Liên tiếp nhiều ông lớn xăng dầu tư nhân lao đao

2024 tiếp tục là năm rất khó khăn với các doanh nghiệp xăng dầu tư nhân, kể cả nhiều đầu mối lớn từng một thời nổi đình nổi đám.

Cuối tháng 1 vừa qua, hai doanh nghiệp lớn nhất thuộc khối tư nhân trong lĩnh vực này là Công ty TNHH Vận tải thuỷ bộ Hải Hà (Hải Hà Petro) và Công ty TNHH Thương mại vận tải và Du lịch Xuyên Việt Oil bị dừng thủ tục hải quan sau khi bị tước giấy phép kinh doanh do lạm dụng Quỹ bình ổn giá, nợ thuế.

Ngày 23/1, Cơ quan Cảnh sát điều tra Bộ Công an ra quyết định khởi tố vụ án hình sự vi phạm quy định về quản lý, sử dụng tài sản nhà nước gây thất thoát, lãng phí và vi phạm quy định về kế toán gây hậu quả nghiêm trọng, xảy ra tại Hải Hà Petro cùng các đơn vị có liên quan.

Cơ quan điều tra cũng ra quyết định khởi tố bị can, ra lệnh bắt bị can để tạm giam đối với bà Trần Tuyết Mai, Chủ tịch Hội đồng thành viên kiêm Tổng Giám đốc Hải Hà Petro.

viet oil 123.jpg
Xuyên Việt Oil bị tước giấy phép kinh doanh. Ảnh: L.B

Cùng nguyên nhân sai phạm về Quỹ bình ổn giá và nợ thuế, Xuyên Việt Oil đã bị Bộ Công Thương thu hồi giấy phép từ tháng 8/2023.

Tháng 9/2023, Cơ quan Cảnh sát điều tra Bộ Công an khởi tố vụ án “Vi phạm quy định về quản lý, sử dụng tài sản nhà nước gây thất thoát, lãng phí”, xảy ra tại Xuyên Việt Oil và một số cơ quan, tổ chức liên quan.

Đồng thời, cơ quan an ninh điều tra cũng ra quyết định khởi tố bị can, thực hiện lệnh bắt tạm giam hai lãnh đạo Xuyên Việt Oil là bà Mai Thị Hồng Hạnh, giám đốc và Nguyễn Thị Như Phương, phó giám đốc, về tội “Vi phạm quy định về quản lý, sử dụng tài sản nhà nước gây thất thoát, lãng phí”.

Trong danh sách doanh nghiệp nợ thuế đợt tháng 5/2024 của Cục Thuế TP.HCM, Xuyên Việt Oil đứng đầu danh sách với số tiền gần 1.740 tỷ đồng. 

Trong khi đó, ‘đại gia’ xăng dầu miền Tây cũng dính nợ thuế “khủng”. Từ cuối năm 2023, Cục Thuế tỉnh Hậu Giang đã ban hành quyết định cưỡng chế thuế bằng biện pháp ngừng sử dụng hoá đơn với CTCP Thương mại Đầu tư Dầu khí Nam Sông Hậu (tại Hậu Giang).

Lý do là doanh nghiệp này có tiền nợ thuế quá 90 ngày quy định. Số tiền bị cưỡng chế hơn 1.100 tỷ đồng. Quyết định này có hiệu lực thi hành từ 18/12/2023-17/12/2024.

Trong tình cảnh tương tự, hơn một năm rưỡi qua, “ông lớn” xăng dầu Trung Linh Phát luôn nằm trong danh sách các doanh nghiệp nợ thuế nhiều nhất theo thông báo của Cục Thuế tỉnh Ninh Bình. Trong danh sách mới nhất tính đến 31/7, Công ty TNHH Trung Linh Phát đứng đầu danh sách với số thuế còn nợ là 195,8 tỷ đồng.

Trước đó, tháng 11/2023, Thanh tra Bộ Tài chính đã xử phạt hành chính và ban hành 19 quyết định cưỡng chế khấu trừ tiền từ 33 tài khoản của Công ty TNHH Trung Linh Phát, với số tiền hơn 26,3 tỷ đồng.

