Nằm ở trung tâm thành phố Thanh Hóa (tỉnh Thanh Hóa), công sở cũ phường An Hoạch đang xuống cấp. Công sở này bỏ hoang đã 4 năm, kể từ khi thực hiện việc sáp nhập phường An Hoạch và xã Đông Hưng (thành phố Thanh Hóa), lấy tên phường An Hưng.
Khu công sở 2 tầng còn khá mới bị bỏ hoang khiến nhiều người dân không khỏi tiếc nuối.
Theo tìm hiểu, ngoài công sở phường An Hoạch, trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa đang có 923 công sở, nhà đất công dôi dư sau sắp xếp đơn vị hành chính giai đoạn 2019-2023.
Chung cảnh ngộ, công sở và nhà văn hóa xã Thuần Lộc, huyện Hậu Lộc được đầu tư hàng tỷ đồng bị bỏ hoang sau khi thực hiện sáp nhập với xã Văn Lộc. Khu khuôn viên của 2 công trình này hiện là nơi tập kết vật liệu xây dựng.
Cách đó không xa, Trạm Y tế xã Thuần Lộc, huyện Hậu Lộc cũng trong tình trạng “cửa đóng, then cài”, bỏ hoang, xuống cấp thời gian qua.
Tương tự, công sở và nhà văn hóa xã Thọ Thắng (huyện Thọ Xuân) bỏ hoang suốt 4 năm qua. Hai công trình này được đầu tư hơn 8 tỷ đồng, bỏ hoang sau thời điểm sáp nhập với xã Xuân Lập.
Chủ tịch UBND xã Xuân Lập Lê Đình Hải cho biết năm 2019, sau khi sáp nhập 2 xã, căn cứ vào vị trí địa lý và dân số, địa phương lựa chọn công sở xã Xuân Lập làm nơi làm việc.
“Trụ sở UBND và nhà văn hóa cũ ở xã Thọ Thắng được xây dựng năm 2019, mới sử dụng được vài tháng thì thực hiện sáp nhập. Còn nhà văn hóa chưa họp lần nào, hai công trình này không sử dụng từ thời điểm đó đến nay”, ông Hải cho biết.
Công sở xã Quảng Phúc (huyện Quảng Xương) cũ gần hoàn thiện nhưng phải dừng thi công để thực hiện sáp nhập. Công trình này được xây dựng năm 2018 với tổng mức đầu tư hơn 5 tỷ đồng.
Năm 2019, xã Quảng Phúc và Quảng Vọng thuộc diện sáp nhập để thành lập xã Quảng Phúc. Kể từ đó, công trình đang xây dựng dang dở này bị bỏ hoang.
Thời điểm đầu năm 2023, bên trong một số phòng tại công sở còn trở thành nơi nuôi nhốt lợn của người dân. Trong ảnh là một phòng làm việc đang thi công dang dở, làm nơi nhốt lợn (Ảnh chụp thời điểm tháng 2).
Tình trạng này cũng xảy ra tại huyện Hà Trung. Sau khi sáp nhập hai xã Hà Toại và xã Hà Phú, lấy tên là xã Lĩnh Toại, khu nhà 2 tầng khang trang, nhiều phòng làm việc, mới được đầu tư năm 2016 (công sở xã Hà Toại cũ) không được lựa chọn làm nơi làm việc.
Hiện các cán bộ, lãnh đạo, nhân viên của xã Hà Toại đang làm việc tại công sở xã Hà Phú cũ, đã xây dựng từ hơn 20 năm trước.
Cũng trên địa bàn huyện Hà Trung, công sở xã Hà Yên cũ được đầu tư khoảng 10 tỷ đồng, hoàn thành và sử dụng cuối năm 2018 nhưng đành bỏ hoang sau khi thực hiện sáp nhập với xã Hà Dương (lấy tên mới là xã Yên Dương, huyện Hà Trung).
Theo người dân địa phương, công trình này mới sử dụng được một năm thì bỏ hoang, gây lãng phí.