Từ hôm nay (25/5), theo quyết định mới của Ngân hàng Nhà nước, lãi suất tối đa mà ngân hàng áp dụng đối với tiền gửi có kỳ hạn từ 1 tháng đến dưới 6 tháng sẽ chính thức giảm từ mức 5,5%/năm xuống 5,0%/năm.
Từ hôm qua, nhiều ngân hàng thương mại đã bắt đầu giảm lãi suất huy động và nhiều đơn vị cũng đồng loạt điều chỉnh biểu lãi suất tiền gửi trong sáng 25/5.
Khảo sát biểu lãi suất niêm yết hiện tại của các ngân hàng, có tới 28 nhà băng đã thay đổi biểu lãi suất. Trong đó, hầu hết đều giảm 0,5 điểm % tại các kỳ hạn từ 1 tháng đến dưới 6 tháng xuống mức trần là 5%/năm và giữ nguyên các kỳ hạn dài.
Theo đó, ở nhóm Big4, Agribank và Vietinbank cùng điều chỉnh giảm lãi suất kỳ hạn 3 tháng từ 5,1% xuống 4,6%/năm, mức này bỏ xa trần lãi suất tối đa 5%/năm của Ngân hàng Nhà nước.
Cũng tại kỳ hạn này, BIDV điều chỉnh giảm từ 5,1% xuống còn 5%/năm. Mặt khác, đối với kỳ hạn 6 tháng, nhà băng này lại tăng từ 5,8% lên 6,2%/năm.
“Ông lớn” này cũng điều chỉnh kỳ hạn lãi suất với các kỳ hạn trên 6 tháng. Theo đó, kỳ hạn 12 tháng giảm 0,3 điểm % từ 7,2% xuống còn 6,9%/năm, kỳ hạn 24 tháng giảm 0,4 điểm % từ 7,2% xuống còn 6,8%/năm.
Các ngân hàng thương mại tư nhân khác cũng đồng loạt điều chỉnh giảm lãi suất kỳ hạn 3 tháng theo trần quy định 5%/năm của Ngân hàng Nhà nước.
Cụ thể, ACB giảm từ 4,8% xuống 4,1%/năm; Bac A Bank giảm từ 5,5% xuống 4,9%/năm; Eximbank giảm từ 5,5% xuống 5%/năm; GPbank giảm từ 6% xuống 5%/năm; HDbank giảm từ 5,5% xuống 5%/năm; Hong Leong Bank giảm từ 5,2% xuống 4,7%/năm, NCB giảm từ 5,5% xuống 5%/năm, BaoViet Bank giảm từ 5,5% xuống còn 5%; Techcombank giảm từ 5%/năm xuống còn 4,7%/năm…
Ngoài kỳ hạn 3 tháng, các kỳ hạn từ 6 tháng trở lên cũng được loạt nhà băng điều chỉnh giảm.
Tại BaoViet Bank đã điều chỉnh giảm kỳ hạn 6 tháng từ 7,8% xuống còn 7,5%/năm. Kỳ hạn 12 tháng giảm từ 8,4 xuống 8,1%/năm.
Còn với kỳ hạn 24 tháng, khách hàng gửi tiền tại ngân hàng này sẽ được trả lãi 7,7%/năm thay vì 8,1%/năm trước đó.
Các ngân hàng giảm lãi suất ở kỳ hạn 6 tháng còn có GPBank giảm từ 8,1% xuống còn 7,8%/năm; HDBank giảm từ 6,8% xuống 6,6%/năm.
Trong khi đó, Oceanbank lại tăng từ 7,6% lên 7,9%/năm; Vietcapitalbank tăng từ 7,2% lên 7,9%/năm ở kỳ hạn này.
Hiện những ngân hàng có quy mô nhỏ như ABBank, VietABank, GPBank, VietABank vẫn sở hữu mức lãi suất cao nhất trên thị trường, với lãi suất niêm yết từ 8,5%/năm trở lên.
Trong cuộc họp với Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Minh Khái hôm qua (24/5), lãnh đạo các ngân hàng thương mại như Agribank, Vietinbank, BIDV, Vietcombank, MB, Techcombank đã đồng thuận sẽ tiếp tục “chắt chiu”, tiết giảm chi phí hoạt động, nỗ lực để tiếp tục giảm lãi suất huy động, tiến tới giảm mặt bằng lãi suất cho vay; hướng tín dụng vào những lĩnh vực có khả năng tiếp cận vốn, các lĩnh vực ưu tiên để thúc đẩy sản xuất, kinh doanh…
Phó Thủ tướng Lê Minh Khái cũng đề nghị Ngân hàng Nhà nước và hệ thống ngân hàng tiếp tục triển khai các giải pháp tiết giảm chi phí hoạt động, hạ lãi suất huy động, để thiết lập mặt bằng lãi suất hợp lý hỗ trợ doanh nghiệp tiếp cận vốn, khắc phục khó khăn, phát triển sản xuất kinh doanh.
Tiếp thu ý kiến chỉ đạo của Phó Thủ tướng, Phó Thống đốc Đào Minh Tú cho biết, thời gian tới, Ngân hàng Nhà nước sẽ tiếp tục chỉ đạo hệ thống ngân hàng thương mại tiết giảm chi phí hoạt động để có thể tiếp tục hạ lãi suất, chia sẻ lợi nhuận với doanh nghiệp; rà soát, giảm các loại phí; tạo sự đồng bộ cho các ngân hàng; cơ cấu lại các khoản nợ, “khẩn trương hơn nữa”…