Tháng 10/2023, Cục Thuế tỉnh Ninh Bình đã ban hành quyết định cưỡng chế bằng biện pháp ngừng sử dụng hóa đơn đối với Trung Linh Phát.

Không chỉ nợ thuế “khủng”, doanh nghiệp này còn sa lầy trong các khoản nợ xấu ngân hàng. Gần đây, doanh nghiệp này liên tục bị các ngân hàng rao bán tài sản để thu hồi nợ xấu. 

Petrolimex lãi tăng vọt gấp đôi, sản lượng bán gia tăng

Trong khi nhiều doanh nghiệp xăng dầu tư nhân lao đao thì Tập đoàn Xăng dầu Việt Nam (Petrolimex) đã báo cáo kết quả kinh doanh ấn tượng sau nửa đầu năm nay.

plx178a_66c0896ecb8ed.jpg
Petrolimex lãi lớn trong 6 tháng đầu năm nay. Ảnh: Petrolimex

Cụ thể, trong văn bản giải trình vừa gửi lên Ủy ban Chứng khoán Nhà nước và Sở Giao dịch Chứng khoán TPHCM về kết quả kinh doanh ấn tượng nửa đầu năm, Petrolimex đã đề cập đến con số lợi nhuận hơn gấp đôi cùng kỳ năm ngoái mà công ty mẹ thu về.

Theo Petrolimex, trong 6 tháng đầu năm 2024, lợi nhuận sau thuế của công ty mẹ đạt gần 1.531 tỷ đồng; trong khi cùng kỳ năm ngoái đạt hơn 649 tỷ đồng, tăng gần 881,6 tỷ đồng.

Lợi nhuận hợp nhất sau thuế của Petrolimex trong 6 tháng đầu năm nay đạt gần 2.421 tỷ đồng, tăng hơn 862 tỷ đồng so với 6 tháng đầu năm 2023.

Lý giải về nguyên nhân lãi lớn, Petrolimex cho biết hoạt động kinh doanh xăng dầu về cơ bản ổn định, có hiệu quả và sản lượng bán ra tăng so với cùng kỳ năm 2023. 

Điều này đến từ việc nguồn cung năng lượng và giá dầu thế giới ổn định, không biến động mạnh như các năm.

Theo báo cáo tài chính hợp nhất sau soát xét, lợi nhuận sau thuế của Petrolimex trong 6 tháng đầu năm 2024 tăng so với cùng kỳ năm 2023 ngoài nguyên nhân tăng chủ yếu do hiệu quả từ hoạt động kinh doanh xăng dầu thì hoạt động kinh doanh thuộc các lĩnh vực khác của tập đoàn này về cơ bản ổn định và tăng trưởng so với cùng kỳ. 

Nhưng lợi nhuận từ các công ty con kinh doanh hóa dầu, nhiên liệu bay (lĩnh vực chiếm tỷ trọng lớn trong cơ cấu lợi nhuận ngoài xăng dầu của Petrolimex) trong 6 tháng đầu năm 2023 lại giảm so với cùng kỳ. 

Một đại gia khác trong ngành xăng dầu cũng gặp vô vàn khó khăn năm qua là đầu mối Thiên Minh Đức. Đầu năm nay, Cục Thuế tỉnh Nghệ An có quyết định cưỡng chế bằng biện pháp trích tiền từ hàng loạt tài khoản ngân hàng của CTCP Tập đoàn Thiên Minh Đức (TP Vinh, tỉnh Nghệ An) vì nợ thuế gần 940 tỷ đồng và chậm nộp phạt. 

Trước đó, Cục Thuế tỉnh Nghệ An thông báo tạm hoãn xuất cảnh đối với bà Chu Thị Thành, Chủ tịch HĐQT Thiên Minh Đức.

Lý do tạm hoãn xuất cảnh vì bà Thành là người đại diện theo pháp luật của Thiên Minh Đức, thuộc trường hợp đang bị cưỡng chế thi hành quyết định hành chính về quản lý thuế chưa hoàn thành nghĩa vụ nộp thuế.