Bấp bênh tiến độ tại dự án của “ông lớn” TKV
Tập đoàn Công nghiệp Than – Khoáng sản Việt Nam (TKV) đang triển khai xây dựng Nhà máy Nhiệt điện Na Dương II 110MW ở Lạng Sơn. Tổng mức đầu tư xây dựng gần 192 triệu USD, dự kiến sau khi hoàn thành sẽ cung cấp khoảng 650 triệu kWh/năm vào lưới điện quốc gia.
Dự án khởi công từ 2015 nhưng đến nay tiến độ vẫn bấp bênh.
Về gói thầu EPC nhà máy chính, Tổng công ty Điện lực – TKV đã ký hợp đồng EPC, tuy nhiên nhà thầu EPC không triển khai thực hiện dẫn đến dự án không thể đáp ứng tiến độ theo yêu cầu.
Tổng công ty Điện lực – TKV đã phát hành thông báo mời thầu lần hai theo quy định, nhưng đến thời điểm đóng thầu (sau khi gia hạn thêm đến 27/6/2022) vẫn không có nhà thầu nộp hồ sơ dự thầu. Trên cơ sở đánh giá tình hình thực tế, tổng công ty đã quyết định hủy gói thầu EPC ngày 27/6/2022 và tổ chức đánh giá lại các yêu cầu của hồ sơ mời thầu xây dựng phương án để tiếp tục triển khai trong thời gian tới.
Các dự án BOT
Hiện nay, Bộ Công Thương đang theo dõi 20 dự án nhà máy nhiệt điện đầu tư theo hình thức xây dựng – kinh doanh – chuyển giao (BOT), gồm cả các nhà máy mới được bổ sung thực hiện theo hình thức này, với tổng công suất khoảng hơn 26.000 MW.
Trong đó, đáng chú ý, ở miền Bắc, Dự án BOT Nam Định 1 đang trong quá trình thương thảo, hoàn thiện các hợp đồng dự án. Công suất dự án 2×600 MW, với vốn đầu tư 2,239 tỷ USD. Ngày 2/7/2017, dự án chính thức được Bộ Kế hoạch – Đầu tư trao giấy chứng nhận đăng ký đầu tư.
Dự án do liên danh đầu tư Tập đoàn Taekwang Power (Hàn Quốc) và Acwa Power (Ả Rập Xê Út) đầu tư, thông qua pháp nhân là Công ty TNHH Điện lực Nam Định Thứ Nhất (có trụ sở tại Singapore).
Tuy nhiên, đến nay dự án vẫn bất động.
Các dự án điện độc lập (IPP)
Có 10 dự án trên 100 MW đang triển khai đầu tư xây dựng theo hình thức IPP với tổng công suất 11.092 MW. Các dự án này hiện đều chậm tiến độ do gặp nhiều vướng mắc kéo dài.
Tình hình thực hiện một số dự án đang triển khai xây dựng như sau:
Dự án Nhiệt điện An Khánh, Bắc Giang (1×650 MW)
Chủ đầu tư đang tiếp tục hoàn thiện các thủ tục vay vốn thanh toán cho hợp đồng EPC từ MB (ngân hàng đầu mối) và các nhà băng đồng tài trợ, dự kiến giải ngân khoản vay đầu tiên vào quý I/2023.
Đến nay, dự án đã cơ bản hoàn thành công tác đền bù, GPMB khu nhà máy chính và công trình phụ trợ, đang tiếp tục hoàn thiện thủ tục thuê đất đợt hai. Đối với phần diện tích bãi tro xỉ, hành lang tuyến băng tải, Công ty Cổ phần nhiệt điện An Khánh Bắc Giang đang hoàn tất thủ tục để triển khai bồi thường, GPMB.
Dự án Thủy điện Hồi Xuân (102 MW), Thanh Hóa
Dự án có vốn đầu tư khoảng 3.300 tỷ đồng, khởi công vào tháng 3/2010, dự kiến hàng năm cung cấp 328,49 triệu kWh cho hệ thống điện quốc gia. Nhưng 13 năm, dự án vẫn chưa xong.
Các hạng mục công trình chính đạt khoảng trên 98% khối lượng. Công ty Cổ phần Đầu tư và Xây dựng điện Hồi Xuân VNECO đã thi công trở lại từ tháng 11/2022, bao gồm các công việc: hoàn thiện kiến trúc nhà máy, thi công cầu giao thông qua tràn.
Chủ đầu tư dự án cam kết hết quý I/2024 sẽ hoàn thiện, vận hành nhà máy.
Nhưng tại văn bản ngày 12/6, Bộ Công Thương cho biết: Bộ đã nhận được 3 báo cáo của VNECO Hồi Xuân. Tuy nhiên, công ty mới chỉ đưa ra được phương án tài chính bổ sung nguồn vốn để tiếp tục triển khai các công việc còn lại của dự án. Phương án tài chính đang được Ngân hàng NN-PTNT Việt Nam xem xét, thẩm định và đến nay, vẫn chưa giải ngân cho vay để chủ đầu tư có kinh phí thực hiện dự án.
Theo phản ánh từ Sở Công Thương tỉnh Thanh Hoá, sau cuộc họp ngày 9/3/2023, địa phương vẫn chưa nhận được kinh phí từ chủ đầu tư để tiếp tục triển khai các công tác bồi thường, hỗ trợ, tái định cư các hộ dân trong vùng ảnh hưởng.
Dự án Nhiệt điện Công Thanh (1×600 MW), Thanh Hóa
Dự án được cấp Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư ngày 4/11/2010, điều chỉnh lần hai ngày 5/6/2018. Khi đó, dự án có thời gian đưa vào vận hành thương mại tháng 12/2020.
Tuy nhiên, dự án mới cơ bản thực hiện xong công tác đền bù, giải phóng mặt bằng và san gạt mặt bằng nhà máy chính đến cao độ thiết kế nhà máy chính, đã xây tường rào nhà máy chính và nhà điều hành của tổng thầu…
Dự án gặp nhiều khó khăn trong thu xếp vốn, chủ đầu tư và UBND tỉnh Thanh Hóa đã đề nghị chuyển đổi nhiên liệu sang LNG và tăng công suất lên 1.500 MW. Qua xem xét, Bộ Công Thương thấy rằng có thể cho phép chuyển đổi với quy mô công suất đã được phê duyệt là 600 MW và được trình trong Quy hoạch điện VIII.
Theo Quy hoạch điện VII điều chỉnh, tổng công suất các nguồn điện (không tính nguồn năng lượng tái tạo) đang chuẩn bị đầu tư, đang đầu tư trong năm 2023 là 52 dự án với tổng công suất khoảng 57.492 MW. Trong đó, EVN thực hiện 10 dự án/8.240 MW; Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (PVN) thực hiện 8 dự án/6.900 MW; TKV thực hiện 4 dự án/2.730 MW; BOT có 13 dự án/18.330 MW; IPP có 14 dự án (trên 100 MW)/17.092 MW và 3 dự án/4.200 MW chưa có chủ đầu tư. |