Ngày 9.11 vừa qua, Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) quyết định điều chỉnh nâng giá bán lẻ điện bình quân lên 2.006,79 đồng/kWh (chưa gồm thuế VAT), tăng tương ứng 4,5% so với mức giá bán lẻ hiện tại. Đây là đợt tăng lần thứ hai trong năm nay, đưa giá điện tăng tổng cộng 7,5%.
Đánh giá về tác động của việc tăng giá điện tới các doanh nghiệp ngành này, ông Lưu Trí Kháng – Trưởng phòng tự doanh, Công ty Chứng khoán Kiến Thiết – cho biết, phần lớn các doanh nghiệp sản xuất điện sẽ không hưởng lợi trong ngắn hạn. Nguyên nhân là họ vốn đã ký kết hợp đồng cung cấp điện với EVN từ trước đó, thậm chí theo từng lộ trình.
“Có thể trong dài hạn giá điện neo cao, khi đó những hợp đồng mua điện được ký mới lại thì các doanh nghiệp này mới hưởng lợi. Chỉ có doanh nghiệp phân phối điện mới được hưởng lợi nhờ khoản chênh lệch giữa lần ký kết trước, nay được bán với mức giá cao hơn” – ông Kháng phân tích.
Còn theo quan sát từ nhóm chuyên gia Công ty Chứng khoán MB (MBS), xu hướng khoản phải thu tăng mạnh trong các doanh nghiệp điện đã bắt đầu từ năm 2022, khi nền giá đầu vào thế giới tăng mạnh và EVN gặp khó khăn về tài chính. Đặc biệt, nhiều doanh nghiệp nhiệt điện nổi bật trên sàn ghi nhận khoản phải thu với EVN tăng mạnh nhất do giá bán điện cao như Tổng Công ty Điện lực Dầu khí Việt Nam (HOSE: POW), Tổng Công ty Phát điện 3 (HOSE: PGV), CTCP Điện lực Dầu khí Nhơn Trạch 2 (HOSE: NT2), CTCP Nhiệt điện Quảng Ninh (UPCOM: QTP), CTCP Nhiệt điện Hải Phòng (UPCOM: HND). Đây cũng là những doanh nghiệp ghi nhận tỉ lệ phải thu/tổng tài sản cao trong ngành.
“Việc tăng giá điện lần này sẽ giúp EVN có thêm khoảng 26.000 tỉ đồng doanh thu cho năm 2024, qua đó hỗ trợ cải thiện khả năng thanh toán cho EVN cũng như dòng tiền kinh doanh và hiệu quả tài chính của các doanh nghiệp nhiệt điện trên” – MBS đánh giá.
Chuyên gia cũng dự báo những doanh nghiệp xây lắp điện sẽ được hưởng lợi. Giai đoạn năm 2022 – 2023 là thời gian khó khăn cho các doanh nghiệp xây lắp hạ tầng điện khi không ký được hợp đồng xây lắp mới từ EVN và dòng tiền cho các dự án cũng bị gián đoạn. Nhiều doanh nghiệp ghi nhận kết quả doanh thu xây lắp thấp, giá trị backlog ký mới không cao khi EVN liên tục cắt giảm chi phí đầu tư, sửa chữa bảo dưỡng cho hệ thống điện.
“Với nhu cầu công việc nhiều cho phát triển lưới điện, trung bình khoảng 1,5 – 1,6 tỉ USD hàng năm, EVN cần ổn định dòng tiền của mình sớm để thực hiện hóa điều này. Hoạt động xây lắp sẽ tích cực hơn và các doanh nghiệp nổi bật trên sàn như Tổng CTCP Xây dựng điện Việt Nam (HOSE: VNE), CTCP Tập đoàn PC1 (HOSE: PC1), CTCP Tư vấn Xây dựng Điện 2 (HOSE: TV2) sẽ được hưởng lợi” – MSB nhận định.