Tại dự thảo, Bộ Công Thương đề xuất các dự án nguồn điện mặt trời và điện gió có hệ thống lưu trữ điện và có đấu nối với hệ thống điện quốc gia được hưởng nhiều cơ chế ưu đãi.

Cụ thể, được ưu tiên huy động nguồn điện theo quy định hiện hành về hệ thống điện và thị trường điện. 

Hệ thống lưu trữ điện của dự án điện từ nguồn điện mặt trời và điện gió là hàng hóa, sản phẩm được hưởng các chính sách ưu đãi về thuế theo quy định pháp luật.

Ngoài ra, vẫn được hưởng cơ chế ưu đãi khác theo quy định của pháp luật hiện hành.

W-dien gio.jpg
Bộ Công Thương đề xuất hàng loạt chính sách ưu đãi, hỗ trợ cho các dự án điện năng lượng tái tạo và điện năng lượng mới. Ảnh: Hoàng Hà

Tại dự thảo này, Bộ Công Thương xây dựng nhiều nội dung về dự án điện gió ngoài khơi, sẽ là dự án năng lượng tái tạo thuộc danh mục ngành, nghề đặc biệt ưu đãi đầu tư như các ưu đãi miễn tiền sử dụng khu vực biển khi xây dựng và giảm 50% khoản này trong 12 năm khi vận hành; miễn tiền sử dụng đất, thuê đất; sản lượng điện hợp đồng tối thiểu dài hạn là 50%.

Nếu doanh nghiệp do nhà nước nắm giữ 100% vốn điều lệ đầu tư, sẽ được miễn bảo đảm thực hiện dự án đầu tư theo quy định của Luật Đầu tư; được Thủ tướng Chính phủ xem xét, quyết định cấp tín dụng vượt giới hạn cho dự án điện gió ngoài khơi theo quy định của Luật Các tổ chức tín dụng.

Với nhà đầu tư nước ngoài khi thực hiện dự án, phải bảo đảm điều kiện tiếp cận thị trường đối với nhà đầu tư nước ngoài, được lựa chọn hình thức đầu tư và thực hiện các thủ tục đầu tư theo quy định pháp luật, với tỉ lệ sở hữu vốn tối đa 65% khi có sự tham gia của nhà đầu tư trong nước.

Nhà đầu tư phải triển khai ít nhất 1 dự án có quy mô tương đương ở Việt Nam, hoặc trên thế giới; có năng lực tài chính, phương án huy động vốn hoặc cam kết cho vay, có nhân lực, chuyên môn, kinh nghiệm. Có giá trị tổng tài sản ròng trong ba năm gần nhất đã được kiểm toán lớn hơn tổng mức đầu tư dự kiến của dự án. Dự án cũng phải có sự thống nhất của Bộ Quốc phòng, Bộ Công an, Bộ Ngoại giao.

Dự thảo này cũng đề xuất quy định chính sách ưu tiên, hỗ trợ nghiên cứu, phát triển phù hợp công nghệ điện gió, điện mặt trời.

Đơn cử, việc nghiên cứu, phát triển công nghệ trong lĩnh vực điện gió, điện mặt trời tại Việt Nam được khuyến khích và hỗ trợ phát triển theo quy định tại Điều 8 Luật Điện lực và quy định pháp luật có liên quan.

Nhà nước sẽ ưu tiên thực hiện các chương trình nghiên cứu, phát triển, ứng dụng khoa học công nghệ, sản xuất tấm quang năng, tua-bin điện gió, thiết bị chuyển đổi nguồn điện.

Tuy nhiên, để được áp dụng các chính sách ưu đãi, hỗ trợ phát triển, các dự án điện năng lượng mới phải đáp ứng các điều kiện gồm: dự án điện năng lượng được sản xuất từ 100% hydrogen xanh hoặc 100% amoniac xanh hoặc 100% hỗn hợp của hai nguồn này; dự án cung cấp điện cho hệ thống điện quốc gia; dự án đầu tiên cho từng loại hình điện năng lượng mới.

Trường hợp các dự án nêu trên là dự án năng lượng sạch thuộc danh mục ngành, nghề đặc biệt ưu đãi đầu tư theo quy định pháp luật về đầu tư, ngoài cơ chế, chính sách ưu đãi theo pháp luật về đầu tư, còn được hưởng các cơ chế ưu đãi:

  • Miễn tiền sử dụng khu vực biển trong thời gian xây dựng. Giảm 50% tiền sử dụng khu vực biển trong thời hạn 9 năm kể từ khi đưa vào vận hành.
  • Miễn tiền sử dụng đất, tiền thuê đất trong thời gian xây dựng. Sau thời gian xây dựng, việc miễn, giảm được thực hiện theo quy định pháp luật về đầu tư và đất đai. 
  • Sản lượng điện hợp đồng tối thiểu dài hạn là 80% trong thời hạn trả nợ gốc vốn vay nhưng không quá 12 năm đối với dự án bán điện lên hệ thống điện quốc gia.

Theo Luật Điện lực, điện năng lượng mới là điện được sản xuất từ hydrogen xanh, amoniac xanh hay dạng năng lượng mới khác theo quy định của pháp luật.

Điện năng lượng tái tạo là điện được sản xuất từ một hoặc nhiều nguồn năng lượng sơ cấp gồm: năng lượng mặt trời; gió; năng lượng đại dương; năng lượng từ sức nước, gồm cả thủy điện; năng lượng sinh khối; năng lượng từ chất thải, trừ chất thải của quá trình sản xuất, kinh doanh có sử dụng nhiên liệu hóa thạch và chất thải được xác định là nguy hại; dạng năng lượng tái tạo khác theo quy định của pháp luật.

Doanh nghiệp Trung Quốc ‘quan tâm’ nhà máy điện rác 1.000 tỷ, Cần Thơ nói gì?Một doanh nghiệp Trung Quốc quan tâm dự án Nhà máy đốt rác phát điện tại Cần Thơ với công suất xử lý 400 – 600 tấn rác/ngày; vốn đầu tư khoảng 1.200 – 1.500 tỷ đồng.