Nền kinh tế Việt Nam có triển vọng tăng trưởng nhờ thị trường xuất khẩu, lĩnh vực du lịch và bất động sản đều đang trên đà phục hồi.
Kinh tế Việt Nam có triển vọng tăng trưởng lạc quan. (Nguồn: BCC) |
Gỡ bỏ “nút thắt” trên thị trường bất động sản
Đánh giá về thị trường bất động sản của Việt Nam, ông Helmi Arman, nhà kinh tế tại ngân hàng Citi Việt Nam cho rằng, sau thời gian bị “đóng băng”, lĩnh vực bất động sản đang phục hồi. Chính phủ đang thúc đẩy cải cách cơ cấu nhằm đặt nền móng cho sự phục hồi bền vững ở lĩnh vực bất động sản.
Luật Đất đai sửa đổi, được thông qua trong tháng 1/2024, thay đổi quyền sở hữu và sử dụng đất, bãi bỏ khung định giá đất và bảng giá đất để bảng giá đất được cập nhật hàng năm và tiệm cận giá thị trường.
Những thay đổi về quyền sở hữu sử dụng đất nông nghiệp sẽ cho phép hình thành nền nông nghiệp quy mô lớn để tăng cường an ninh lương thực. Việc thanh toán tiền thuê đất sẽ được phép thanh toán một lần hoặc trả hàng năm.
Theo ông Helmi Arman, những nỗ lực nói trên sẽ không đem lại hiệu quả tức thì. Nhưng các biện pháp này được đưa ra để giúp loại bỏ những “nút thắt” trong lĩnh vực bất động sản khi nhu cầu đang tắc lại.
Ông Khánh Vũ nhận định: “Có những chỉ dấu phục hồi mới trong lĩnh vực bất động sản, đặc biệt là trên thị trường thứ cấp khi giao dịch tăng 10-20% trong hai quý cuối năm 2023 tại các thành phố lớn so với cùng kỳ năm 2022”.
Điểm sáng FDI
Đối với các nhà đầu tư quốc tế, lĩnh vực sản xuất của Việt Nam vẫn hấp dẫn nhất, đặc biệt là chuỗi cung ứng điện thoại thông minh và hàng điện tử tiêu dùng.
Đối với các nhà đầu tư trong nước, xuất khẩu hàng may mặc, giày dép, đồ nội thất được quan tâm nhiều nhất. Xu hướng dịch chuyển hoạt động sản xuất ra khỏi Trung Quốc đã mang lại nhiều lợi ích cho Việt Nam.
Chính phủ Việt Nam muốn thúc đẩy sản xuất chất bán dẫn và cũng đang tìm cách tăng quy mô trong toàn bộ chuỗi cung ứng bằng cách nâng cao năng lực trong cả khâu thử nghiệm và đóng gói chip bán dẫn.
Để làm được việc này, Chính phủ lên kế hoạch đến năm 2030 sẽ đào tạo 50.000 kỹ sư.
Song song với đó, sức mạnh của ngành sản xuất đang tác động tích cực đến xuất khẩu. Xuất khẩu cũng tăng nhờ nhu cầu tăng trước dịp Tết Nguyên đán.
Ông Kenglin Tan, nhà quản lý danh mục đầu tư cấp cao, cổ phiếu tại tập đoàn Quản lý Quỹ Manulife toàn cầu, cho biết: “Có một số chỉ dấu cho thấy sự ổn định của xuất khẩu và có một số kho hàng đang được nhập hàng trở lại”.
Các lĩnh vực đầu tư tiềm năng trong năm 2024 là những lĩnh vực mà các công ty sản xuất toàn cầu quan tâm khi đầu tư vào Việt Nam.
Ông Tan cho hay: “Nhu cầu về bất động sản công nghiệp và nhu cầu về năng lượng tái tạo là những lĩnh vực sẽ có đà tăng trưởng lớn hơn trong năm 2024”.
Việt Nam sẽ áp dụng mức thuế tối thiểu toàn cầu nên có một số ý kiến lo ngại rằng việc này sẽ tác động đến dòng vốn đầu tư. Tuy nhiên, điều này đã không xảy ra.
Ông Tan khẳng định: “Ở góc độ nhà đầu tư nước ngoài, dù đầu tư vào Việt Nam hay các nước khác như Mexico hay Thái Lan, các nhà đầu tư đều bị ảnh hưởng trước chính sách thuế tối thiểu toàn cầu. Sau khi xem xét dòng vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) trong tháng 12/2023 và sau khi chính sách về thuế tối thiểu toàn cầu được công bố, chúng ta có thể thấy rằng, các nhà đầu tư không hề bị ngần ngại”.
