại gia vị “vàng đen” này với giá 100.000 đồng/kg.

“Vụ tiêu này vừa được mùa lại trúng giá”, ông Lê Quang Cường ở Hưng Phước (Bù Đốp, Bình Phước) nói và cho biết, sản lượng tiêu của gia đình ông tăng gấp đôi năm ngoái, từ 2 tấn lên 4 tấn. Gia đình ông làm tiêu hữu cơ, được doanh nghiệp thu mua 105.000 đồng/kg. Với mức giá này, ông Cường thu khoảng 420 triệu đồng.

Theo các nhà vườn trồng hồ tiêu, giá loại gia vị này đang cao nhất trong vòng 5 năm qua. Do đó, thu nhập của nông dân cũng tăng mạnh. Một 1ha trồng hồ tiêu sau khi trừ đi chi phí có thể lãi trên 350 triệu đồng.

Giá lúa ở nước ta sau cú sụt giảm mạnh thì tuần qua bật tăng trở lại và neo ở ngưỡng cao. Theo bà Bùi Thị Thanh Tâm, Chủ tịch HĐTV Tổng công ty Lương thực miền Bắc (Vinafood 1), với mức giá như hiện nay, người nông dân trồng lúa lãi 60%.

Đợt này, giá sầu riêng cũng thiết lập kỷ lục lịch sử mới khi nhà vườn khu vực Tây Nam Bộ bán sầu Thái ở mức 212.000 đồng/kg. Hiện, giá sầu riêng ở nước ta dao động từ 135.000-212.000 đồng/kg.

Chia sẻ với PV. VietNamNet, ông Trần Lâm Sinh – Phó Giám đốc Sở NN-PTNT tỉnh Đồng Nai – cho hay, giá sầu riêng từ năm ngoái đến năm nay duy trì ở ngưỡng cao nên các nhà vườn thu tiền tỷ. Ở Đồng Nai, có nhà vườn trồng tới 30ha sầu riêng, lợi nhuận thu về lên tới hàng chục tỷ đồng một năm.

sau-ri234ng.jpg
Giá sầu riêng lập kỷ lục lịch sử mới khi được thu mua giá 212.000 đồng/kg. Ảnh: Mạnh Khương

Thực tế, từ cuối năm 2022 đến nay, giá sầu riêng tăng vọt và lập đỉnh lịch sử giúp hàng chục nghìn nông dân trúng lớn, thu lãi từ 1-2,5 tỷ đồng/ha tùy sản lượng và thời điểm thu hoạch.

Hiện, giá nhiều loại nông sản ở nước ta đua nhau tăng do thị trường xuất khẩu phục hồi tốt. Thậm chí, một số mặt hàng như hạt tiêu, cà phê giá tăng sốc.

Theo Bộ NN-PTNT, so với cùng kỳ năm ngoái, giá gạo bình quân hai tháng đầu năm nay đạt 699 USD/tấn, tăng 32,2%; cà phê 3.153 USD/tấn, tăng 44,7%; cao su 1.429 USD/tấn, tăng 3,4%; hạt tiêu 4.041 USD/tấn, tăng 28,7%; chè 1.699 USD/tấn, tăng 1,7%…

Nhà nhập khẩu đổ về Việt Nam tìm nguồn hàng

Nhận định của cơ quan chức năng cũng như các chuyên gia, thời gian tới, giá nhiều loại nông sản sẽ tăng tiếp, thậm chí hạt tiêu được dự báo sẽ quay lại thời hoàng kim, giá có thể vọt lên ngưỡng 300.000-350.000 đồng/kg. 

Theo ông Lê Hoàng Tài, Phó Cục trưởng Cục Xúc tiến thương mại (Bộ Công Thương), nhu cầu hạt tiêu dự báo tăng và người tiêu dùng sẵn sàng trả giá cao cho hạt tiêu chất lượng cao.

Trong đó, các thị trường Mỹ, EU, Trung Đông… gia tăng nhu cầu nhập các sản phẩm đáp ứng tính bền vững về các khía cạnh xã hội, môi trường trong toàn bộ chuỗi cung ứng. Nhiều nhà nhập khẩu tìm đến nguồn hàng của Việt Nam, bởi hạt tiêu Việt Nam đang chiếm 40% sản lượng và chiếm 60% thị phần xuất khẩu trên thế giới.

Ông Nguyễn Nam Hải, Chủ tịch Hiệp hội Cà phê – Ca cao Việt Nam, thông tin hai tháng đầu năm nay, tổng sản lượng xuất khẩu cà phê Việt Nam gần 400.000 tấn, kim ngạch xuất khẩu là 1,25 tỷ USD, cao nhất so với cùng kỳ của nhiều năm qua.

xuat khau nong san.jpg
Nhiều mặt hàng nông sản đặt mục tiêu kim ngạch xuất khẩu đạt 5-7 tỷ USD. Ảnh: Hoàng Giám

Nước ta cũng là vựa cà phê Robusta lớn nhất thế giới nên các nhà nhập khẩu đổ về để mua hàng.

Theo các doanh nghiệp xuất khẩu, đơn hàng xuất khẩu không thiếu. Tuy nhiên, doanh nghiệp không dám nhận thêm đơn phát sinh cho quý II, do nguồn cung hàng trong dân không còn nhiều. 

Ông Nguyễn Đình Tùng, Tổng giám đốc Vina T&T Group, đặt kỳ vọng giá nhiều loại nông sản sẽ tiếp tục tăng trong những tháng đầu năm và cân bằng lại ở giữa năm.

Với sầu riêng, tới đây, Việt Nam xuất thêm mặt hàng đông lạnh sang Trung Quốc nên giá sẽ tăng thêm, thị trường có thể bước vào giai đoạn ổn định. Trong tháng 2 và 3, khi các nước như Thái Lan, Malaysia không còn sầu riêng, hàng Việt Nam tiếp tục được bán với giá cao.

Bà Nguyễn Thị Hồng Thu, Giám đốc Công ty TNHH Xuất nhập khẩu Trái cây Chánh Thu, chia sẻ doanh nghiệp này xuất đi Mỹ vài container xoài, thanh long mỗi tuần. Riêng trái bưởi da xanh, công ty vận chuyển qua đường biển, mỗi tháng từ 4-5 container.

Trước những tín hiệu tích cực từ thị trường, ngành rau quả đặt mục tiêu xuất khẩu đạt 6,5-7 tỷ USD, gạo và cà phê cùng kỳ vọng đạt 5 tỷ USD, còn hạt tiêu dự kiến lấy lại vị thế nông sản tỷ USD trong năm nay. Nếu đạt được, đây sẽ là những con số kỷ lục lịch sử mới của ngành nông nghiệp.

Trung Quốc chi gấp đôi tiền mua nông sản Việt, có loại giá siêu đắtTrung Quốc tiếp tục chi gấp đôi tiền để mua nhiều nông sản Việt trong tháng 1 năm nay. Nhờ đó, có loại nông sản giá tăng mạnh, thành hàng siêu đắt đỏ.