Sở Giao dịch chứng khoán TP.HCM (HoSE) vừa có quyết định chuyển cổ phiếu từ diện cảnh báo sang diện kiểm soát với mã PSH của Công ty cổ phần Thương mại đầu tư Dầu khí Nam Sông Hậu từ ngày 11-10 tới.
Lý do, PSH đã chậm nộp báo cáo tài chính soát xét bán niên năm 2024 quá 30 ngày so với thời hạn quy định, thuộc trường hợp bị kiểm soát.
Cổ phiếu PSH của đại gia xăng dầu miền Tây này còn được theo dõi ở diện cảnh báo của HoSE do tổ chức kiểm toán có ý kiến ngoại trừ tại báo cáo tài chính năm 2023.
Với lý do tương tự PSH, cổ phiếu DAG của Công ty CP Tập đoàn Nhựa Đông Á và SJF của Công ty CP Đầu tư Sao Thái Dương cũng bị chuyển từ diện cảnh báo sang kiểm soát từ ngày 11-10.
Trong khi đó cổ phiếu PMG của Công ty CP Đầu tư và Sản xuất Petro Miền Trung sẽ chuyển từ diện kiểm soát sang diện cảnh báo kể từ ngày 8-10.
Theo HoSE, lợi nhuận sau thuế chưa phân phối tại ngày 30-6-2024 của PMG là âm 63,3 tỉ đồng. Căn cứ báo cáo tài chính hợp nhất soát xét bán niên 2024, cổ phiếu doanh nghiệp này thuộc trường hợp chuyển chứng khoán từ diện kiểm soát sang cảnh báo.
Cùng đợt này, HoSE cũng quyết định chuyển cổ phiếu KPF của Công ty CP Đầu tư tài sản Koji từ diện kiểm soát sang diện hạn chế giao dịch từ ngày 11-10. Lý do công ty này chậm nộp báo cáo tài chính soát xét bán niên năm 2024 quá 45 ngày so với thời hạn quy định.
Hồi cuối năm ngoái, HNX đã quyết định đưa 29 mã cổ phiếu trên UPCoM vào diện đình chỉ giao dịch trong một ngày.
Theo HNX, tính đến cuối tháng 12 năm ngoái, trên UPCoM có 44 cổ phiếu bị đình chỉ giao dịch. Việc đình chỉ chủ yếu do tổ chức niêm yết chưa công bố báo cáo tài chính kiểm toán từ 3 năm tài chính liên tiếp trở lên.
Tình trạng vi phạm công bố thông tin diễn ra khá phổ biến trên cả 3 sàn. Trong đó, việc không công bố báo cáo tài chính kiểm toán nhiều năm là vi phạm nghiêm trọng.
Đẩy mạnh xử phạt, thanh lọc tổ chức niêm yết kém minh bạch về thông tin
Thống kê mục thanh tra – giám sát Ủy ban Chứng khoán nhà nước gần đây liên tục công bố trường hợp bị xử phạt do lỗi vi phạm công bố thông tin.
Trong đó, chủ yếu là vi phạm không công bố theo quy định hoặc công bố nhưng không đúng hạn, thậm chí nhiều trường hợp còn công bố thông tin sai lệch.
Ngoài yêu cầu nộp phạt, Ủy ban Chứng khoán yêu cầu các doanh nghiệp công bố sai lệch thông tin phải đính chính.
Còn theo ghi nhận của Tuổi Trẻ, có trường hợp doanh nghiệp cố ý không khai báo đầy đủ thông tin nhằm hạn chế khả năng phân tích của nhà đầu tư.
Từ đó, doanh nghiệp có thể “giấu” tình hình kinh doanh, nợ tiềm tàng, giao dịch nội bộ, sự kiện bất thường…
Thậm chí, có trường hợp ngân hàng công bố báo cáo về cổ đông sở hữu 1% vốn điều lệ nhưng chất lượng báo cáo thấp, mờ. Nhà đầu tư khi tiếp cận với những báo cáo này không thể nắm bắt được đầy đủ, trọn vẹn nội dung, thậm chí có thể không dịch được hoặc dịch sai.
Nguồn: https://tuoitre.vn/loat-co-phieu-chuyen-sang-dien-bi-kiem-soat-mot-dai-gia-xang-dau-mien-tay-gop-mat-20241005200157147.htm