Khu công nghiệp Vsip 2, huyện Tân Huyên, Bình Dương. (Ảnh: Quỳnh Trần) |
Ngoài ra, năm 2023, nguồn vốn FDI cũng chảy mạnh vào Việt Nam.
Ông Khánh Vũ, Phó Giám đốc điều hành của quỹ VinaCapital Fund Management đánh giá: “Năm 2023, Việt Nam ghi nhận mức kỷ lục 23 tỷ USD về vốn đầu tư FDI được giải ngân và gần 30 tỷ USD vốn FDI cam kết – tăng hơn 30% trong năm 2023. Điều này sẽ ‘mở đường’ cho dòng vốn FDI tăng mạnh trong tương lai”.
Dẫn ví dụ về Chuyến thăm của Tổng thống Mỹ Biden trong tháng 9/2023, ông Khánh Vũ nhấn mạnh, chuyến thăm đã khuyến khích nhiều công ty cân nhắc chuyển địa điểm hoặc mở rộng ra bên ngoài Trung Quốc. Có những chỉ dấu rõ ràng rằng, FDI tiếp tục chuyển dịch ra khỏi Trung Quốc và đổ vào Việt Nam.
Ngoài ra, Hàn Quốc đã cam kết hỗ trợ đầu tư vào Việt Nam và đặt mục tiêu vượt 100 tỷ USD tổng vốn đầu tư vào năm 2025.
Đến nay, xứ sở kim đã đầu tư 84 tỷ USD vào Việt Nam, chủ yếu là lĩnh vực sản xuất, với 62 tỷ USD đầu tư vào hơn 4.600 dự án, với các tập đoàn sản xuất lớn như Samsung, LG và SK.
Tăng trưởng lạc quan
Về tốc độ tăng trưởng, các tổ chức quốc tế và giới chuyên gia đánh giá, năm 2024, kinh tế Việt Nam tăng trưởng lạc quan.
Ông Khánh Vũ nhận định: “Mức tăng trưởng Tổng sản phẩm quốc nội (GDP) phục hồi là nhờ lĩnh vực xuất khẩu, sản xuất, du lịch tăng trưởng và lĩnh vực tiêu dùng trong nước và niềm tin của người tiêu dùng phục hồi nhẹ.
Lương của khu vực công sẽ tăng từ giữa 2024. Đây là một lý do thúc đẩy chi tiêu trong nước tăng mạnh trong năm 2024 so với năm 2023”.
Tăng trưởng kinh tế của Việt Nam còn nhờ mức lãi suất ưu đãi.
Ông Khánh Vũ nhận thấy, điều đáng khích lệ là các công ty hiện đang vay để làm vốn lưu động và chi tiêu vốn. Cách đây một năm, các doanh nghiệp vay với lãi suất từ 9-11%, nhưng hiện có thể vay với lãi suất 5-7%. Lãi suất huy động giảm nhanh hơn lãi suất cho vay nên lãi suất cho vay có lẽ sẽ còn giảm nữa.
Hãng tin Bloomberg thì dự báo, tăng trưởng kinh tế Việt Nam 2024 sẽ đạt 6% vào quý I và II/2024, trong khi cả năm 2024, mức tăng trưởng được dự báo đạt 6%, sau đó vượt lên 6,4% trong năm 2025.
Lạm phát trong cả năm 2024 được dự báo sẽ ở mức 3,5%, trước khi giảm xuống mức 3,2% trong năm 2025 – thấp hơn mục tiêu là 4 – 4,5%.
Cũng với góc nhìn khá lạc quan, dự báo của Trung tâm Phân tích và Tư vấn Đầu tư thuộc Công ty Chứng khoán SSI kỳ vọng, trong năm 2024, tăng trưởng GDP sẽ khởi sắc hơn khi đạt 6-6,5% với sự phục hồi của thương mại, tiêu dùng và đầu tư công.
“Chính phủ duy trì chính sách tài khóa và tiền tệ nới lỏng khi thông điệp đưa ra vẫn tập trung vào tăng trưởng, do ổn định vĩ mô đã được đảm bảo”, Trung tâm Phân tích và Tư vấn Đầu tư thông tin.
Tuy nhiên, vẫn có những “cơn gió ngược” nhất định tác động lên nền kinh tế. Đơn cử như tình trạng tăng trưởng chậm lại của kinh tế thế giới, các xung đột địa chính trị gia tăng là rủi ro cần quan sát trong năm 2024.