Mở cơ chế, giải bài toán vốn
UBND TP.HCM vừa ban hành văn bản thống nhất với kế hoạch đầu tư các dự án, công trình GTVT trọng điểm, chiến lược cần ưu tiên, tập trung đầu tư trong giai đoạn năm 2021 – 2025 và giai đoạn 2026 – 2030 do Sở GTVT TP.HCM đề xuất trước đó. Theo danh mục các dự án trọng điểm của Sở GTVT, sẽ có 17 dự án hoàn thành trong giai đoạn từ 2022 – 2025 và 11 dự án sẽ khởi công trong 3 năm tới. Thực tế, danh mục này lại một lần nữa điểm mặt gọi tên những công trình đã “nhẵn mặt”, vắt từ năm này qua năm khác. Dự án nào cũng khởi công trễ hẹn và thi công ì ạch do mắc phải “căn bệnh” chung là thiếu vốn.
Tuy nhiên, trao đổi với Thanh Niên, Giám đốc Sở GTVT TP.HCM Trần Quang Lâm khẳng định TP đã tìm được “thuốc trị bệnh” và giai đoạn sắp tới sẽ là thời kỳ bứt tốc của ngành giao thông. Thuốc điều trị căn bệnh thiếu vốn mà ông Lâm ví von, đó là nghị quyết thay thế Nghị quyết 54/2017 đang chờ được Quốc hội thông qua.
Cụ thể, nghị quyết mới có nhiều cơ chế phát triển hạ tầng, đặc biệt là hạ tầng giao thông, từ nguồn vốn, phương thức huy động vốn cho đến các phương thức đầu tư đối tác công – tư (PPP) mới. Thay vì trước đây TP bị giới hạn bởi trần kế hoạch vốn đầu tư trung hạn, trông chờ rất nhiều vào tỷ lệ điều tiết, xin vốn từ Trung ương, do phải cân đong đo đếm trong nguồn lực giới hạn nên làm dự án này phải bỏ lại dự án khác, thì với cơ chế mới, TP sẽ được tự cân đối nguồn vốn để thực hiện các dự án. Tùy vào nguồn lực, ngân sách của TP cân đối được đến đâu sẽ tự chuẩn bị trước, nghiên cứu, đầu tư ngay các dự án, sau đó báo cáo lại cho Trung ương. Điều này giúp các dự án chiến lược có thể “chạy” ngay, triển khai nhanh để sớm hoàn thành, quay lại góp phần phát triển kinh tế. Từ đó, TP.HCM lại có thêm nguồn thu để cân đối cho các dự án khác. “Nếu được thông qua, cầu Cần Giờ, cầu Thủ Thiêm 4, Vành đai 4, đoạn chưa khép kín của Vành đai 2 sẽ được bố trí vốn theo nguyên tắc của Nghị quyết 54”, ông Trần Quang Lâm thông tin thêm.
Bên cạnh đó, khi được áp dụng hình thức hợp đồng BOT đối với hệ thống đường bộ hiện hữu, các dự án có thể triển khai sớm gồm mở rộng QL1; cải tạo, nâng cấp QL22; mở rộng QL13; hoặc một số công trình cầu đường như cầu đường Bình Tiên, trục đường bắc – nam… Đây đều là những công trình trọng điểm nhưng hiện nay ngân sách chưa đáp ứng được mà có thể triển khai theo phương thức BOT rất thuận lợi.
Phó chủ tịch UBND TP.HCM Bùi Xuân Cường giao Sở GTVT TP khẩn trương phối hợp với các sở ngành, đơn vị liên quan hoàn chỉnh dự thảo kế hoạch phát triển kết cấu hạ tầng giao thông với các cơ chế, chính sách đặc thù phát triển TP.HCM. Sở GTVT TP cần chuẩn bị chu đáo các tài liệu làm việc với Bộ GTVT để giải quyết các vướng mắc và đẩy nhanh tiến độ thực hiện quy hoạch, hoàn thành trước ngày 25.6. Song song, khẩn trương thực hiện chủ trì, phối hợp với MAUR và các sở ngành, đơn vị liên quan tham mưu, đề xuất UBND TP kế hoạch đầu tư các dự án đường sắt đô thị theo kết luận của Bộ Chính trị về định hướng phát triển GTVT đường sắt VN đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045.
Trong đó lưu ý nghiên cứu triển khai sớm một số tuyến (phân kỳ đầu tư giai đoạn 1) để hình thành mạng lưới đường sắt đô thị trước năm 2035 ở khu vực trung tâm TP và cụm đô thị phát triển nhanh. Bên cạnh đó, xây dựng chương trình, kế hoạch và lộ trình thực hiện chuyển đổi phương tiện cơ giới giao thông đường bộ từ sử dụng nhiên liệu hóa thạch sang sử dụng năng lượng điện. Từ đó, xây dựng đề án, dự án liên quan để triển khai thực hiện ngay sau khi Quốc hội thông qua nghị quyết thay thế Nghị quyết 54.
