Loạt cổ phiếu thép bị bán mạnh, dòng ngân hàng “gánh” thị trường phiên 22/8
Các cổ phiếu ngân hàng như SSB, TCB, CTG… đồng loạt tăng và góp phần nâng đỡ thị trường chung. Trong khi đó, sắc đỏ áp đảo. VN-Index đóng cửa ở mức 1.282,78 điểm, tương ứng giảm 1,27 điểm (-0,1%) so với phiên trước.
Sắc xanh trên thị trường tiếp tục được nối dài sau phiên tăng điểm ngày 21/8.
Trước đó, Trung tâm Thông tin Công nghiệp và Thương mại dự báo CPI tháng 8/2024 có thể tăng khoảng 0,2% so với tháng trước. Áp lực lạm phát những tháng cuối năm có thể đến từ việc Nhà nước điều chỉnh lương cơ bản, tăng giá dịch vụ y tế, giáo dục, giá điện theo lộ trình. Mặc dù vậy, trong những tháng còn lại của năm 2024, những yếu tố làm giảm tốc độ tăng chỉ số giá như các nền kinh tế lớn giữ nguyên lãi suất hoặc hạ chậm, kinh tế thế giới tiếp tục trì trệ khiến giá hàng hóa thế giới khó tăng mạnh.
Thông tin vĩ mô quốc tế cũng khá tích cực khi biên bản cuộc họp của Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) tháng 7 cho thấy các nhà hoạch định chính sách tiền tệ nhận định rằng khả năng cắt giảm lãi suất trong cuộc họp tháng 9 đã tăng lên. Phần lớn các thành viên cho rằng việc nới lỏng chính sách tiền tệ là phù hợp nếu các số liệu kinh tế tiếp tục diễn biến phù hợp với dự báo.
Tuy nhiên, sự hưng phấn không duy trì được lâu. Thay vào đó, áp lực chốt lời gia tăng khiến nhiều nhóm ngành cổ phiếu đi xuống từ đó đẩy các chỉ số lùi xuống dưới mốc tham chiếu. Giao dịch trên thị trường tiếp tục biến động với những nhịp tăng giảm điểm đan xen.
Nhóm cổ phiếu thép có biến động tương đối tiêu cực ở phiên hôm nay, trong đó, HPG giảm đến hơn 1,5% và là nhân tố có sự tác động tiêu cực nhất đến VN-Index khi lấy đi của chỉ số này 0,62 điểm. Bên cạnh HPG, các cổ phiếu nhóm ngành thép khác như NKG, HSG… cũng chìm trong sắc đỏ. NKG giảm 1,38%, HSG giảm 1,43%…
Cùng với đó, các cổ phiếu lớn khác như VNM, VCB, MBB hay GVR cũng đều giảm giá và gây áp lực lớn lên VN-Index. VNM giảm 1,46% và lấy đi 0,56 điểm. Hai mã ngân hàng tăng mạnh hôm qua là VCB và MBB thì nay điều chỉnh giảm trở lại 0,4% và 1,4%.
SSB, TCB và CTG là đầu tàu kéo VN-Index tăng điểm. |
Ở chiều ngược lại, các cổ phiếu ngân hàng khác như TCB, SSB, CTG, VIB hay TPB đồng loạt tăng giá tốt và là động lực giúp VN30-Index giữ được sắc xanh cũng như nâng đỡ VN-Index. Trong đó, SSB tăng đến 4,85%, TCB tăng 1,59%, CTG tiếp tục tăng 1,17%. SSB đóng góp cho VN-Index 0,64 điểm. TCB và CTG đóng góp lần lượt 0,6 điểm và 0,52 điểm.
Ngoài ra, một vài cổ phiếu lớn khác như VRE, MSN hay FPT cũng giữ được đà tăng tích cực ở phiên hôm nay.
Nhóm cổ phiếu bất động sản có sự phân hóa mạnh, trong đó, NVL và PDR gây chú ý ở nhóm bất động sản, trong đó, NVL tăng 2,38% còn PDR tăng 1,82%. Mới đây, Sở Xây dựng tỉnh Đồng Nai đã có văn bản về điều kiện của bất động sản hình thành trong tương lai được đưa vào kinh doanh đối với một số căn nhà ở thấp tầng thuộc một phần khu số 2, Dự án Khu đô thị Aqua Waterfront City của Công ty TNHH Bất động sản Đà Lạt Valley – công ty con của Novaland. Theo đó, Sở Xây dựng xác nhận 98 căn nhà ở hình thành trong tương lai thuộc một phần khu số 2, Dự án Khu đô thị Aqua Waterfront City đủ điều kiện được đưa vào kinh doanh theo quy định.
Tuy nhiên, nhiều cổ phiếu bất động sản khác lại có sự điều chỉnh, NTL giảm 1,4%, QCG giảm 3%, KHG giảm 0,91%, KDH giảm 0,3%… Các cổ phiếu nhóm chứng khoán nhận được lực cầu tốt vào cuối phiên. Trong đó, VDS tăng 2,56%, HCM tăng 1,8%, MBS tăng 1%…
Kết thúc phiên giao dịch, VN-Index đóng cửa ở mức 1.282,78 điểm, tương ứng giảm 1,27 điểm (-0,1%) so với phiên trước. Toàn sàn có 171 mã tăng, 228 mã giảm và 87 mã đứng giá. HNX-Index tăng 0,05 điểm (0,02%) lên 238,47 điểm. Toàn sàn có 67 mã tăng, 82 mã giảm và 62 mã đứng giá. UPCoM-Index tăng 0,01 điểm (0,01%) tăng 94,49 điểm.
Khối ngoại có phiên bán ròng thứ hai liên tiếp. |
Tổng khối lượng giao dịch trên HoSE đạt 687 triệu cổ phiếu (giảm khoảng 18% so với phiên trước), tương ứng giá trị giao dịch đạt 15.607 tỷ đồng. Giá trị giao dịch trên HNX và UPCoM đạt lần lượt 1.196 tỷ đồng và 535 tỷ đồng.
Khối ngoại tiếp tục bán ròng khoảng 470 tỷ đồng trên HoSE, trong đó, dòng vốn này bán ròng mạnh nhất mã HPG với giá trị 146 tỷ đồng. HSG và VPB bị bán ròng lần lượt 122 tỷ đồng và 51 tỷ đồng. Chiều ngược lại, FPT được mua ròng mạnh nhất với giá trị 138 tỷ đồng. STB và VCB được mua ròng lần lượt 50 tỷ đồng và 48 tỷ đồng.
Nguồn: https://baodautu.vn/loat-co-phieu-thep-bi-ban-manh-dong-ngan-hang-ganh-thi-truong-phien-228-d223073.html