Ngoài ra, Bộ Chính trị đã có Kết luận 49 rằng đến 2035, mạng lưới đường sắt đô thị của TP.HCM sẽ phải hoàn thiện đầy đủ 8 tuyến. Hiện nay Sở GTVT đang phối hợp với Ban Quản lý đường sắt đô thị (MAUR) phương án để đột phá mạng lưới đường sắt, nhưng nếu vẫn giữ cơ chế và cách làm như thời gian qua thì mục tiêu rất khó đạt. Chưa kể là gỡ những rào cản pháp lý liên quan đến xử lý khí thải, chuyển đổi phương tiện sạch, đầu tư các công trình phục vụ nhu cầu cấp bách như bãi đỗ xe…
“Quan trọng nhất là nghị quyết mới sẽ giúp TP.HCM huy động được nguồn lực của xã hội, không chỉ về tài chính mà còn là năng lực điều hành của các nhà đầu tư, nhà thầu, rút ngắn tiến độ thực hiện các dự án. Chắc chắn nếu nghị quyết được thông qua, hạ tầng nói chung và hạ tầng giao thông nói riêng của TP.HCM sẽ có bước đột phá và về đích sớm hơn, bao gồm cả mạng lưới đường sắt đô thị”, Giám đốc Sở GTVT TP.HCM nhấn mạnh.
Nhân rộng mô hình mới, cách làm mới
Mới đây, những thành quả kỷ lục của TP.HCM cùng các địa phương trong công tác chuẩn bị, đảm bảo tiến độ khởi công đường Vành đai 3 TP.HCM cũng đã được Thủ tướng Phạm Minh Chính tuyên dương tại lễ khởi công dự án ngày 18.6. Tháng 1.2022, Chính phủ có văn bản chính thức giao TP.HCM chủ trì lập dự án. Trong vòng 5 tháng, đến 16.6.2022, TP.HCM chính thức thông qua chủ trương đầu tư dự án lớn nhất của khu vực Đông Nam bộ. Đúng 1 năm sau, dự án đảm bảo đủ điều kiện khởi công. Hiện chủ đầu tư đã tổ chức lựa chọn xong nhà thầu, máy móc vật liệu đã tập kết đầy đủ ngoài công trường. Gần 90% mặt bằng “sạch” đã được thu hồi.
Riêng H.Hóc Môn từ nay đến cuối tháng 6 sẽ hoàn thành 100% giải phóng mặt bằng. Đây đều là những kỷ lục chưa từng có của ngành giao thông TP.HCM. Đáng nói, đây là lần đầu tiên Ban Giao thông TP được làm chủ đầu tư 1 dự án cao tốc quy mô rất lớn (2 dự án thành phần có tổng mức đầu tư 48.000 tỉ đồng, tương đương vốn đầu tư tuyến metro số 2). Sở GTVT cũng lần đầu tiên làm cơ quan chuyên môn về dự án cao tốc, tổ chức thực hiện từ thiết kế cơ sở, thiết kế kỹ thuật, dự báo…
Ông Trần Quang Lâm đánh giá Vành đai 3 đã mang đến một mô hình mới, cách làm mới để nhân rộng cho các dự án trong tương lai. Đầu tiên là từ chủ trương phân cấp, phân quyền của Quốc hội và Chính phủ. Được giao tổ chức thực hiện 1 dự án quy mô quốc gia, từng tỉnh, thành đã phát huy được nội lực của đội ngũ cán bộ công chức, cùng trăn trở để thay đổi cách làm và thay đổi phương pháp giải quyết công việc. Rõ ràng, khi được trao quyền chủ động, các địa phương đã phát huy được nội lực của mình.
Đồng thời, Vành đai 3 là dự án được áp dụng những cơ chế đặc biệt. Đơn cử như công tác bồi thường giải phóng mặt bằng, một số thủ tục được phép làm song song, đồng thời. Thông thường, phải duyệt dự án xong mới duyệt ranh, nhưng Vành đai 3 trên cơ sở thiết kế đã duyệt trước ranh để triển khai công tác thực địa và để kiểm đếm, đo vẽ… nên tiến độ nhanh hơn. Công tác lựa chọn tư vấn cũng được rút gọn. Nhà đầu tư được chỉ định nhà thầu, tư vấn có năng lực nhanh, giúp tiết kiệm thời gian rất nhiều mà vẫn hoàn toàn phù hợp với trình tự, quy định pháp luật. Ngoài ra, phương thức phối hợp giữa các sở, ngành cũng được xây dựng bài bản hơn, có ban chỉ đạo, có hội đồng cố vấn. Vì thế những bất cập, những vấn đề khó về kỹ thuật, chuyên môn… được giải quyết rốt ráo, không phải chờ đợi họp hành nhiều, giúp dự án “chạy” trôi chảy hơn.
“TP đang tập trung phấn đấu đến 30.4.2025 sẽ khởi công các công trình chiến lược là Vành đai 4, cầu Bình Triệu, cầu Thủ Thiêm 4, cao tốc TP.HCM – Mộc Bài và tuyến metro số 2. Với tâm thế, với tinh thần Vành đai 3, những cách làm đổi mới cùng tinh thần năng động của nghị quyết mới thì ngành giao thông chắc chắn sẽ có nhiều đột phá”, lãnh đạo Sở GTVT TP.HCM khẳng định.